Chưa Có Kinh Nghiệm, Làm Nhân Viên Kinh Doanh Được Không?

Kinh nghiệm làm việc vẫn luôn là đề tài được chúng ta nhắc tới nhiều mỗi khi có ý định tìm việc. Chủ đề này lại càng được thảo luận sôi nổi hơn với các ứng viên mới ra trường hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, băn khoăn rằng nếu mình chưa có kinh nghiệm thì phải làm sao, liệu đó có phải là điểm bất lợi khi ứng tuyển không? Liên quan tới chủ đề này, cụ thể hơn trong công việc nhân viên kinh doanh, có không ít ứng viên thắc mắc rằng khi chưa có kinh nghiệm thì có làm nhân viên kinh doanh được không? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!

>> Sinh viên nên tập trung học hay kết hợp đi làm thêm lấy kinh nghiệm?

Nhân viên kinh doanh chịu trách nhiệm KPI thế nào?

Trước khi giải đáp băn khoăn rằng chưa có kinh nghiệm có làm nhân viên kinh doanh được không, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem nhân viên kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm KPI thế nào, để có cái nhìn tiệm cận hơn với tính chất công việc mà mình dự định theo đuổi. Thông thường, nhân viên kinh doanh sẽ phải chịu 3 KPI chính, phải cố gắng tập trung để cân đối và đảm bảo mình đạt được đủ những KPI ấy thì mới có thể phát triển và gắn bó lâu dài với công việc này.

Đầu tiên, đó là KPI về số lượng khách hàng mà mình mang về được cho công ty mỗi tháng, chẳng hạn như công ty yêu cầu phải có tối thiểu 5 khách hàng/tháng, thì bạn phải tập trung sao cho mình hoàn thành được điều này, vì đây cũng là một yêu cầu khác cơ bản mà nhân viên kinh doanh cần đáp ứng. Tiếp theo, đó có thể là KPI về tỷ lệ chốt khách, nếu công ty yêu cầu tỷ lệ chốt khách của bạn phải đạt tối thiểu 20%, tương đương khi có 10 người tới nghe tư vấn, thì bạn cần phải chốt được tối thiểu 2 người, nếu tỷ lệ chốt của bạn kém hơn, thì bạn cần nhìn lại bản thân và nhanh chóng tìm cách khắc phục. KPI cuối cùng và quan trọng nhất mà nhân viên kinh doanh cần phải đảm nhiệm chính là đạt chỉ tiêu doanh số mà công ty yêu cầu, với những ai đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành, thì điều này sẽ không quá khó, nhưng với những ai mới bắt đầu thử sức trong công việc này, thì khả năng cao rằng sẽ khá vất vả, mệt mỏi, đau đầu, nhất là khi gần tới cuối tháng mà mình vẫn đang bị chậm tiến độ, kết quả doanh số vẫn chưa đâu vào đâu.

Nhân viên kinh doanh thường làm những công việc gì?

Sau khi nắm được các KPI chính của nhân viên kinh doanh, thì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những công việc thường ngày của vị trí này. Đầu tiên, đó có thể là việc tìm kiếm khách hàng, thông qua rất nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như chủ động tìm khách thông qua các mối quan hệ cá nhân, hỏi thăm khách hàng cũ nhờ họ giới thiệu bạn bè, đi phát tờ rơi, voucher trải nghiệm, hoặc gọi điện quảng cáo trong danh sách data có sẵn của công ty. Đây hầu như là một đầu việc có vẻ nhàm chán, chẳng có gì thú vị, có thể vẫn có bộ phận marketing phụ trách tìm khách hàng, nhưng nhiều công ty cũng sẽ yêu cầu nhân viên kinh doanh làm thêm các việc này luôn, để tăng cơ hội bán hàng, tăng khả năng đạt KPI được giao.

Tiếp theo, nhân viên kinh doanh sẽ tập trung chuyên môn khi trò chuyện trực tiếp với khách hàng, để tìm hiểu nhu cầu, tư vấn sản phẩm, dịch vụ sao cho đáp ứng tối đa những nhu cầu, giải quyết triệt để các khó khăn, vấn đề mà khách hàng đang gặp phải. Song song đó, nhân viên kinh doanh cũng phải làm tốt nhiệm vụ giới thiệu các chương trình ưu đãi và chốt khách, hướng khách tới các gói sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao để tối ưu doanh thu. Nếu khách hàng còn phân vân, muốn suy nghĩ thêm, thì nhân viên kinh doanh phải follow kỹ để đảm bảo mình vẫn có thể thuyết phục và chốt khách trong tương lai, một khi khách hàng chưa từ chối thì mình vẫn phải tiếp tục follow. Tất nhiên, khi họ đã mua sản phẩm, dịch vụ, thì bạn vẫn phải tiếp tục chăm sóc khách hàng để họ có trải nghiệm tốt nhất, hài lòng nhất và tiếp tục mua thêm, hoặc giới thiệu bạn bè, người quen giúp bạn tăng thêm doanh thu trong tương lai.

