Cố Vấn Học Tập Ở Đại Học Là Ai, Hỗ Trợ Những Gì Cho Sinh Viên?

Hồi cấp 2, cấp 3, học sinh đã quen với giáo viên chủ nhiệm, tức là giáo viên sẽ phụ trách chính trong việc học tập & kỷ luật của cả lớp, sẽ là người dẫn dắt, và chuyển các thông báo từ phía nhà trường cho sinh viên để cả lớp cùng làm theo đúng, cố gắng học tập & tuân thủ kỷ luật để đạt thi đua cao. Nhưng khi lên đại học sẽ không có giáo viên chủ nhiệm nữa, mà sinh viên sẽ thấy xuất hiện một chức danh mới là cố vấn học tập. Khi đó, nhiều bạn thắc mắc rằng cố vấn học tập ở đại học là ai, sẽ hỗ trợ những gì cho sinh viên? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!

>> Cần bao nhiêu điểm A, B, C, D để được loại giỏi sau 4 năm đại học?

Cố vấn học tập ở đại học là ai?

Cố vấn học tập ở đại học là 1 giảng viên trong trường, được nhà trường chỉ định, sắp xếp để cố vấn cho lớp trong suốt cả 4 năm đại học, thông thường các lớp sinh viên sẽ cố định 1 cố vấn học tập duy nhất, hiếm khi có trường hợp thay đổi, trừ khi giảng viên đó ngừng/chuyển công tác. Cố vấn học tập sẽ do nhà trường sắp xếp từ đầu, chứ không phải do cả lớp chọn hay bầu, và các em hãy yên tâm rằng các thầy cô được trường chỉ định đều là những giảng viên tâm huyết, quan tâm tới sinh viên và sẵn sàng giải đáp những thắc mắc, đồng hành cùng các em trong chặng đường đại học. Cụ thể hơn, trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu xem cố vấn học tập ở đại học có vai trò thế nào và hỗ trợ những gì cho sinh viên?

Cố vấn học tập hỗ trợ những gì cho sinh viên?

Cố vấn học tập có vai trò là cầu nối giữa nhà trường và tập thể sinh viên trong lớp, cùng với lớp trưởng triển khai các quy định, thông báo, thông tin của nhà trường đến cả lớp, đồng thời sẽ ghi nhận các thắc mắc, băn khoăn, đề xuất chung của cả lớp để phía nhà trường nắm bắt và có phương án phản hồi phù hợp cho các em. Đồng thời, cố vấn học tập ở đại học cũng có thể hỗ trợ nhiều điều cho sinh viên, chẳng hạn như:

  • Giải đáp các thắc mắc về cách học & thi, cách tính điểm, xét xếp loại tốt nghiệp cho sinh viên;
  • Giúp sinh viên hiểu về các khái niệm mới ở đại học, chẳng hạn như điểm rèn luyện, tín chỉ, đăng ký học phần, hoặc bất kỳ khái niệm lạ nào nếu sinh viên có thắc mắc và hỏi cố vấn học tập;
  • Động viên sinh viên cố gắng học tập tốt, cùng giúp nhau tiến bộ, đạt kết quả tốt trong cả học tập & các phong trào do nhà trường & các CLB phát động;
  • Theo dõi quá trình học tập, tư vấn đăng ký học phần hoặc chuyện học cải thiện, học vượt cho sinh viên;
  • Hỗ trợ sinh viên trong việc nghiên cứu khoa học, rèn luyện, phát triển bản thân;
  • Giải đáp các câu hỏi về nghề nghiệp, chuyên ngành, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên;
  • Đứng ra lắng nghe & xử lý khi trong lớp có mâu thuẫn nội bộ, bất đồng quan điểm;
  • Hỗ trợ các trường hợp đặc biệt mà sinh viên cần trợ giúp, chẳng hạn như hoàn cảnh khó khăn không đóng kịp học phí, hoặc bị ốm đau, tai nạn đột xuất nên vắng thi,…

Cố vấn học tập có phải giảng viên đứng lớp không?

