Trong các buổi livestream gần đây của anh, thì có nhiều bạn sinh viên hỏi về việc học ngôn ngữ, rằng các em dự định sẽ theo học ngành ngôn ngữ Nhật, Trung, Đức,… và lăn tăn rằng không biết việc học thêm ngôn ngữ mới như vậy có khó không, cơ hội nghề nghiệp sau này sẽ thế nào? Trong bài viết này, hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp xem liệu học thêm ngôn ngữ mới dễ hay khó đối với sinh viên?
Sinh viên có nên theo ngành ngôn ngữ không?
Ngành ngôn ngữ có đặc thù là sẽ tập trung cho việc trau dồi ngoại ngữ, về cả từ vựng, ngữ pháp, các kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, để sinh viên khi ra trường sẽ có khả năng giao tiếp tốt & linh hoạt sử dụng ngoại ngữ ấy trong công việc như ngôn ngữ bản xứ. Đặc thù của các ngành ngôn ngữ là sẽ không thiên về chuyên môn của công việc khác như marketing, nhân sự, kinh doanh, kế toán, IT, kỹ thuật, bác sĩ,… mà sẽ chỉ học về ngoại ngữ, rồi khi ra trường đi làm, vào công ty, vào công việc sẽ dần học hỏi, rèn luyện thêm về chuyên môn liên quan tới vị trí mà mình ứng tuyển.
Tức là lộ trình học tập & phát triển nghề nghiệp của các em sẽ có nhiều khác biệt so với việc chọn hẳn một ngành chuyên môn ngay từ đầu. Tuy nhiên, đây cũng là một hướng đi hay, thú vị và phù hợp với những bạn yêu thích việc học ngoại ngữ, đã tìm được cảm hứng, đam mê với một ngôn ngữ nào đó, chẳng hạn như Tiếng Nhật, Tiếng Trung, Tiếng Đức, hay có thể chọn luôn Tiếng Anh vốn dĩ đã quá quen thuộc & mình đã tiếp xúc từ hồi cấp 2, cấp 3 cũng được luôn. Quan trọng là mình thích, mình đam mê thì các em sẽ học tốt được, mà khi đã học tốt thì khi ra trường vẫn có nhiều cơ hội tìm được công việc tốt để theo đuổi & gắn bó lâu dài. Vậy cụ thể rằng khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ thì sinh viên sẽ có cơ hội việc làm thế nào?
Cơ hội việc làm thế nào khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ?
Khi sinh viên tốt nghiệp các ngành như ngôn ngữ Anh, Đức, Nhật, Trung,… thì các em sẽ có đa dạng cơ hội việc làm ở các việc liên quan trực tiếp tới ngoại ngữ đó như biên dịch, phiên dịch, MC song ngữ, giáo viên dạy ngôn ngữ,… hoặc cũng có thể apply vào các công ty quốc tế, các công việc yêu cầu ứng viên phải có ngoại ngữ đó, chẳng hạn như công ty yêu cầu ứng viên phải thành thạo Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Trung,… để làm việc với sếp, đồng nghiệp hoặc khách hàng, đối tác chủ yếu sẽ trao đổi bằng ngoại ngữ đó, thì đây chính là lợi thế cạnh tranh của các em, dễ dàng đánh bại các ứng viên khác khi họ không thành thạo các ngoại ngữ bằng mình.
Đương nhiên khi công ty quyết định tuyển dụng ứng viên biết ngoại ngữ thì chính họ cũng đã cân nhắc & chấp nhận rằng nếu tôi muốn tuyển được người giỏi ngoại ngữ như thế, nhất là các ngoại ngữ hiếm như Tiếng Đức chẳng hạn, thì mặc định phải trả lương cao hơn, offer mức lương cao hơn so với mặt bằng chung của vị trí đó, ở các công ty không yêu cầu ngoại ngữ. Vì thế, cơ hội để sinh viên học ngoại ngữ ra trường có được công việc tốt, mức lương cao ở các công ty nước ngoài là điều hoàn toàn có thể xảy ra, miễn sao các em phải học tốt, để khi tốt nghiệp mình thật sự đã thành thạo và có khả năng giao tiếp linh hoạt bằng ngoại ngữ mà mình đã học.
