Bên cạnh các bài kiểm tra đột xuất, bài thuyết trình, kiểm tra giữa kỳ, thì các giảng viên đại học còn một hình thức làm bài lấy điểm khác để đánh giá mức độ nắm vững kiến thức của sinh viên, đó chính là bài tiểu luận. Điều này hoàn toàn bình thường đối với những bạn giỏi viết lách, văn chương lai láng, nhưng đối với những sinh viên có kỹ năng viết chưa tốt, cảm thấy mình viết rất kém, không biết cách trình bày bài làm sao cho chỉn chu, mạch lạc, logic, thì làm tiểu luận thật sự là một cơn ác mộng. Kỹ năng viết chưa tốt, làm sao để sinh viên làm tiểu luận điểm cao?
>> 6 lưu ý khi sinh viên lần đầu làm bài tiểu luận ở đại học
Vì sao sinh viên phải viết tiểu luận?
Một số sinh viên thắc mắc rằng có rất nhiều cách khác nhau để kiểm tra mức độ nắm vững kiến thức, mức độ hiểu bài của sinh viên, chẳng hạn như kiểm tra miệng, kiểm tra đột xuất, thuyết trình nhóm,… đó là những điều khá quen thuộc và đơn giản hơn, chứ vì sao sinh viên phải làm bài tiểu luận chi cho mất công, vừa cực, vừa vất vả, vừa không phải thế mạnh của những bạn có kỹ năng viết chưa tốt. Các em quan ngại rằng nếu lỡ mình hiểu bài, nắm vững kiến thức môn học, nhưng chỉ vì kỹ năng viết chưa tốt, trình bày bài tiểu luận lủng củng, thiếu logic, lan man, thì tự dưng lại bị điểm kém, và cho rằng điểm số bài tiểu luận chưa thật sự phản ánh đúng năng lực của sinh viên, đây là một hình thức lấy điểm không công bằng, thiên vị cho những ai giỏi văn, giỏi viết lách.
Tuy nhiên, quan điểm trên không hoàn toàn chính xác, không thể khẳng định rằng ai giỏi viết lách thì đều tự dưng được điểm cao khi làm bài tiểu luận, hoặc ai có kỹ năng viết chưa tốt thì mặc nhiên sẽ bị điểm kém. Trong thực tế, giảng viên đại học luôn đề cao sự công bằng, ai cũng muốn đánh giá năng lực sinh viên một cách chính xác và khách quan nhất. Điểm bài tiểu luận không chấm theo cảm tính, rằng thấy ai văn chương lai láng, viết được càng dài, càng nhiều trang thì càng điểm cao, mà thực tế sẽ luôn có các tiêu chí cụ thể, khách quan để chấm bài tiểu luận. Vậy điểm bài tiểu luận thường chấm trên các tiêu chí nào?
Điểm bài tiểu luận chấm trên các tiêu chí nào?
Mỗi giảng viên sẽ có những tiêu chí riêng khi chấm bài tiểu luận của sinh viên, tức là sẽ khó lòng nêu ra các tiêu chí cụ thể của bất kỳ giảng viên nào. Còn nếu sinh viên muốn biết một số tiêu chí để tham khảo, thì đó thường sẽ là những điều sau:
- Đúng chủ đề: Sinh viên chọn đề tài bài tiểu luận liên quan tới nội dung môn học, đúng với chủ điểm kiến thức được giảng viên phân công tìm hiểu, xuyên suốt bài làm đều bám sát chủ đề đó, không bị lạc đề;
- Đúng bản chất kiến thức: Sinh viên có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về kiến thức trong bài tiểu luận, trích dẫn các khái niệm, định nghĩa chính xác, có cơ sở lý thuyết rõ ràng, chủ động đọc và tìm hiểu thêm các thông tin, tài liệu nâng cao, không đưa vào bài làm những kiến thức sai lệch;
- Hiểu và biết cách vận dụng, ứng dụng kiến thức: Từ cơ sở lý thuyết để ứng dụng vào thực tiễn, lồng ghép vào các số liệu, dữ liệu, ví dụ thực tế để phân tích các khía cạnh liên quan tới chủ đề bài tiểu luận, đưa ra giải pháp, phương án hữu ích, khả thi trong bài làm;
- Kỹ năng viết lách logic, rành mạch: Bài tiểu luận được trình bày một cách logic, dễ hiểu, có luận điểm, luận cứ rõ ràng, câu văn gãy gọn, đúng trọng tâm, không bị dài dòng, lan man;
- Hình thức bài tiểu luận: Bài tiểu luận có đầy đủ các phần cần có theo yêu cầu của giảng viên, được trình bày đúng theo mẫu, từ trang bìa, mục lục, đánh số trang, cho đến font, size chữ, canh lề, khoảng cách dòng.