>> Trả lời phỏng vấn thế nào khi được hỏi kinh nghiệm làm việc?

Tốt nghiệp ngành gì có thể làm nhân viên kinh doanh?

Sau khi tìm hiểu về các KPI và công việc thường ngày của nhân viên kinh doanh, thì chắc hẳn bạn đang có băn khoăn rằng liệu tốt nghiệp ngành gì thì có thể làm công việc này? Thật ra, các công ty cũng như phòng nhân sự sẽ không có giới hạn cụ thể rằng tốt nghiệp ngành gì thì có thể làm nhân viên kinh doanh, vì thật ra công việc này cũng không yêu cầu quá nhiều kiến thức liên quan tới một chuyên ngành cụ thể nào, mà chỉ đơn thuần rằng ai có đầu óc nhạy bén, giao tiếp tốt, biết cách khai thác, nắm bắt tâm lý khách hàng và có khả năng chốt khách, thì đều có thể làm nhân viên kinh doanh. Hoặc nếu muốn có lợi thế hơn đôi chút, thì đó sẽ là những ứng viên tốt nghiệp các khối ngành liên quan tới kinh doanh, kinh tế, chẳng hạn như quản trị kinh doanh, thương mại, kinh doanh quốc tế,…

Chưa có kinh nghiệm, làm nhân viên kinh doanh được không?

Sau khi xác định rằng tốt nghiệp ngành nào cũng đều có thể làm nhân viên kinh doanh, thì vẫn còn một băn khoăn nữa chính là chưa có kinh nghiệm thì có làm nhân viên kinh doanh được không? Thật ra, trong bất kỳ ngành nghề nào thì những bạn sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm đều có thể bắt đầu công việc ở vị trí thấp nhất. Tức là nấc thang nghề nghiệp thường sẽ bao gồm nhiều bậc khác nhau, mình chưa có kinh nghiệm thì bắt đầu ở bậc thấp nhất, vừa làm vừa học hỏi, nâng cao năng lực, mang về kết quả công việc tốt thì sẽ dần thăng tiến lên vị trí cao hơn, thu nhập cao hơn.

Nhân viên kinh doanh cũng thế, khi chưa có kinh nghiệm thì sẽ bắt đầu bằng vị trí thấp nhất là Sales Consultant, với lương cứng khoảng 5 triệu/tháng, cộng thêm hoa hồng tuỳ theo doanh thu mang về, thông thường nếu làm tốt thì tổng thu nhập sẽ khoảng 10-12 triệu/tháng. Khi ở vị trí này, bạn sẽ vừa được training các kiến thức lý thuyết cơ bản, kỹ năng tư vấn, chốt khách, cách nâng cao kỹ năng giao tiếp,… và được trực tiếp thực hành thông qua việc tư vấn khách mỗi ngày, tất nhiên, thời gian đầu sẽ có nhân viên cũ theo sát để hướng dẫn, nhưng khi bạn đã quen rồi thì có thể tự làm, tự học hỏi và nâng cao khả năng của bản thân. Khi làm tốt công việc, bạn sẽ càng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn, và tiếp tục tiến lên các nấc thang cao hơn của nhân viên kinh doanh, chẳng hạn như Senior Sales, Sales Specialist, Sales Team Leader, Sales Manager,… và tất nhiên thu nhập hàng tháng cũng sẽ tăng lên theo, với con số không giới hạn, càng làm tốt, mang về doanh thu càng cao thì bạn càng kiếm được nhiều tiền. Tất nhiên, trong hành trình của bạn sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thử thách, chứ sẽ không đơn giản, êm đềm đâu, hãy chuẩn bị sẵn tâm lý và nỗ lực hết mình nhé!

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng chưa có kinh nghiệm thì có làm nhân viên kinh doanh được không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> 10 câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn nhân viên sales – kinh doanh

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Chỉn Chu Ngoại Hình Giúp Ích Thế Nào Khi Đi Làm?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý