Đa số sinh viên đều muốn điểm số của mình ở mức khá giỏi, để có thể ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, với cơ hội việc làm rộng mở. Chính vì thế, không ít sinh viên cảm thấy bất an, lo lắng, khi chẳng may bị điểm kém, khiến điểm trung bình bị thấp. Lúc này, học cải thiện là giải pháp để giúp các em cải thiện điểm số. Nếu học cải thiện thành công, các em sẽ nâng cao điểm trung bình, nhưng ngược lại, vẫn có xác suất học cải thiện nhưng lại mang về kết quả tệ hơn, điểm số thấp hơn lúc đầu. Vậy nếu điểm trung bình thấp thì sinh viên có nên học cải thiện hay không?
>> Làm thế nào để sinh viên vượt qua áp lực điểm số?
Học cải thiện là gì?
Học cải thiện là trường hợp sinh viên đăng ký học lại một môn nào đó, với mong muốn mình sẽ đạt điểm số tốt hơn, giúp cải thiện điểm trung bình môn học và nâng cao điểm trung bình tích luỹ của mình. Học cải thiện đồng nghĩa với việc sinh viên phải học lại môn học đó từ buổi đầu tiên, phải tham gia đầy đủ các buổi học, nghe lại các bài giảng cũ, làm lại các bài tập cũ và phải trải qua những bài kiểm tra, bài thi của môn học đó thêm một lần nữa. Nếu tập trung và cố gắng học tập, nhiều khả năng các em sẽ cải thiện điểm số, đạt được số điểm cao hơn sau khi học cải thiện.
Cơ hội nâng cao điểm trung bình khi học cải thiện
Nếu các em đặt mục tiêu rằng mình phải tốt nghiệp loại giỏi, nhưng điểm trung bình tích luỹ đến thời điểm hiện tại chưa đủ để đạt bằng giỏi khi ra trường, thì các em nên học lại những môn điểm thấp để cải thiện điểm trung bình. Tuy nhiên, các em cần cân nhắc kỹ xem mục tiêu tốt nghiệp loại giỏi có thật sự rất quan trọng với mình hay không, vì trên thực tế, nhiều sinh viên không tốt nghiệp loại giỏi vẫn có thể tìm được việc làm sau khi ra trường.
Ngoài ra, các em cũng phải cân nhắc đến năng lực bản thân, hãy tính toán thật kỹ xem liệu sau khi học lại thì mình có khả năng tăng được bao nhiêu điểm, nếu cực kỳ tập trung học thì liệu mình có đưa điểm trung bình tích luỹ tăng lên được đến mức giỏi hay không. Nếu có thể thì mới học cải thiện, còn nếu thấy khó lòng đạt được thì các em cũng không cần phải học cải thiện để làm gì, vì theo kinh nghiệm của anh thì sinh viên không nên chạy theo điểm số, mà điều quan trọng là các em đã học được những kiến thức chuyên ngành nào, đã biết cách ứng dụng các kiến thức đó vào thực tế chưa,… À, cũng có một số trường hợp điểm trung bình tích luỹ của các em đang ở mức trung bình, nhưng các em muốn mình tốt nghiệp loại khá, thì cũng có thể cân nhắc học cải thiện nếu thấy khả thi.
>> Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi sẽ có lợi thế nào khi xin việc?
Học cải thiện giúp sinh viên vững vàng kiến thức hơn
Gạt bỏ vấn đề điểm trung bình thấp qua một bên, sinh viên nên học cải thiện nếu cảm thấy mình chưa vững kiến thức môn học, đặc biệt là các môn chuyên ngành. Nhiệm vụ quan trọng của sinh viên khi học đại học không phải là cố gắng đạt những con điểm cao, mà đó là mình phải tiếp thu kiến thức, phải vững kiến thức của các môn chuyên ngành, vì nó sẽ giúp các em nhanh chóng thích nghi với công việc sau này và dễ dàng hoàn thành công việc với kết quả tốt, tạo cơ hội để mình được tăng lương và thăng tiến trong tương lai.
Một khi đã quyết định học cải thiện để ôn lại kiến thức môn học, thì các em phải cực kỳ tập trung ngay từ buổi học đầu tiên. Các em phải nghiêm túc đi học đầy đủ, đúng giờ, không đi trễ, không cúp tiết. Đồng thời, trong giờ học, các em phải tập trung nghe giảng, chỗ nào chưa rõ thì đừng ngại hỏi lại giảng viên. Bên cạnh đó, các em cũng cần chăm chỉ làm bài tập, đọc thêm tài liệu và nghiêm túc ôn thi để không uổng công sức học lại của mình nhe. Đừng để mình mất thời gian, mất công học cải thiện nhưng cuối cùng lại chẳng tiếp thu được bao nhiêu nhé.
Vượt qua những thách thức khi học cải thiện
Học cải thiện mang lại cho sinh viên cơ hội nâng cao điểm trung bình và trau dồi lại kiến thức môn học. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại nhiều thách thức mà các em phải đối mặt và vượt qua. Thách thức đầu tiên chính là rủi ro bị điểm kém khi học cải thiện, tức là có thể điểm trung bình môn học của các em sẽ bị thấp hơn lúc đầu nếu như học không tốt (áp dụng khi trường của các em quy định rằng sẽ lấy điểm của lần học gần nhất). Thách thức tiếp theo là các em sẽ phải học lại từ đầu, ngồi nghe lại bài giảng cũ, làm lại bài tập cũ, làm lại bài kiểm tra, bài thi, nghe qua thôi đã thấy cực kỳ đau đầu rồi. Ngoài ra, các em cũng sẽ phải tốn một khoản chi phí để đóng tiền học cải thiện, rồi cũng mất thời gian và công sức để đi học lại nữa.
Rất nhiều thách thức khiến sinh viên phân vân không dám học cải thiện. Nhưng nếu quyết tâm cải thiện điểm số của các em đủ lớn, đồng thời, các em kỷ luật với bản thân mình hơn, bắt buộc mình phải tập trung học tập hơn, để có thể vững vàng kiến thức môn học và nâng cao điểm số, thì các em hoàn toàn có thể thuận lợi vượt qua những thách thức đó. Rất nhiều anh chị khoá trước đã học cải thiện và mang về cho mình những kết quả tích cực đấy, nên các em cũng đừng quá lo lắng nhe. Cứ cố gắng hết mình thôi, chúc các em thành công!
>> Sinh viên rớt môn phải học lại hay thi lại?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.