Điểm Số Tuột Dốc Không Phanh, Phải Làm Sao Trong Năm Học Cuối?

Có nhiều điều khiến sinh viên hoang mang, lo lắng, nhưng nhiều nhất sẽ là những chuyện liên quan tới học hành, thi cử, điểm số. Liên quan tới chủ đề này, có một bạn sinh viên đã chia sẻ băn khoăn của mình tới Tự Tin Vào Đời rằng khi điểm số tuột dốc không phanh và chỉ còn 1 năm học cuối, thì phải làm sao để cải thiện tình hình, điều này khiến bạn càng nghĩ tới lại càng tress hơn khi chưa tìm được lời giải đáp…

>> Học lực trung bình ráng kéo lên loại khá có khó không?

Stress vì kết quả học tập và điểm số tuột dốc không phanh

Em chào anh. Lời đầu tiên, em xin chân thành cảm ơn anh đã mở ra đường link hỏi đáp này để bản thân em có thể chia sẻ và nói ra những khó khăn của mình. Vấn đề em gặp như sau: Sai lầm của em bắt đầu từ cuối năm lớp 12, khi mà tất cả bạn bè của em đều đã có cho mình định hướng riêng cho cuộc đời. Thì bản thân khi đó mới chập chững chọn ngành, em đã không biết mình muốn gì, thích gì, em còn cảm thấy bản thân tự ti và kém cỏi nếu không đại học. Để rồi em chọn ngành ngay phút chót, nghĩ rằng nó sẽ phù hợp với bản thân em. Em đã chọn ngành tài chính ngân hàng.

Mới mấy năm đầu khi chưa vô sâu em còn thấy ngành dễ, phù hợp với mình. Càng về sau, từ đầu năm 3, em cảm thấy băn khoăn, trăn trở về chuyện học của mình, với có lẽ thêm bản tính ham chơi của em thấy học khó nên nản, đâm ra điểm số không được cao nhưng vẫn đủ qua môn. Để rồi giờ đây em đang học cuối năm 3, thời gian cận kề đã đến gần, em nhìn điểm số càng buồn thêm khi mà mấy năm đầu điểm trung bình tích lũy hệ 4 của em còn được trên 2.6, từ năm 3 trở đi nó xuống dưới 2.5 (2.47) và giờ đây nó đang là 2.37.

Em lo sợ nhiều thứ như: Ra trường bằng trung bình khó xin việc, họ hàng mọi người dòm ngó các thứ, càng nghĩ em càng buồn và stress. Em có nghĩ đến cải thiện một số môn chính trong ngành học nhưng em tự đặt câu hỏi rằng liệu có gỡ gạc lại được bằng tốt nghiệp khá không hay lại tốn kém chi phí thêm (vì bản thân em học đại học tư). Đến hiện tại, em vẫn đang cố gắng bơi trong những môn học của mình, cố gắng hiểu nó. Em có đọc được những bài báo trên mạng về việc học trái ngành, sai ngành bỏ giữa chừng để làm lại từ đầu, nên lắm lúc em nghĩ mình có nên như vậy không? Vì bản thân em cũng là con một trong gia đình em cũng sợ cảnh ba mẹ buồn khi biết mình như vậy, vì ba em khá là kỳ vọng vào em. Em mong anh sẽ trả lời và tâm sự cùng em ạ. Em cảm ơn anh.

Vì sao em phải cố gắng bơi trong các môn chuyên ngành?

Chào em, anh đã hiểu được trường hợp của em, và đây cũng là trăn trở của nhiều bạn sinh viên khác, khi ngay từ đầu các em đã chưa cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn chuyên ngành, hay thậm chí một số bạn chỉ chọn theo cảm tính, chưa có tìm hiểu gì nhiều về công việc sau này. Điều này đã khiến cho em rơi vào tình trạng như hiện tại, đó là không thấy hứng thú với chuyện học hành, càng học càng đuối, càng mệt mỏi và khiến kết quả học tập sa sút, điểm số tuột dốc không phanh.

Nếu ở một viễn cảnh khác, ngay từ đầu em lựa chọn chuyên ngành thật kỹ, chọn đúng ngành mình thích, mình muốn theo đuổi, thì có lẽ mọi chuyện đã khác, theo chiều hướng tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn, nhưng tiếc là chuyện đã qua rồi, mình không thể quay lại quá khứ để thay đổi. Hiện tại, em đang phải cố gắng bơi trong các môn chuyên ngành, nhưng lại không cảm thấy thoải mái lắm, vì em đang thiếu đi cảm hứng học tập, đang học giống như bị bắt ép, vừa không thoải mái, vừa khiến mình mệt mỏi hơn, mà kết quả mang lại cũng chưa ổn.

Thay vì ép mình như thế, thì em hãy thử tìm lại cảm hứng học tập, đối với anh thì ngành tài chính ngân hàng cũng rất tốt, có nhiều cơ hội việc làm tốt khi ra trường, em có thể tự tìm hiểu kỹ hơn về điều này, rằng khi tốt nghiệp ra trường mình có thể làm những công việc gì, cơ hội phát triển ra sao? Song song đó, em hãy nhớ lại xem vì sao lúc đầu mình lại chọn ngành ấy, mặc dù chọn vào phút chót, nhưng chắc hẳn em cũng có sự yêu thích nhất định, em có thể nuôi dưỡng lại sự yêu thích ấy để mình thích thú hơn, thoải mái học tập hơn trong năm học cuối này không? Khi em đã thấy thoải mái hơn, vẫn muốn tiếp tục phấn đấu với chuyên ngành hiện tại, thì chúng ta sẽ cùng gỡ rối vấn đề điểm số, rằng liệu điểm số đang tuột dốc không phanh, thì phải làm sao để khắc phục trong năm học cuối, nên học cải thiện hay còn cách nào khác?

>> Điểm số tệ, làm sao để tìm được phương pháp học hiệu quả?

Điểm số tuột dốc không phanh, phải làm sao trong năm học cuối?

Điểm trung bình tích luỹ hiện tại của em đang là 2.37, nếu muốn tốt nghiệp loại khá, thì em cần nâng nó lên tối thiểu là 2.5, em còn 1 năm học cuối cùng thì anh thấy mục tiêu này vẫn sẽ khả thi, nếu em đảm bảo mình tập trung cao độ, chăm chỉ và nghiêm túc tuyệt đối trong chuyện học tập. Song song đó, em cũng đã tìm lại được cảm hứng học tập và vẫn muốn theo đuổi chuyên ngành hiện tại, nên điều đó cũng sẽ củng cố thêm động lực học tập, giúp em thoải mái và nhiều năng lượng hơn trong năm học cuối này. Khi mình tập trung hơn, em hoàn toàn có thể nâng cao kết quả học tập lên, kéo điểm trung bình tích luỹ về mức đủ để có thể tốt nghiệp đại học loại khá, tăng cơ hội việc làm khi ra trường so với loại trung bình. Còn nếu em muốn chắc ăn hơn, thì vẫn có thể cân nhắc học cải thiện khoảng 2 môn, nhưng lưu ý chọn những môn mà mình tự tin nhất, có khả năng cao rằng khi cải thiện thì sẽ nâng điểm trung bình môn học tăng lên nhiều so với lúc trước, và chỉ cần 2 môn là đủ, không nên tham đăng ký quá nhiều, vì điều đó có thể khiến em bị quá tải, phản tác dụng.

Ngoài ra, em cũng cần lưu ý rằng khi ra trường xin việc, nhà tuyển dụng sẽ không chỉ nhìn vào điểm số, nên song song với chuyện giải quyết vấn đề điểm số tuột dốc không phanh, thì em cũng cần đảm bảo mình nắm vững kiến thức chuyên ngành, chỗ nào còn chưa rõ, còn bị hổng kiến thức, thì em cần chủ động ôn lại, tự đọc lại tài liệu hoặc hỏi bạn bè cùng lớp, nhờ các bạn giảng lại cho mình hiểu. Đây chính là phương án mà anh nghĩ sẽ khả thi nếu em tìm lại được cảm hứng với ngành tài chính ngân hàng, và muốn tiếp tục theo đuổi trong năm học cuối. Nhưng lỡ đâu em thấy thật sự không hợp với ngành này, thay vào đó, em đã cân nhắc kỹ lưỡng và xác định rằng mình muốn theo đuổi một ngành khác thì sao, liệu đi làm trái ngành có phải giải pháp khả thi không, có khiến ba mẹ buồn và thất vọng không?

Đi làm trái ngành có phải giải pháp khả thi không?

Tâm trạng em hiện tại đang lúng túng, với nhiều điều tiêu cực vây quanh, nên em sẽ có xu hướng lo sợ đủ điều, và trong đó có cả chuyện đi làm trái ngành. Thật ra, đi làm trái ngành là điều hoàn toàn bình thường, và diễn ra khá phổ biến hiện nay, trong công ty của anh cũng có rất nhiều người đi làm trái ngành, không theo đúng chuyên ngành ở trường đại học, và họ vẫn thích nghi với công việc, hoàn thành tốt những việc được giao, và có tương lai rộng mở.

Chính vì thế, nếu hiện tại em đã chọn được cho mình hướng đi mới, thì hoàn toàn có thể ra trường đi làm trái ngành, tất nhiên, khi đó thì mình sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách hơn, đòi hỏi em phải nỗ lực gấp nhiều lần so với những người khác. Đi làm trái ngành là con đường khó, nhưng nó không khó tới mức khiến mình phải bỏ cuộc, khi em tập trung, cố gắng, và nghiêm túc theo đuổi, thì em hoàn toàn có thể làm được. Để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi ra trường đi làm trái ngành, em có thể tham khảo thêm tại đây.

Bài viết này đã giúp em giải đáp được băn khoăn xoay quanh chuyện điểm số tuột dốc không phanh, cách khắc phục và một số gợi ý về hướng đi trong tương lai. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với em.

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Vì Sao Bạn Thường Bỏ Cuộc Giữa Chừng?

22 Tuổi Là Đã Lớn Chưa, Trưởng Thành Chưa?

Học Giỏi Mà Sao Không Tìm Được Việc Làm?