Là sinh viên, ai chẳng muốn mình sẽ học giỏi đúng không nào? Tuy nhiên, với quan điểm của anh thì sinh viên không nên chạy theo thành tích, tức là hãy để thành tích tự nhiên tìm đến mình, chứ mình đừng mãi đuổi theo nó. Vì sao?
>> Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa – Peer pressure
Chạy theo thành tích để làm gì?
Bằng giỏi sẽ là tấm vé vàng giúp các em vượt qua vòng CV khi phỏng vấn xin việc, tuy nhiên, bằng giỏi không phải là tất cả. Các em cố gắng học tốt để tốt nghiệp loại giỏi là một điều tuyệt vời, nhưng nếu mà mình chạy theo thành tích, kiểu như là học lại, thi lại để cải thiện kết quả sao cho mình nhất định phải tốt nghiệp loại giỏi, thì theo anh đó là điều không cần thiết. Sau 4 năm đại học, điều quan trọng quyết định lợi thế cạnh tranh khi xin việc của sinh viên là kiến thức chuyên ngành mà các em tích luỹ được, chứ không phải là tấm bằng giỏi hay là những con điểm cao. Bằng chứng là không phải ai tốt nghiệp loại giỏi cũng tìm được công việc tốt khi ra trường, và cũng có không ít sinh viên dù chỉ tốt nghiệp loại khá nhưng vẫn tìm được việc làm ở các công ty lớn.
Tương tự như thế, anh cũng thấy một số bạn sinh viên chạy theo thành tích về bằng cấp ngoại ngữ, tức là các bạn ấy học mẹo, học tủ để thi TOEIC, IELTS được điểm cao hơn trình độ thật của mình. Tức là dù có trên tay tấm bằng TOEIC 600 – 700, nhưng trình độ thật của các bạn cũng chỉ tầm 450. Đó là điều không cần thiết, các em không cần phải chạy theo thành tích ngoại ngữ như thế, vì nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể test lại trình độ ngoại ngữ của các em, chứ họ không tin hoàn toàn vào những bằng cấp ngoại ngữ đó đâu.
>> Muốn thành công – Hãy rèn luyên 5 thói quen này
Chạy theo thành tích và cái kết
Đúng là nếu có được thành tích tốt thì là một điều đáng tự hào – Nhưng nó chỉ đúng khi thành tích đó phản ánh đúng năng lực của mình. Và anh luôn dành nhiều sự ngưỡng mộ cho những sinh viên ra trường với tấm bằng giỏi, với bằng ngoại ngữ điểm cao mà phản ánh đúng năng lực thật sự của các bạn. Tức là những trường hợp mà thành tích tự chạy đến với các em, vì các em thật sự vững kiến thức chuyên ngành và giỏi ngoại ngữ, anh rất hoan nghênh luôn.
Còn nếu các em chạy mãi, chạy mãi theo thành tích, có thể các em sẽ có được thành tích tốt đó, các em sẽ tốt nghiệp loại giỏi, có bằng ngoại ngữ điểm cao,… nhưng đọng lại trong các em sẽ là gì? Liệu những thành tích đó có thật sự thuộc về mình, hay nó đang là một chiếc áo quá rộng so với vóc dáng của các em? Thay vào đó, các em hãy dành thời gian để mình củng cố lại kiến thức chuyên ngành, tự rèn luyện ngoại ngữ từ một cách bài bản. Hãy nói không với học mẹo, học vẹt, học tủ. Hãy nói không với gian lận trong kiểm tra, thi cử.
Anh tin rằng mỗi người đều có một con đường riêng, một cánh cửa riêng dẫn đến thành công trong tương lai. Chỉ cần các em vững bước, không ngừng cố gắng, không ngừng học hỏi, thì các em sẽ gặt hái được thành quả xứng đáng, sẽ xây dựng được một ngôi nhà khang trang, vững chắc từ nền móng. Chứ không nên mải chạy theo thành tích, không nên tích luỹ những món đồ trang trí cho đẹp, trong khi nền móng của ngôi nhà còn đang lung lay.
Bài viết này anh chia sẻ không nhằm mục đích chỉ trích ai cả. Anh chỉ muốn các em nhận ra rằng mình không nên chạy theo thành tích, kể cả ở trường đại học và cả trong công việc sau này nữa. Điều quan trọng nhất vẫn là năng lực thật sự của bản thân. Chúc các em thành công trong tương lai!
>> Thành công trong tương lai phụ thuộc vào hành động ở hiện tại
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.