Chọn ngành học là chủ đề khiến đa số học sinh cuối cấp 3 đau đầu, vì nhiều bạn chưa được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, vẫn còn đang mơ hồ về công việc tương lai. Bên cạnh đó, một số trường đại học cũng chưa xếp chuyên ngành từ đầu, mà để sinh viên cân nhắc thêm 1 năm, đến tầm năm 2 mới chọn nguyện vọng, xét chuyên ngành, nên các bạn tân sinh viên năm nhất tại các trường này cũng luôn đau đáu trong đầu rằng không biết nên chọn ngành học theo sở thích cá nhân hay theo ý gia đình? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời gỡ rối khúc mắc ấy trong bài viết này nhé!
>> Bí quyết chọn ngành học phù hợp với bản thân
Chọn ngành học có quan trọng không?
Trước khi giải đáp câu hỏi rằng nên chọn ngành học theo sở thích hay theo ý gia đình, chúng ta sẽ cùng giải đáp xem chọn ngành học có quan trọng không? Chọn ngành học là một việc cực kỳ quan trọng, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định. Chọn ngành không phải là một sự lựa chọn thông thường, vì kết quả cuối cùng của nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của chúng ta, ngành mình theo học sẽ liên quan đến công việc sau này, và công việc đó sẽ gắn bó với mình cả đời.
Chọn đúng ngành học phù hợp với bản thân, thì mình mới có thể hào hứng, vui vẻ học tập, tiếp thu kiến thức, sau này đi làm cũng sẽ thoải mái làm việc, hoàn thành công việc tốt, đạt được nhiều thành tựu khi đi làm. Ngược lại, nếu chọn sai ngành học, chọn ngành mà chưa cân nhắc kỹ, dẫn tới việc không thích, không phù hợp, thì bạn sẽ khó lòng tập trung làm việc, luôn cảm thấy đi làm thật chán, thì sẽ không thể hoàn thành tốt công việc và khó lòng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Những nguy cơ phải đối mặt khi chọn sai ngành học
Để làm rõ hơn về tầm quan trọng của việc lựa chọn ngành học, thì chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể những nguy cơ bạn phải đối mặt khi lỡ chọn sai ngành học, chọn ngành học không phù hợp:
- Chán nản học tập: Khi chọn sai ngành học, sinh viên sẽ phải đối mặt với những môn học mà mình không thích, mình cảm thấy nhàm chán, không thể nào tiếp thu được, dẫn tới kết quả học tập sa sút, thậm chí còn phải đối mặt với rủi ro rớt môn, học lại, điểm trung bình tích luỹ thấp, xếp loại tốt nghiệp không như mong muốn, hoặc thậm chí nhiều bạn còn bị nợ môn kéo dài, khiến mình phải tốt nghiệp ra trường trễ.
- Không vững kiến thức chuyên ngành: Chính vì chán nản học tập khi chọn sai ngành, nên các em sẽ khó lòng tiếp thu bài giảng, dẫn tới việc không nắm vững kiến thức chuyên ngành. Đáng ra nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên là tập trung học để vững kiến thức, thì cuối cùng lại không làm được vì đã lỡ chọn sai ngành học.
- Khó tìm được việc làm: Khi ra trường mà không vững kiến thức, lơ mơ về ngành học, thậm chí còn dự định đi làm trái ngành, thì tất nhiên các em sẽ khó lòng tìm được việc làm, phải chật vật hơn nhiều so với những bạn khác.
- Không phát triển năng lực bản thân: Khi chọn đúng ngành học, bạn sẽ như cá gặp nước, thoải mái vùng vẫy trong sở trường của mình, phát huy thế mạnh của mình và đạt được nhiều thành tựu. Ngược lại, khi chọn sai ngành học, bạn sẽ bị kiềm hãm, không phát triển năng lực bản thân, đây là điều cực kỳ uổng phí mà chẳng ai mong muốn.
- Thất vọng về bản thân: Khi chọn sai ngành học, bạn sẽ học tệ, làm việc cũng tệ, chẳng đạt được thành tựu nào, và còn phải thường xuyên đối mặt với thất bại, dẫn tới việc tự ti về bản thân, thất vọng về bản thân.
- Lãng phí thời gian và tiền bạc: Người ta đi học xong ra trường đi làm, vui vẻ với công việc, gắn bó lâu dài với công việc. Còn khi chọn sai ngành học, thì bạn sẽ lãng phí thời gian và tiền bạc để học điều mình không thích, không thấy hứng thú, rồi cuối cùng lại phải chật vật đi làm trái ngành, phải vừa làm vừa học lại từ đầu kiến thức của ngành mới.
>> Sinh viên chọn nguyện vọng, chuyên ngành đại học sao cho đúng?
Chọn ngành học theo sở thích hay theo ý gia đình?
