Khi đi làm, mọi người thường mong muốn mình sẽ được làm việc trong một môi trường thoải mái, để mình có thể phát huy năng lực bản thân, đưa ra các ý tưởng sáng tạo giúp hoàn thành tốt công việc. Một trong những yếu tố tác động nhiều tới điều này chính là cấp trên, người sếp mà bạn làm việc trực tiếp. Nếu sếp của bạn là người tâm lý, tinh tế, công tư phân minh, thưởng phạt rạch ròi, thì xin chúc mừng bạn đã tìm được một người cấp trên lý tưởng. Tuy nhiên, nếu lỡ bạn đi làm gặp phải sếp sáng nắng chiều mưa, tính khí thất thường thì phải làm sao?
Sáng nắng chiều mưa là gì?
Sáng nắng chiều mưa là cụm từ chỉ những người có tính cách thất thường, có khi đang vui vẻ cười nói, tự dưng lại đùng đùng nổi giận, bực tức, quát tháo, lớn tiếng với mọi người xung quanh mà không cần lý do, hoặc chỉ vì những điều vặt vãnh, nhỏ nhặt. Sáng nắng chiều mưa đôi khi cũng được dùng để chỉ những người làm việc theo kiểu thiên vị, hoặc trước sau bất nhất, sáng nói một đằng, xong chiều lại làm một nẻo, ra quyết định theo hướng cảm tính rồi cũng chẳng nhớ rõ những gì mình đã nói, đã chốt, đã thống nhất. Sáng nắng chiều mưa là điều có thể xảy ra với tất cả mọi người, bất kể độ tuổi, giới tính, ngành nghề, địa vị xã hội,… Nhưng nếu lỡ đi làm gặp sếp sáng nắng chiều mưa, tính khi thất thường, thì đó thật sự là một điều tồi tệ, ảnh hưởng không tốt đến kế quả làm việc của bạn, khiến bạn cảm thấy cực kỳ mệt mỏi, áp lực.
Dấu hiệu nhận biết sếp sáng nắng chiều mưa
Sau khi tìm hiểu sáng nắng chiều mưa là gì, thì chẳng ai muốn mình phải làm việc với một người sếp tính khí thất thường như thế, khiến mình luôn trong trạng thái bất an, khó lòng tập trung hoàn thành tốt công việc. Liệu cấp trên của bạn có phải là người như thế không? Hãy cùng tham khảo một số dấu hiệu nhận biết sếp sáng nắng chiều mưa:
- Không nhớ những gì mình đã nói, sáng nói một đằng, chiều nói một nẻo, lật nhanh hơn bánh tráng;
- Cùng một vấn đề, sự việc, trường hợp, nhưng cách ra quyết định sẽ khác nhau theo cách cảm tính;
- Có những lúc xử lý công việc/duyệt plan rất nhanh, nhưng cũng có lúc mấy ngày liền không phản hồi;
- Hôm qua duyệt bằng miệng xong, hôm nay đổi ý, gửi mail/văn bản qua nhưng sếp không duyệt, không ký, đòi sửa lại;
- Có lúc muốn nhân viên phải thế này, nhưng sau đó lại muốn nhân viên phải thế kia (theo hướng ngược lại);
- Là người dễ nổi nóng, thường xuyên chửi mắng, trách phạt nhân viên một cách cực kỳ nghiêm khắc;
- Đang vui vẻ tự dưng lại nổi giận, lớn tiếng, chỉ vì những chuyện không đáng, hoặc không biết vì lý do gì;
- Giống như người đa nhân cách, tính khí thất thường, có lúc cực kỳ gắt gỏng, nặng lời với nhân viên, nhưng có lúc lại cực kỳ thân thiện, dễ chịu như người bạn thân thiết lâu năm, như chưa có chuyện xích mích gì xảy ra;
- Thường chú ý đến những tiểu tiết, đưa ra những quy định vô lý, gò bó, không liên quan tới công việc;
- Có xu hướng đưa ra những mức phạt cao/nặng cho những chuyện không quá nghiêm trọng…
Trên đây chỉ là một số dấu hiệu thường gặp nhất, trong thực tế, bạn vẫn có thể bắt gặp nhiều biểu hiện đặc trưng khác của người sếp có tâm trạng sáng nắng chiều mưa. Nếu chẳng may đụng phải người cấp trên như thế, sáng nắng chiều mưa, tính khí thất thường, thì sẽ khiến nhân viên mệt mỏi như thế nào?
Sếp tính khí thất thường khiến nhân viên mệt mỏi thế nào?
Chúng ta ai cũng muốn sẽ được làm việc trong một môi trường thân thiện, lành mạnh, thưởng phạt minh bạch, tạo điều kiện để nhân viên phát triển bản thân. Tuy nhiên, nếu gặp phải người sếp sáng nắng, chiều mưa, thì sẽ khiến môi trường làm việc của bạn trở nên tồi tệ, hay nói nặng hơn là “toxic”, khiến bạn phải làm việc trong trạng trái bất an, nơm nớp lo sợ về tính khí của sếp, sợ mình sẽ là nhân vật tiếp theo bị cấp trên trách mắng một cách vô lý, không biết mình có làm điều gì khiến sếp phật lòng không? Bên cạnh đó, sếp sáng nắng chiều mưa cũng khiến môi trường làm việc trở nên thiếu công bằng, thiếu minh bạch, vì họ xử lý công việc theo cảm tính, chứ hiếm khi phân tích sự việc và ra quyết định khách quan. Chẳng hạn như hôm qua vui thì nói là duyệt kế hoạch, hôm nay buồn thì đổi ý, nói là chưa duyệt, cần xem/sửa lại?
