Khi đi làm, chúng ta thường mường tượng rằng công ty là một môi trường làm việc lành mạnh, đồng nghiệp hoà thuận, giúp đỡ lẫn nhau, phối hợp nhịp nhàng trong công việc, công tư phân minh,… Thật ra, bạn hoàn toàn có thể tìm được những nợi làm việc như thế, tuy nhiên, cũng có khả năng bạn xui rủi vào làm việc trong một công ty nội bộ bất đồng, đồng nghiệp chia bè kết phái, ganh ghét, tị nạnh, cạnh tranh không lành mạnh với nhau, khi đó, bạn phải làm sao?
>> Đồng nghiệp bất hợp tác, nhắn tin không trả lời thì phải làm sao?
Dấu hiệu nhận biết đồng nghiệp chia bè kết phái
Chuyện đồng nghiệp chia bè kết phái trong công ty là một điều mà bạn phải cẩn trọng, cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng trước khi kết luận, chứ đừng vội đưa ra những nhận định cảm tính, không có bằng chứng, vô căn cứ, vì đây là một thông tin không tốt, ảnh hưởng xấu tới danh tiếng và môi trường làm việc của công ty, lỡ chuyện này đến tai cấp trên, mà bạn không giải thích được, cũng chẳng có bằng chứng gì trong tay, thì xem như bạn đang dựng chuyện, bịa chuyện để bôi nhọ công ty, và phải đối mặt với nhiều hệ quả khôn lường. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết đồng nghiệp chia bè kết phái, bạn có thể dựa vào để đánh giá chính xác xem liệu trong công ty mình có đang như thế không:
- Đồng nghiệp chia thành từng nhóm nhỏ, và hầu như không có sự giao tiếp giữa các nhóm với nhau;
- Khi có việc cần hỗ trợ, đồng nghiệp sẽ nhờ người chung nhóm, không bao giờ mở miệng ra nhờ vả người không chơi chung nhóm với mình, cho dù đó là điều nên làm;
- Khi có mâu thuẫn, xích mích giữa các nhóm, cho dù chỉ là những chuyện nhỏ, lặt vặt, nhưng cũng có thể biến thành chuyện lớn, cãi nhau um sùm, thêm dầu vào lửa;
- Cạnh tranh không lành mạnh trong công ty, đồng nghiệp chia phe, cố tình gây khó dễ cho nhóm khác, thậm chí không ngại sử dụng các thủ đoạn, chơi xấu lẫn nhau;
- Chỉ tung hô thành tích của những người cùng nhóm, còn người ở nhóm khác hoàn thành tốt công việc, được khen thưởng, vinh danh thì không thèm quan tâm;
- Bạn ở thế trung lập, không nghiêng về bất kỳ phe nào, tự dưng cũng bị mọi người tẩy chay, nói rằng bạn thảo mai, hoặc cho rằng bạn đang chống đối, không hoà nhập…
Ngoài những điều nêu trên, thì trong thực tế vẫn còn nhiều dấu hiệu khác để bạn nhận biết đồng nghiệp đang chia bè kết phái. Nếu bạn nhận thấy trong công ty mình, các đồng nghiệp xung quanh đang có từ 3 dấu hiệu trở lên, thì khả năng cao rằng thật sự đang có tình trạng chia bè kết phái.
Đồng nghiệp chia bè kết phái ảnh hưởng gì tới bạn?
Một số người cho rằng đồng nghiệp làm gì thì mặc kệ họ, chia bè kết phái, tranh cãi, mâu thuẫn giữa các phe phái trong công ty là chuyện của họ, chẳng liên quan gì tới mình, mình chỉ cần tập trung hoàn thành tốt công việc của mình là được, không cần phải bận tâm những vấn đề khác. Tuy nhiên, trong thực tế, khi làm việc trong một công ty có đồng nghiệp chia bè kết phái, thì bạn sẽ khó lòng đứng ngoài cuộc, nhiều khi mình đang trung lập, không theo phe nào, không liên quan, không làm gì đụng chạm tới ai, cũng chẳng nhúng tay vào các cuộc tranh cãi của họ, thì bạn cũng tự nhiên bị kéo vào, hoặc tự nhiên họ cũng ghét bạn, cho rằng bạn không hoà nhập, chảnh, thấy ghét, vào công ty mà không thèm chơi chung nhóm với họ.
