Đi Làm Với Tư Duy Sao Cũng Được Và Hậu Quả Khôn Lường

Bạn mong muốn một cuộc sống bình yên, không sóng gió, không muốn bất đồng quan điểm hay xích mích với ai. Đó là sự lựa chọn của bạn, và tất nhiên bất kỳ ai cũng có quyền tự quyết định cuộc sống của mình, miễn sao bạn thấy vui, thoải mái và hài lòng là được. Tuy nhiên, điều đó sẽ dễ khiến bạn bị vướng vào tư duy sao cũng được khi đi làm, mình không ý kiến, không muốn đưa ra quan điểm trái với mọi người, khiến bạn phải đối mặt với những hậu quả khôn lường…

>> 4 nỗi sợ cực kỳ ám ảnh khi bạn bước sang tuổi 25

Vì sao nhiều người thoải mái với chuyện “sao cũng được”?

Sao cũng được là một câu nói hết sức nhẹ nhàng, và chắc chắn sẽ chẳng có vấn đề xung đột gì xảy ra sau khi kết thúc câu nói ấy. Ngược lại, nếu bạn không nói sao cũng được, mà trả lời một quan điểm của riêng mình, kiên định bảo vệ quan điểm đó, thì nhiều khi sẽ xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, khiến chuyện bé xé ra to, làm mọi người phí nhiều tâm tư để giải quyết. Chính vì thế, trong rất nhiều trường hợp, khi người khác hỏi ý kiến của bạn, mà nhận được câu trả lời là sao cũng được, thì họ sẽ thấy thoải mái hơn, yên tâm hơn, và chẳng có gì phải lo nghĩ nhiều về vấn đề đó nữa, vì cho dù kết quả ra sao thì bạn cũng đồng ý, không phản bác, cũng chẳng phàn nàn gì hết. Điều này đã khiến nhiều người thấy thoải mái với tư duy sao cũng được, và còn cho rằng đó là một điều tốt, là một suy nghĩ phóng khoáng.

Những biểu hiện của tư duy “sao cũng được” khi đi làm

Tư duy sao cũng được khi đi làm tồn tại dưới rất nhiều trường hợp khác nhau, phổ biến nhất là những biểu hiện sau:

  • Không đóng góp ý kiến trong cuộc họp, cuộc thảo luận chung của team/phòng ban/công ty;
  • Ai nói điều gì cũng đồng ý, không phản bác, không có chính kiến riêng, thậm chí còn không quan tâm;
  • Không quan tâm đến tiến độ và kết quả công việc, cho rằng sao cũng được, có sai sót cũng không sao cả;
  • Không chi tiết trong công việc, có tư duy rằng sao cũng được, đâu nhất thiết phải quá kỹ lưỡng, cầu toàn;
  • Hứa hẹn bậy bạ với khách hàng, đối tác khi đàm phán, xong rồi quên mất luôn, không thực hiện;
  • Bị sếp trách oan, bị đồng nghiệp hiểu lầm cũng kệ, không thèm giải thích, mọi người nghĩ sao cũng được;
  • Không quan tâm tới mức lương, thưởng, phúc lợi và các quyền lợi cá nhân khi đi làm;
  • Nhắm mắt cho qua, dung túng cho những hành vi sai trái, vi phạm quy định công ty…

Bên cạnh những biểu hiện trên, thì tư duy sao cũng được khi đi làm vẫn còn rất nhiều biến thể khác, nhưng vẫn xoay quanh một số điểm chung rằng người đó không có chính kiến riêng, làm việc với thái độ hời hợt, có phần thiếu trách nhiệm, và chính tư duy này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, hậu quả khôn lường…

>> 5 thói quen xấu cần tránh của kẻ bất tài, năng lực yếu kém

Đi làm với tư duy sao cũng được và hậu quả khôn lường

Từ những biểu hiện ở phần trước, chúng ta sẽ cùng phân tích và liệt kê ra các hậu quả khôn lường có thể xảy ra khi bạn có tư duy sao cũng được trong công việc. Đầu tiên, việc thường xuyên thờ ơ, không đóng góp ý kiến trong các cuộc họp sẽ khiến bạn trở nên mờ nhạt trong mắt mọi người, cho dù bạn có làm tốt công việc, thì họ cũng khó lòng nhớ bạn là ai, vì bạn rất ít khi lên tiếng, không nêu lên quan điểm cá nhân, suốt ngày chỉ im lặng đồng ý. Tiếp theo, thờ ơ với công việc, không tập trung vào hiệu quả và tiến độ làm việc chắc chắn sẽ khiến bạn bị mang tiếng xấu, rằng làm việc không nghiêm túc, thiếu trách nhiệm khi có tư duy sao cũng được. Đồng thời, chính điều đó sẽ khiến bạn khó lòng hoàn thành tốt những việc được giao, thường xuyên đạt kết quả không tốt, và để xảy ra sai sót trong công việc.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể phải đối diện với những rắc rối phát sinh khi làm việc với tư duy sao cũng được. Chẳng hạn như việc hứa hẹn bậy bạ với khách hàng, đối tác khi đàm phán, xong rồi cũng không nhớ, không làm, sẽ khiến bạn bị mất chữ tín, bị complain, bị công ty khiển trách, đánh giá rằng bạn vô trách nhiệm. Hoặc nếu bạn thấy đồng nghiệp khác gian lận, vi phạm quy định công ty mà nhắm mắt cho qua, sao cũng được, không liên quan tới mình, thì cũng sẽ bị khiển trách, liên đới trách nhiệm. Ngoài ra, chính tư duy sao cũng được sẽ khiến bạn bị thiệt thòi, nhất là khi bạn không quan tâm tới lương, thưởng, phúc lợi của chính mình, lỡ bị công ty chèn ép thì sao? Hoặc những trường hợp bạn bị trách oan, bị hiểu lầm, mà không thèm giải thích, thì mọi người sẽ càng lấn tới, càng khẳng định rằng bạn làm sai, tự dưng lại mất danh dự bản thân.

Hãy luôn có chính kiến riêng trong công việc

Chính kiến riêng cực kỳ quan trọng, nhất là khi liên quan tới công việc. Có thể bạn chỉ là nhân viên đi làm công ăn lương, chẳng phải giám đốc, hay quản lý, nhưng bạn là một cá thể, là người đóng góp chất xám và sức lao động để giúp công ty phát triển, gặt hái được nhiều lợi nhuận, nên bạn cũng cần có tiếng nói riêng, có quan điểm và chính kiến của mình. Đó cũng chính là lý do mà đa số doanh nghiệp hiện nay đều rất tôn trọng và chịu khó lắng nghe ý kiến của nhân viên, cho dù đó là người ở vị trí cấp bậc thấp nhất. Bên cạnh đó, mỗi người một quan điểm, cùng nhau đóng góp, thảo luận để lựa chọn ra được quan điểm chính xác nhất, hợp lý nhất và mang lại kết quả tối ưu nhất, chứ không bắt buộc bạn phải luôn đúng, phải tự tin rằng mình có quan điểm chính xác thì mới dám nói, vì nếu ai cũng như vậy thì chắc chẳng ai đóng góp ý kiến gì.

Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ những biểu hiện và hậu quả khôn lường khi đi làm với tư duy sao cũng được. Đừng để tư duy sai lệch ấy cản trở thành công của bạn trong tương lai. Hãy luôn có chính kiến riêng trong công việc nhé!

>> Đứng núi này trông núi nọ sẽ chẳng bao giờ thành công?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Chỉn Chu Ngoại Hình Giúp Ích Thế Nào Khi Đi Làm?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý