Chuyện học hành thi cử luôn là chủ đề được sinh viên “than” nhiều nhất, môn này khó quá, môn kia bài tập nhiều quá, môn đó giảng viên khó quá,… Cứ mỗi lần nhắc tới “học” thì sinh viên tự dưng bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, rồi nếu nhắc tới “học lại” thì càng kinh khủng hơn, chẳng có ai muốn mình phải học lại cả. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp xem “Điểm trung bình môn bao nhiêu thì phải học lại?”, để mình cố gắng phấn đấu học tốt nhé!
>> Sinh viên rớt môn phải học lại hay thi lại?
Vì sao sinh viên phải học lại?
Các môn học ở đại học đều mang khối lượng kiến thức khổng lồ, sinh viên sẽ cực kỳ áp lực khi phải nghe giảng trên lớp, cố gắng hiểu bài, làm bài tập, ôn bài, thi giữa kỳ, thi cuối kỳ, một số môn còn yêu cầu sinh viên phải làm tiểu luận nhóm, thuyết trình nhóm nữa. Thật sự phải mất rất nhiều thời gian, công sức, phải đối mặt và vượt qua rất nhiều áp lực để học xong một môn, chính vì thế, chẳng có sinh viên nào muốn phải học lại môn đó thêm một lần nào nữa.
Nhưng rất tiếc rằng nếu sinh viên rớt môn, không đủ điều kiện điểm trung bình để qua môn, thì bắt buộc các em phải học lại môn đó chung với các em khoá dưới, từ buổi học đầu tới buổi học cuối, và còn phải thi lại luôn. Đây là điều bắt buộc, vì nếu không học lại thì sinh viên sẽ bị tính là nợ môn, sẽ không đủ điều kiện để được tốt nghiệp ra trường.
Học lại và học cải thiện khác nhau thế nào?
Ở đại học, có một khái niệm mà sinh viên nếu không chú ý, không tìm hiểu kỹ thì sẽ dễ bị nhầm lẫn với học lại, đó chính là “học cải thiện”. Vậy học lại và học cải thiện khác nhau thế nào? Về bản chất, học cải thiện và học lại đều là hình thức sinh viên đăng ký học lại từ đầu một môn mà mình đã từng học, và vẫn phải trải qua tất cả bài kiểm tra + bài thi cuối kỳ để tính điểm trung bình môn học. Còn về mục đích, thì dù là học lại hay học cải thiện thì đều chung một mục đích là muốn nâng cao điểm số môn đó, hy vọng rằng mình sẽ đạt điểm trung bình cao hơn trong lần học lại/học cải thiện này.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt mấu chốt giữa 2 khái niệm này, đó là “học lại” sẽ được dùng khi sinh viên bị rớt môn, phải học lại để trả nợ môn, còn “học cải thiện” là sinh viên đã qua môn đó, nhưng điểm trung bình chưa được như mong đợi, các em muốn nâng cao điểm số nên quyết định đăng ký học lại. Tức là học cải thiện thì các em có quyền lựa chọn học hoặc không, còn học lại là điều bắt buộc vì mình đã bị rớt môn.
>> 4 điều sinh viên cần lưu ý khi học cải thiện
Điểm trung bình môn bao nhiêu thì phải học lại?
Quay trở lại với vấn đề được nêu ra ở đầu bài, “Điểm trung bình môn bao nhiêu thì phải học lại?” – chúng ta sẽ cùng giải đáp ngay bây giờ. Thông thường, nếu trường không cho thi lại, thì sinh viên bắt buộc phải học lại khi bị rớt môn, tức là điểm trung bình của mình không đủ điều kiện để được tính là qua môn. Cụ thể theo từng thang điểm như sau:
- Thang điểm 10: Điểm trung bình môn học dưới 4.0 thì phải học lại;
- Thang điểm 4: Điểm trung bình môn học dưới 1.0 thì phải học lại;
- Thang điểm chữ: Môn học đạt điểm F thì sinh viên phải học lại.
Khi học lại, các em sẽ có lợi thế lớn chính là mình đã từng học qua môn đó rồi, nên ít nhiều gì thì cũng đã nắm rõ một số kiến thức, biết được cấu trúc đề thi. Tuy nhiên, sinh viên đừng vì thế mà chủ quan, thiếu tập trung khi học lại, vì nếu lơ là, học hành thiếu nghiêm túc thì các em sẽ vẫn phải đối mặt với rủi ro bị rớt môn, rồi phải tiếp tục học lại, rất mất thời gian, công sức, thậm chí còn khiến các em tự ti, mất niềm tin vào bản thân, cho rằng bản thân mình yếu kém nữa. Chính vì thế, khi học lại thì sinh viên cần phải chăm chỉ, cố gắng và tập trung cao độ nhé. Chúc các em học tốt!
>> Học lại bao nhiêu tín chỉ thì bị hạ bằng tốt nghiệp?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.