Khi lên đại học, chắc hẳn đa số sinh viên đều đặt mục tiêu rằng mình phải học thật tốt, nắm vững kiến thức, và ra trường với xếp loại tốt nghiệp ở mức giỏi, xuất sắc. Các em có quyền kỳ vọng nhiều vào tương lai của mình, điều đó thể hiện sự tự tin vào năng lực bản thân và quyết tâm theo đuổi mục tiêu của chính mình. Tuy nhiên, sinh viên cũng cần phải có góc nhìn thực tế, nắm được cụ thể rằng phải làm sao để nắm vững kiến thức, tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc,… và một trong những điều kiện tiên quyết mà các em cần chú trọng chính là điểm trung bình tích luỹ. Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu xem điểm trung bình tích luỹ là gì, và nó quan trọng thế nào với sinh viên đại học?
>> Sinh viên đại học đạt điểm trung bình trên 8.0 dễ hay khó?
Điểm trung bình tích luỹ là gì?
Điểm trung bình tích luỹ là thang điểm đánh giá mức độ hiểu bài, nắm vững kiến thức của các môn mà sinh viên đã hoàn thành, tính tới thời điểm hiện tại. Chẳng hạn như hiện tại các em đã hoàn thành 6 môn, thì đây là điểm trung bình mà mình đang tích luỹ được đối với 6 môn học ấy. Cứ hoàn thành thêm 1 môn học, thì điểm trung bình tích luỹ sẽ được tính lại, cập nhật thêm kết quả của môn mà sinh viên vừa hoàn thành. Thông thường, ở đại học, điểm trung bình tích luỹ sẽ được nhà trường tự tính và cập nhật chính xác cho sinh viên sau từng học kỳ, hoặc nếu nắm được cách tính, thì các em cũng có thể tự tính để kiểm tra lại cho chắc và chủ động hơn trong việc quản lý kết quả học tập của mình.
Điểm trung bình tích luỹ quan trọng như thế nào?
Sau khi hiểu rõ điểm trung bình tích luỹ là gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem nó quan trọng như thế nào, ảnh hưởng thế nào tới kết quả học tập và xếp loại tốt nghiệp/bằng đại học khi ra trường sau này? Đầu tiên, điểm trung bình tích luỹ sẽ là cơ sở để sinh viên nắm được kết quả học tập của mình ở thời điểm hiện tại, rằng mình có đang học tốt không, có đang nằm trong khoảng an toàn so với mục tiêu không, hay đang lơ là, chểnh mảng, khiến kết quả học tập sa sút? Chẳng hạn sinh viên đặt mục tiêu tốt nghiệp đại học loại giỏi, thì tối thiểu điểm trung bình 4 năm đại học của mình cũng phải đạt mức 8.0, vậy mà bây giờ học hết năm 1 rồi, mà mới có 7.0, thì đang nằm trong mức nguy hiểm, nếu không tập trung hơn, không kịp thời thay đổi, chủ động có giải pháp điều chỉnh lại kết quả học tập, thì sau này sẽ khó lòng tốt nghiệp loại giỏi.
Tiếp theo, điểm trung bình tích luỹ chính là cơ sở quan trọng để quyết định xếp loại tốt nghiệp/xếp loại bằng đại học của sinh viên khi ra trường. Nếu học hành chểnh mảng, không kiểm soát điểm trung bình, để mình bị rơi xuống mức điểm thấp, thì các em sẽ không thể tốt nghiệp với xếp loại như mong muốn. Trên thực tế, đã từng có không ít sinh viên không nhận thức được tầm quan trọng của điểm trung bình tích luỹ, đi học mà cứ lơ tơ mơ, không nắm được hiện tại mình đang ở mức điểm bao nhiêu, đến khi xét tốt nghiệp mới tá hoả phát hiện ra mình còn thiếu chút xíu, thiếu có 0.1, 0.2, 0.3 điểm, nhưng lúc đó thì đã muộn màng, đâu kịp học cải thiện để nâng điểm lên nữa,…
>> Có nên học lại để cải thiện điểm trung bình?
Điểm trung bình bao nhiêu thì tốt nghiệp loại giỏi/xuất sắc?
Thông tin tiếp theo mà nhiều sinh viên quan tâm chính là điểm trung bình bao nhiêu thì tốt nghiệp đại học loại giỏi/xuất sắc. Bạn nào đang tìm hiểu điều này thì hãy note lại ngay nhé. Sinh viên có điểm trung bình 4 năm đại học từ 9.0 trở lên, sẽ có thể tốt nghiệp loại xuất sắc, từ 8.0 trở lên sẽ có thể tốt nghiệp đại học loại giỏi? Tại sao lại là có thể chứ không phải là chắc chắn? Vì trên thực tế, để đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp đại học loại giỏi/loại xuất sắc, thì sinh viên cần thoả mãn thêm một số điều kiện khác, chứ không đơn thuần chỉ cần đủ điểm là được. Ngoài ra, nhiều trường đại học hiện nay cũng có quy định rằng nếu sinh viên học lại quá 5% tổng số tín chỉ của chương trình học, thì sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp xuống 1 bậc, tức là hạ từ xuất sắc xuống giỏi, hoặc hạ xếp loại từ giỏi xuống khá. Cụ thể hơn, các em có thể theo dõi các bài viết bên dưới:
>> Điều kiện để sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi
>> Điều kiện để sinh viên tốt nghiệp bằng đại học loại xuất sắc
>> Sinh viên bị hạ bằng đại học vì chưa nắm rõ các quy định này
Phân biệt điểm trung bình tích luỹ và điểm trung bình học kỳ
Có nhiều sinh viên nhầm lẫn, tưởng rằng điểm trung bình tích luỹ chính là điểm trung bình học kỳ. Đây là quan điểm không chính xác, nếu hiểu sai lệch như này thì có khả năng sẽ ảnh hưởng sai tới xếp loại học lực của các em, khi mình tự tính thấy đủ điểm, nhưng trường tính thì lại bị thiếu điểm, chỉ vì mình chưa hiểu rõ, bị nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này. Điểm trung bình học kỳ chỉ đơn thuần là điểm trung bình tổng kết của các môn trong học kỳ đó, chứ không bao gồm các môn trong các học kỳ trước đó. Ngoài ra, khi xét tới cách tính điểm, nếu không phân biệt rạch ròi 2 khái niệm trên, thì sinh viên đại học cũng sẽ dễ rơi vào trường hợp tính sai, tính nhầm điểm, khiến các em phải đối mặt với nhiều rủi ro không đáng có. Chẳng hạn như một số sinh viên cho rằng để tính điểm trung bình tích luỹ, thì mình sẽ lấy điểm trung học bình của từng học kỳ cộng lại, rồi chia đều ra, chẳng hạn như HK1 7.5, HK2 8.0, HK3 7.0, thì cộng lại chia trung bình là 7.5. Đây là cách tính sai, những bạn sinh viên nào đang tính điểm theo cách này thì cần theo dõi ngay cách tính đúng trong phần tiếp theo.