Tiếp theo, sếp tính khí thất thường sẽ khiến nhân viên cực kỳ mệt mỏi vì mình cứ phải nhìn theo tâm trạng sếp để làm việc, muốn hỏi điều gì, đề xuất chuyện gì, đưa duyệt kế hoạch gì, cũng phải nhìn mặt sếp xem có đang vui không, hay có đang bực bội chuyện gì không, như thế sẽ khiến công việc bị trễ nải, chậm tiến độ. Tệ hơn, điều này sẽ khiến nhân viên cảm thấy mình không được tôn trọng, đi làm để đóng góp giá trị cho công ty, nhưng bản thân mình cũng chỉ như những con rối dưới sự chỉ đạo của sếp, không thể đưa ra ý kiến, không có tiếng nói, không có cảm xúc riêng, phải vui buồn theo tâm trạng sếp.
Ngoài ra, sẽ có những lúc bạn đang tập trung làm việc, cực kỳ nhiệt huyết với công việc, và mang về kết quả tốt, thì sếp cũng xem điều đó là bình thường, không mấy quan tâm. Rồi sau đó, bạn lỡ mắc phải những sai sót nhỏ nhặt, thì sếp lại đùng đùng nổi giận như kiểu bạn đã phạm lỗi gì rất nghiêm trọng, gạt bỏ mọi cố gắng, mọi thành quả, giá trị mà bạn đã mang lại trước đây, mà chỉ chăm chăm vào lỗi sai nhỏ để khiển trách, lớn tiếng quát tháo bạn trước mặt mọi người…
Đi làm gặp sếp sáng nắng chiều mưa thì phải làm sao?
Đi làm gặp sếp sáng nắng chiều mưa, tính khí thất thường là điều không ai mong muốn, chẳng ai muốn mình suốt ngày phải trong trạng thái mệt mỏi, vậy phải làm sao trong trường hợp này? Chắc chắn bạn không nên im lặng chịu trận, cho dù bạn có ráng bỏ qua, không bận tâm những lần sáng nắng chiều mưa của sếp, thì cùng lắm chỉ được vài ba tuần, chứ không thể nào bình tâm được mãi. Cứ mỗi lần bạn bỏ qua, thì trong bạn lại tích tụ thêm một điều bất bình, bất mãn với cấp trên, khi điều đó tích luỹ ngày càng nhiều, bạn sẽ sớm “bùng nổ”, bật lại cấp trên vào một ngày không xa, như thế thì cũng không tốt một chút nào, vừa mệt cho bản thân, vừa mang tiếng cãi sếp. Hơn nữa, khi im lặng chịu trận, thì bạn sẽ cực kỳ mệt mỏi, áp lực, khó lòng tập trung làm việc, khó lòng mang lại kết quả công việc tốt, rồi lỡ để xảy ra sai sót gì thì lại bị khiển trách.
Thay vì im lặng chịu trận, bạn nên tập trung vào cách làm việc chỉn chu, rõ ràng, chi tiết. Bất kỳ công việc nào mà cấp trên giao, thì bạn cần ghi chú lại kỹ lưỡng, tìm hiểu rõ xem sếp đang kỳ vọng điều gì, mong muốn kết quả như thế nào, có những điều gì cần lưu ý, còn điểm nào chưa rõ thì bạn hãy mạnh dạn hỏi ngay, tránh trường hợp “em tưởng, em nghĩ”, mắc công sau này lại bị trách mắng vì những điều đó. Khi bạn đã nắm rõ mong muốn của sếp, thì hãy giả vờ soạn một tin nhắn gửi sếp, nhằm xác định và confirm rõ ràng, sau này nếu như cấp trên sáng nắng chiều mưa, đổi ý, thì bạn cũng còn lưu lại đoạn tin nhắn cũ, chẳng ai bắt bẻ được mình, miễn sao bạn đảm bảo mình tập trung làm việc, tuân thủ đúng các tiêu chí đã thống nhất với sếp từ khi bắt đầu nhận công việc, và mang về kết quả làm việc đúng như kỳ vọng của sếp.
Ngoài ra, bạn đừng quên một lưu ý quan trọng, đó là những người sáng nắng chiều mưa thường sẽ hay đổi ý, không nhớ những gì mình đã nói, hoặc cùng một việc lại xử lý theo hướng khác nhau, vậy nên bất kỳ điều gì đã trao đổi, thống nhất, chốt với sếp, thì bạn cần nhanh chóng biến nó thành dạng văn bản, bằng cách gửi tin nhắn, gửi mail, hoặc với những điều quan trọng thì nên soạn thành văn bản, đưa sếp ký duyệt ngay, đừng chần chờ tới hôm sau, vì biết đâu sẽ có những tác động nào đó khiến sếp đổi ý, hoặc quên mất những điều đã thống nhất. Khi làm việc với tinh thần minh bạch, giấy trắng mực đen rõ ràng như thế, cho dù sếp có muốn sáng nắng chiều mưa với bạn, thì cũng chẳng được.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp vấn đề rằng đi làm gặp sếp sáng nắng chiều mưa, tính khí thất thường thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.