Sau khi tìm hiểu về các nhiệm vụ và vai trò của cố vấn học tập, thì nhiều bạn tân sinh viên cũng tự nghĩ rằng chắc cố vấn học tập cũng là giảng viên đứng lớp, sẽ dạy lớp mình trong 1 môn nào đó để có nhiều cơ hội tiếp xúc với sinh viên, hiểu về lực học, cách học tập, thái độ học tập & nắm được các vấn đề khó khăn, trục trặc mà nhiều bạn trong lớp đang gặp phải, thì mới có cơ sở để cố vấn, đưa lời khuyên hoặc kịp thời gỡ rối, giải đáp các khúc mắc cho sinh viên. Liệu điều đó có đúng không, cố vấn học tập có phải giảng viên đứng lớp không?

Câu trả lời là có, đa số trường đại học sẽ sắp xếp để cố vấn học tập đứng lớp, phụ trách tối thiểu 1 môn trong chương trình học của cả lớp, vì như thế thì sinh viên & cố vấn học tập mới có nhiều dịp tiếp xúc, giao tiếp và tương tác với nhau hiệu quả hơn, tránh việc cả 4 năm đại học chỉ gặp cố vấn học tập có vài lần, vài buổi ít ỏi. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp cố vấn học tập không phải giảng viên đứng lớp, mặc dù ít xảy ra nhưng vẫn có khả năng sinh viên sẽ rơi vào trường hợp này

Làm sao để sinh viên liên lạc với cố vấn học tập?

Nhiều sinh viên nói đùa rằng cố vấn học tập là người có hành tung bí ẩn, mỗi năm chắc chỉ gặp được có 1 lần, nhiều khi sau này gặp cũng không nhớ mặt nhau. Đó là với trường hợp cố vấn học tập không đứng lớp giảng dạy, mà chỉ xuất hiện trong buổi sinh hoạt lớp đầu năm học, hoặc lâu lâu có dịp gì quan trọng thì sinh viên mới được gặp trực tiếp cố vấn. Trường đại học cũng không quy định bắt buộc là cố vấn học tập mỗi tháng phải gặp cả lớp 1 lần, hoặc mỗi năm phải gặp lớp tối thiểu bao nhiêu lần, mà chỉ có quy định chung về vai trò và những điều mà cố vấn có thể hỗ trợ cho sinh viên như chúng ta đã tìm hiểu ở phần trước.

Nếu không gặp mặt trực tiếp, thì thật ra sinh viên vẫn có thể liên lạc với cố vấn học tập để trao đổi về các vấn đề mà mình cần giải đáp, cần trợ giúp, lúc đó thì các thầy cô vẫn sẽ sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Vậy làm sao để sinh viên liên lạc với cố vấn học tập? Có nhiều phương án khác nhau tuỳ theo từng cố vấn, chẳng hạn như có người sẽ đưa số điện thoại để sinh viên lưu lại, khi nào cần sẽ liên hệ. Cũng có người sẽ tạo group lớp trên Zalo, hoặc sẵn lòng kết bạn Zalo/Facebook với sinh viên để các em thoải mái nhắn tin, liên lạc. Cũng có người sẽ yêu cầu sinh viên cần hỗ trợ gì thì sẽ gửi email cho giảng viên. Hoặc cũng có cố vấn sẽ note thẳng với sinh viên là thầy cô bình thường sẽ ngồi ở phòng nào trong trường, sinh viên cần liên hệ cứ tới gặp trực tiếp trong giờ hành chính là được. Nói chung là phương án để sinh viên liên lạc với cố vấn học tập sẽ rất đa dạng, và thầy cô sẽ thông báo rõ ngay từ đầu, sinh viên chỉ cần làm theo đúng là được, chứ cũng không có gì phức tạp hay mơ hồ.

Bài viết này đã giải đáp băn khoăn rằng cố vấn học tập ở đại học là ai, hỗ trợ những gì cho sinh viên? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Vì Sao Bạn Thường Bỏ Cuộc Giữa Chừng?

22 Tuổi Là Đã Lớn Chưa, Trưởng Thành Chưa?

Học Giỏi Mà Sao Không Tìm Được Việc Làm?