Cách tự tính điểm trung bình tích luỹ cho sinh viên đại học
Nếu chưa biết cách tính điểm trung bình tích luỹ, hoặc chưa từng tự tính bao giờ, thì sinh viên sẽ cho rằng cách tính này quá phức tạp, quá nhức đầu, nhưng thật ra, khi đã tìm hiểu kỹ, nắm rõ công thức và tự tính điểm cho mình một vài lần, thì sinh viên sẽ thấy rằng nó cũng bình thường, không khó như lúc đầu mình nghĩ. Cụ thể hơn, sinh viên muốn tự tính điểm trung bình tích luỹ cho mình, thì có thể tham khảo công thức bên dưới:
Điểm trung bình tích luỹ = Trung bình theo hệ số của (điểm trung bình từng môn x số tín chỉ của môn đó)
Trong đó, số tín chỉ của môn học sẽ đóng vai trò là hệ số, môn nào có 2 tín chỉ thì nhân hệ số 2, môn có 3 tín chỉ thì nhân hệ số 3, tổng cộng lại, rồi chia cho tổng số tín chỉ của tất cả môn học đó. Chẳng hạn như tới hiện tại, sinh viên đã hoàn thành được 6 môn, với các thông tin cụ thể như sau:
- Môn A: Điểm trung bình 6.2 (3 tín chỉ);
- Môn B: Điểm trung bình 9.1 (2 tín chỉ);
- Môn C: Điểm trung bình 8.5 (2 tín chỉ);
- Môn D: Điểm trung bình 8.2 (2 tín chỉ);
- Môn E: Điểm trung bình 7.9 (3 tín chỉ);
- Môn F: Điểm trung bình 8.1 (2 tín chỉ).
Cách tính sai (trung bình cộng): Điểm trung bình tích luỹ = (6.2 + 9.1 + 8.5 + 8.2 + 7.9 + 8.1)/6 = 8.0
Cách tính đúng: Điểm trung bình tích luỹ = (6.2*3 + 9.1*2 + 8.5*2 + 8.2*2 + 7.9*3 + 8.1*2)/(3+2+2+2+3+2) = 7.86
Nếu tính đúng, thì điểm trung bình tích luỹ trong trường hợp ví dụ trên chỉ đạt 7.86 (loại khá), còn nếu sinh viên hiểu sai, tính sai theo hướng trung bình cộng, thì điểm sẽ ra 8.0 (loại giỏi). Đây là một sai lầm nghiêm trọng, vì khi tính sai, sinh viên sẽ dễ rơi vào trường hợp chủ quan, cho rằng mình đã đủ điểm, đang ở mức an toàn, tưởng điểm của mình đạt loại giỏi, nhưng thật ra lại chỉ đang ở mức khá. Vì thế, sinh viên cần phải nắm rõ cách tính để tránh xảy ra tình huống đáng tiếc.
>> 5 sai lầm khiến tân sinh viên học hành sa sút khi lên đại học
Sinh viên đại học phải làm sao để nâng cao điểm số?
Sau khi nắm được cách tính điểm trung bình tích luỹ, thì tất nhiên sinh viên cần phải liên tục cập nhật xem điểm của mình đang ở bao nhiêu, trong khoảng an toàn hay đang báo động? Nếu điểm đang bị thấp quá, thì các em cần phải sớm khắc phục, cố gắng tập trung nâng điểm của mình lên, bằng một số giải pháp sau:
- Học lại những môn bị rớt để cập nhật lại điểm trung bình cho chính xác hơn;
- Học cải thiện những môn điểm thấp mà mình tự tin có khả năng nâng lên nhiều;
- Tập trung cao độ cho các môn học sắp tới, nhất là những môn có nhiều tín chỉ, hoặc môn dễ lấy điểm;
- Thường xuyên giơ tay phát biểu trên lớp để lấy điểm cộng, đi học đều để lấy điểm chuyên cần…
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp được băn khoăn rằng điểm trung bình tích luỹ là gì, quan trọng như thế nào, điểm bao nhiêu thì tốt nghiệp loại giỏi/xuất sắc? Đồng thời, các em cũng nắm được cách tự tính điểm trung bình, biết được một số giải pháp để nâng cao điểm số. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Học hoài mà không thuộc bài thì phải làm sao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.