Học thêm ngôn ngữ mới dễ hay khó đối với sinh viên?
Quay trở lại với băn khoăn được nêu ở đầu bài viết, dẫu biết rằng cơ hội nghề nghiệp cũng rộng mở & mức thu nhập cũng ổn áp, nhưng phải học tốt, phải giỏi ngoại ngữ thì mới có công việc tốt, mới tự tin tìm việc khi ra trường được chứ. Vậy liệu việc học thêm ngôn ngữ mới là dễ hay khó đối với sinh viên? Dù thực tế mỗi người mỗi khác, nhưng nếu so sánh trên mặt bằng chung thì điều này sẽ dễ đối với những bạn sinh viên có niềm yêu thích với ngoại ngữ, hứng thú khi được tiếp xúc, được học & nắm được các kiến thức về ngôn ngữ mới.
Vì khi các em có đam mê, thì sẽ chủ động hơn trong việc học hỏi, nhiều khi không chỉ ngồi học trên trường, mà lúc ở nhà mình cũng chủ động mở youtube, nghe podcast hoặc đọc sách để học hỏi thêm, để vững vàng hơn, học nhanh và hiệu quả hơn. Tức là mấu chốt nằm ở chỗ các em phải yêu thích ngoại ngữ đó thì sẽ tăng khả năng học tốt, giúp việc học thêm ngôn ngữ đó sẽ trở nên dễ hơn đối với mình, chứ sinh viên không nên nhắm mắt chọn đại 1 ngành ngôn ngữ chỉ vì muốn có mức lương cao khi ra trường, mà thực tế mình lại chưa tìm hiểu, chưa thật sự thích hay có hứng thú với nó.
Gợi ý giúp sinh viên học tốt ngôn ngữ mới
Với các bạn sinh viên đã cân nhắc kỹ và quyết định sẽ theo học các ngành về ngôn ngữ, thì anh cũng có 1 gợi ý để giúp các em có thể học tốt hơn, tiếp thu kiến thức hiệu quả & ứng dụng được trong giao tiếp thực tế, đó chính là hãy đảm bảo việc học ngôn ngữ mới của mình diễn ra liên tục, mỗi ngày, không bị ngắt quãng, và không nên để dồn tới lúc nào rảnh mới học.
Chẳng hạn như việc học Tiếng Anh của sinh viên, chắc chắn các em cũng đã tiếp xúc với ngôn ngữ này được một thời gian khá dài, nhưng nhiều bạn vẫn đang bị mất căn bản, cảm thấy mình học trước quên sau, không biết cách ứng dụng, cũng không nhớ rõ được kiến thức, học từ vựng xong vài tuần sau lại quên, thì đó là vì mình chưa có học mỗi ngày. Thay vì để dồn tới cuối tuần mới học 2-3 tiếng, thì hãy chia nhỏ ra mỗi ngày học tầm 30-45 phút, thì tự dưng các em sẽ thấy quen thuộc với Tiếng Anh hơn, vừa học vừa ôn lại kiến thức mỗi ngày luôn, thì việc học sẽ liền mạch và nâng cao hiệu quả hơn. Còn đương nhiên khi các em đã theo đuổi riêng 1 ngành học về ngôn ngữ, và liên quan trực tiếp, cực kỳ quan trọng với công việc sau này của mình, thì mình phải dành nhiều thời gian hơn cho nó, chủ động hơn trong việc ôn bài, thực hành, ứng dụng mỗi ngày, để ngôn ngữ ấy trở nên quen thuộc với mình hơn, thì tới khi tốt nghiệp ra trường tự nhiên mình sẽ thành thạo nó.
Bài viết này đã giải đáp băn khoăn rằng học thêm ngôn ngữ mới dễ hay khó đối với sinh viên? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em. Chúc các em học tốt!
>> Sinh viên năm 3 mới lật đật đi học Tiếng Anh có muộn không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.