Sau khi hiểu rõ tầm quan trọng của việc chọn ngành học và lường trước được những rủi ro khi chọn sai ngành học, thì chắc chắn bạn sẽ cố gắng hết mình, cân nhắc thật kỹ khi chọn ngành. Vậy nên chọn ngành học theo sở thích hay theo ý gia đình? Để trả lời câu hỏi này thật sự không hề dễ dàng, vì trên thực tế không có điều gì là chắc chắn.
Có những người chọn ngành học theo sở thích, đam mê của bản thân, và đó là quyết định chính xác, đạt được nhiều thành tựu với ngành đã chọn, nhưng có một số người vì hồi đó còn trẻ quá, chưa hình dung rõ về công việc tương lai, nên đang học giữa chừng hoặc gần tốt nghiệp thì lại phát hiện ra mình không hợp với ngành dù thật sự lúc chọn ngành là do chính mình lựa chọn theo sở thích bản thân. Ngược lại, có những người chọn ngành theo ý gia đình, theo sự sắp đặt sẵn của người thân, và đạt được nhiều thành tựu vì người thân “vẽ đúng đường”, nhưng tất nhiên cũng có nhiều trường hợp gia đình sắp đặt không hợp lý, không phù hợp với sở trường, nên khi đi làm cũng cực kỳ chật vật, chẳng làm tốt được công việc, thậm chí nhiều người sau này còn phải đi làm trái ngành, trái với ý gia đình đã sắp đặt lúc trước.
Thật ra, việc lựa chọn ngành học cần có sự dung hoà của nhiều yếu tố, bạn không thể khăng khăng rằng ngành đó là sở thích của mình, là điều mình đam mê, rồi phớt lờ những gợi ý từ gia đình, từ những người đã có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm hơn mình. Ngược lại, bạn cũng không nên răm rắp nghe theo ý gia đình mà bỏ qua sở thích cá nhân khi chọn ngành, vì điều này cũng có khả năng cao khiến bạn phải hối hận, rồi phải đi làm trái ngành.
Chọn ngành học theo sở thích và ý gia đình vẫn chưa đủ
Bên cạnh việc dung hoà giữa sở thích cá nhân và theo ý kiến gia đình khi lựa chọn ngành học, thì vẫn còn một số yếu tố khác mà bạn có thể dựa vào để cân nhắc trước khi quyết định xem mình chọn ngành nào. Vì thật ra, trên thực tế không chỉ có 3-4 ngành, mà sẽ có hàng chục ngành nghề khác nhau, cực kỳ đa dạng, và chắc chắn khi bạn cân nhắc càng kỹ, dung hoà được càng nhiều yếu tố, thì bạn sẽ càng có được lựa chọn ngành học đúng đắn nhất, chứ không phải chỉ gói gọn trong băn khoăn rằng nên chọn ngành học theo sở thích hay theo ý gia đình. Cụ thể, bạn nên cân nhắc thêm một số điều sau:
- Năng lực của bản thân: Bạn dung hoà được sở thích cá nhân hay theo ý kiến gia đình khi chọn ngành, nhưng lại chọn trúng một ngành không phù hợp với năng lực của bản thân, phải khoác một chiếc áo quá rộng, vượt quá khả năng của mình, thì đó cũng là một thất bại khi chọn ngành. Vì thế, hãy đánh giá kỹ năng lực bản thân, có một góc nhìn thực tiễn để có thể lựa chọn ngành học phù hợp với khả năng của mình.
- Tiềm năng tương lai của ngành: Sau khi dung hoà sở thích cá nhân hay theo ý kiến gia đình, thì chắc chắn vẫn có rất nhiều ngành học khác nhau mà bạn có thể lựa chọn. Khi đó, bạn hãy tìm hiểu, nghiên cứu thêm về tiềm năng tương lai của những ngành đó, xem ngành nào sẽ có mức lương cao, ngành nào sẽ nở rộ trong tương lai.
- Cung cầu của thị trường lao động: Bạn có thể chọn rất nhiều ngành phù hợp với cả sở thích cá nhân hay theo mong muốn của gia đình, trong số đó, bạn hãy tìm hiểu thêm về cung cầu của thị trường lao động, xem ngành nào có nhu cầu tuyển dụng cao, để mình có thể gia tăng cơ hội việc làm và không lo bị thất nghiệp trong tương lai.
- Hỏi ý kiến từ tiền bối trong ngành: Sau khi đã nhắm được một ngành học nào đó, bạn nên tham khảo ý kiến từ các tiền bối, có thể là các anh chị khoá trên trong ngành, hoặc những người đã ra trường đi làm trong ngành, để có góc nhìn thực tiễn nhất về ngành nghề đó trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Bài viết này đã giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của việc chọn ngành học, những rủi ro khi chọn sai ngành, giải đáp băn khoăn rằng nên chọn ngành học theo sở thích hay ý gia đình, đồng thời, đưa ra một số yếu tố mà bạn nên cân nhắc thêm trước khi chọn ngành. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Hối hận vì chọn ngành không suy nghĩ, có nên học lại ngành khác?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.