>> Bài tiểu luận giống bao nhiêu % thì được gọi là đạo văn?
Kỹ năng viết chưa tốt, làm sao để làm tiểu luận điểm cao?
Như đã tìm hiểu ở phần trước, điểm bài tiểu luận sẽ được chấm dựa trên rất nhiều tiêu chí khác nhau, và kỹ năng viết chỉ là một trong số các tiêu chí ấy, và cũng không phải là một tiêu chí trọng tâm, không chiếm quá nhiều điểm trong bài tiểu luận. Điều này đồng nghĩa với việc nếu sinh viên chưa tự tin vào khả năng viết lách, cảm thấy mình có kỹ năng viết chưa tốt, thì vẫn có thể làm tiểu luận điểm cao bằng cách tập trung lấy điểm của các tiêu chí khác.
Hãy dành thời gian tìm hiểu thật kỹ, thật đầy đủ và chính xác các thông tin, trọng điểm kiến thức liên quan tới chủ đề bài tiểu luận, đây là điều mà sinh viên cần đặc biệt chú trọng nếu muốn làm tiểu luận điểm cao. Cho dù kỹ năng viết chưa tốt, nhưng nội dung trong bài tiểu luận chính xác, đầy đủ, đúng trọng tâm, thì sinh viên vẫn có thể gỡ gạc lại, mang về điểm số ở mức tương đối ổn. Song song đó, sinh viên cũng cần tìm cách ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế, chèn các ví dụ, tình huống thực tiễn vào bài làm của mình để tăng thêm tính thuyết phục, và có khả năng đạt điểm cao hơn. Điều này vừa giúp cho bài tiểu luận đạt điểm số tốt, vừa giúp sinh viên nắm vững kiến thức hơn, và đó toàn là những kiến thức hữu ích khi các em ra trường đi làm sau này.
Nếu tiểu luận nhóm thì đẩy cho bạn khác viết bài được không?
Liên quan tới chuyện kỹ năng viết chưa tốt, sợ sẽ viết bậy bạ khiến bài tiểu luận bị trừ điểm, thì một số sinh viên đã nảy sinh ý tưởng rằng nếu được làm tiểu luận theo nhóm, thì mình chỉ việc tìm kiếm thông tin sương sương thôi, còn chuyện tổng hợp nội dung, viết bài thì đẩy hết sang cho bạn khác, nhất là những bạn giỏi ở trong nhóm, để họ gánh team dùm mình. Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm, có thể nó tạm thời giúp cho bài tiểu luận được điểm cao hơn, nhưng về lâu dài thì người chịu thiệt thòi sẽ chính là bản thân các em.
Nội dung, bài làm có người khác gánh team viết cho hết rồi, mình không đóng góp gì nhiều, cũng không dành thời gian nhiều cho bài tiểu luận, thì liệu sẽ có bao nhiêu kiến thức đọng lại trong đầu các em? Lỡ sau này ra trường đi làm thì các bạn ấy có gánh team dùm mình được nữa không? Mình yếu ở đâu thì trau dồi ở đó, phải thử sức, càng viết thì mình càng rút được nhiều kinh nghiệm để cải thiện kỹ năng viết của bản thân, chứ không nên có tâm lý đùn đẩy trách nhiệm khi làm việc nhóm, làm tiểu luận nhóm.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng kỹ năng viết chưa tốt, làm sao để làm tiểu luận điểm cao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên nộp bài tiểu luận trễ deadline có sao không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.