1. Lạm dụng việc cúp học quá nhiều
Nếu ở cấp 3 có thầy cô giám thị, và việc điểm danh mỗi ngày là chuyện thường tình, thậm chí khi đi trễ còn bị ghi tên lại để xử lý kỷ luật, thì nhiều sinh viên đã cảm thấy tự do, thoải mái hơn khi lên đại học. Chuyện điểm danh ở đại học là bất chợt, tuỳ theo từng giảng viên, chứ không quá gay gắt mỗi ngày như hồi cấp 3. Điều này khiến nhiều bạn tân sinh viên chủ quan, lạm dụng việc cúp học quá nhiều, có khi lỡ ngủ quên nên nghỉ học luôn, nhanh gọn lẹ mà không một chút lăn tăn.
Tuy nhiên, việc cúp học thường xuyên sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng. Sinh viên sẽ không hiểu bài, bị mất kiến thức trong các buổi mà mình nghỉ, và sẽ liên đới tới các buổi học phía sau, vì kiến thức ở các buổi sẽ liên kết chặt chẽ với nhau, khiến càng lúc các em càng bị đuối, nghe giảng mà như vịt nghe sấm, chẳng hiểu gì, rồi đi thi cũng sẽ bị điểm kém, tiềm ẩn rủi ro bị rớt môn. Chưa kể tới việc nếu vắng quá 20% thời lượng môn học thì sinh viên sẽ bị cấm thi, mặc định bị điểm 0 cho bài thi cuối kỳ, đây là quy định chung của tất cả các trường đại học. Đừng để vì một phút lười biếng khiến sau này mình phải đối mặt với nhiều hậu quả khôn lường khi cúp học nhé!
2. Cách học sai lầm: Học vẹt, học tủ
Học vẹt, học tủ là bộ đôi hoàn hảo để kéo điểm trung bình của sinh viên đi xuống, đa phần các bạn sinh viên theo hệ học vẹt, học tủ đều có GPA quanh quẩn ở mức thấp, chỉ tầm 2.0 – 2.2 trên thang điểm 4. Nếu đặt mục tiêu tốt nghiệp đại học loại giỏi, thì mức GPA trên đang còn cách chuẩn 3.2 quá xa, không thể nào cứu vãn nếu sinh viên không thay đổi, bỏ ngay các cách học sai lầm ấy.
Học vẹt là học nhưng không hiểu gì, giống kiểu học thuộc lòng mặt chữ, rồi đi thi sẽ chép lại theo trí nhớ, chứ không hiểu bản chất kiến thức, điều này sẽ khiến sinh viên dễ bị quên bài, nhầm lẫn kiến thức với nhau, vào phòng thi sẽ dễ bị rối, tẩu hoả nhập ma, làm bài lung tung, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Học tủ là chỉ học khoảng 1-2 phần trong số rất nhiều nội dung kiến thức của môn học, với hy vọng rằng đề thi sẽ ra đúng ngay phần mình đã học, như thế sẽ gọi là trúng tủ. Nhưng trúng tủ chưa thấy đâu, chỉ thấy toàn lệch tủ mới cay. Tóm lại, nếu bạn sinh viên nào đang lạm dụng 2 cách học sai lầm này thì hãy dừng lại ngay trước khi quá muộn.
3. Lợi dụng bạn cùng nhóm, để bạn bè gánh team
Ở trường đại học, sẽ có nhiều cơ hội để sinh viên teamwork với bạn bè khi làm bài thuyết trình nhóm, tiểu luận nhóm, với số lượng thành viên trong nhóm dao động khoảng 4-8 bạn. Điều này kéo theo một thực trạng đáng buồn rằng, có một số sinh viên chủ quan, không chịu làm gì, hoặc chỉ đóng góp rất ít trong lúc teamwork, thản nhiên để các bạn còn lại gánh team. Đây là một cách học sai lầm mà sinh viên cần tránh, vì mình vùa lợi dụng bạn cùng nhóm, vừa kéo theo rủi ro bản thân sẽ không hiểu bài, không nắm kiến thức, vì có chịu học, có chịu làm bài gì đâu?
Tới khi đi thi, bạn đâu có gánh mình được, đâu có làm bài giùm mình được, sẽ thường xuyên bị điểm kém, rớt môn, mà rớt quá 5% số tín chỉ của chương trình học thì lại bị hạ bằng đại học. Hoặc ra trường, bạn đâu có xin việc, phỏng vấn giùm mình được, đâu có đi làm giùm mình được? Tất cả mọi người đều phải tự lực cánh sinh, bây giờ, đang đi học thì sinh viên phải chăm chỉ, nỗ lực và nghiêm túc hơn, chứ đừng bị phụ thuộc quá nhiều vào bạn cùng nhóm, đừng để bạn bè gánh team.
Hãy dừng lạm dụng 3 cách học sai lầm này trước khi quá muộn. Đi học là để tích luỹ kiến thức, trau dồi thêm hành trang hữu ích cho bản thân khi xin việc và đi làm sau này, chứ không phải một cuộc dạo chơi, đừng bao giờ học một cách đối phó, học đại cho xong, thậm chí cúp học. Thay vào đó, sinh viên hãy đặt việc học lên ưu tiên hàng đầu. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.