Ít nhiều gì thì bạn cũng sẽ bị liên luỵ, ảnh hưởng không tốt tới tâm trạng và khó lòng tập trung làm việc, có khi mình đang làm việc mà còn bị đồng nghiệp chơi xỏ, gây khó dễ, nói ra nói vào, khiêu khích. Vậy khi thấy đồng nghiệp chia bè kết phái, cố tình gây ảnh hưởng tới công việc của mình, thì bạn phải làm sao?
>> 5 tác hại khi đi làm không hoà đồng với đồng nghiệp
Đồng nghiệp trong công ty chia bè kết phái thì phải làm sao?
Khi đi làm gặp tình trạng đồng nghiệp chia bè kết phái, điều đầu tiên bạn cần làm là phải tịnh tâm, cố gắng giữ bình tĩnh và hành xử chuyên nghiệp trong mọi trường hợp, không được để sự khiêu khích của họ khiến mình phát điên, mất kiểm soát trong lời nói, hành động, vì như thế xem như bạn đã giúp họ đạt được mục đích, đã rơi vào bẫy của họ, khiến hình tượng của bạn trở nên xấu đi, mất tinh thần làm việc, và cũng ảnh hưởng không tốt tới kết quả làm việc của bạn.
Khi đã chắc chắn mình đang cực kỳ bình tĩnh, thì tiếp theo, bạn hãy đánh giá mức độ chia bè kết phái của đồng nghiệp, xem nó đang ở level nào, cũng mới sương sương, hay đã khá nghiêm trọng. Vì tuỳ theo từng mức độ mà bạn có thể cân nhắc lựa chọn giải pháp phù hợp nhất. Chẳng hạn như mức độ phe phái cũng mới sương sương, thì khả năng cao rằng đây chỉ đơn giản là các phe không thích, không ưa nhau, không muốn tiếp xúc với nhau, nhà ai nấy ở, việc ai nấy làm, thì cũng chẳng ảnh hưởng gì quá nhiều tới bạn, có thể không cần bận tâm, cố gắng hạn chế tiếp xúc, chỉ chạm mặt, nói chuyện khi có công việc cần trao đổi, hoà nhập với họ khi cần teamwork, cứ đúng quy định, quy trình mà làm, không để họ có cớ để bắt lỗi, hay kiếm chuyện gì với mình là được.
Tuy nhiên, khi tình hình nghiêm trọng hơn, đồng nghiệp chia bè kết phái tới mức không ưa bất kỳ ai không chung nhóm, kể cả những người trung lập như bạn cũng thường xuyên bị kiếm chuyện, từ những việc không đâu, thì lúc này, bạn hãy trao đổi thẳng thắn với họ rằng mình đi làm kiếm tiền chứ không phải để kiếm chuyện, bạn là người rất lành tính, chỉ muốn yên ổn làm việc, hy vọng rằng họ đừng bận tâm quá nhiều về bạn. Nếu sau khi trao đổi như thế mà họ vẫn tiếp tục quấy rối, làm phiền, hoặc rủ rê lôi kéo bạn vào nhóm, chưa cho bạn yên, thì bạn có thể đưa điều này lên cấp trên, kèm theo những bằng chứng cụ thể, thuyết phục, chứ không được nói suông, thì cấp trên sẽ tự có phương án xử lý cho bạn. Trong trường hợp cấp trên phớt lờ, không quan tâm, chẳng thèm xử lý, thì đây thật sự là một môi trường làm việc toxic, đồng nghiệp chia bè kết phái, mà cấp trên cũng thờ ơ, dung túng cho những chuyện sai trái đó, thì tốt nhất là bạn nên tìm một công ty mới, một công việc mới, nơi có môi trường làm việc lành mạnh hơn.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng đồng nghiệp trong công ty chia bè kết phái thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Những điều nên và không nên tâm sự với đồng nghiệp
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.