Có bao giờ bạn chứng kiến mọi người bất đồng quan điểm, hiểu lầm ý nhau, dẫn tới xích mích chỉ đơn giản vì lắng nghe chưa tốt, chưa nghe đúng, hiểu đúng quan điểm của người khác chưa? Hoặc có bao giờ bạn trở thành nhân vật chính trong chuyện hiểu lầm vì chưa lắng nghe đối phương? Điều đó chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu, gây rạn nứt mối quan hệ và kéo theo nhiều hệ luỵ khôn lường khác mà bạn chẳng hề mong muốn. Vậy phải rèn luyện kỹ năng lắng nghe thế nào để hiểu, để đừng nghe xong rồi quên hoặc hiểu sai ý của người khác?
>> 3 tác hại to lớn khi sinh viên không lắng nghe giảng trên lớp
Kỹ năng lắng nghe quan trọng thế nào?
Trước khi tìm hiểu cách rèn luyện kỹ năng lắng nghe, chúng ta sẽ cùng giải đáp xem kỹ năng lắng nghe quan trọng như thế nào, để có phương án tập trung rèn luyện nó càng sớm càng tốt. Đầu tiên, bạn cần hiểu rằng lắng nghe là điều kiện cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn giao tiếp tốt, muốn đàm phán giỏi và xử lý tình huống thấu tình đạt lý. Tức là bạn cần phải lắng nghe kỹ quan điểm của người đối diện, người đang giao tiếp, đàm phán, trao đổi thông tin với mình, để hiểu rõ họ đang muốn gì, cần gì, đang gặp khó khăn gì hoặc đang bức xúc điều gì, khi đã hiểu được những điều ấy, thì bạn mới có cơ sở để làm tốt những phần tiếp theo, tránh trường hợp nghe câu được câu mất, hoặc không thèm lắng nghe, đâm ra hiểu sai, hiểu lầm, làm hỏng chuyện, làm rạn nứt các mối quan hệ xung quanh.
Tiếp theo, khi liệt kê những lợi ích của chuyện có kỹ năng lắng nghe tốt, thì chắc chắn bạn sẽ rất bất ngờ vì nó kéo theo rất nhiều lợi ích mà có thể trước đây bạn chưa hình dung được hết. Chẳng hạn như trong học tập, khi lắng nghe tốt, thì tất nhiên sinh viên sẽ dễ dàng hiểu bài hơn, để mình nắm vững kiến thức môn học, rồi tới khi làm bài thi, bài kiểm tra cũng sẽ thuận lợi hơn, chứ không phải lo lắng, sợ sệt khi bước vào phòng thi mà còn đang mơ hồ kiến thức nữa. Hoặc khi giao tiếp với bạn bè, nếu sinh viên biết cách lắng nghe, thì mình với bạn sẽ luôn hiểu ý nhau, làm gì cũng ăn ý, biết rõ tính nhau rồi, thì khả năng cao rằng tình bạn sẽ ngày càng khắng khít, bền chặt, thân thiết hơn.
Rồi sau này khi đi làm, phải tiếp xúc, teamwork nhiều với đồng nghiệp, phải giao tiếp với khách hàng, đối tác, cấp trên, thì tất nhiên những ai có kỹ năng lắng nghe tốt sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn, trao đổi công việc cũng trơn tru, mượt mà hơn, tránh trường hợp hiểu lầm, bất đồng quan điểm, rồi gây xích mích, chia rẽ nội bộ.
Cảm giác hiểu lầm vì chưa lắng nghe sẽ ra sao?
Sau khi hiểu được kỹ năng lắng nghe quan trọng như thế nào, mang lại cho bạn những lợi ích gì, thì tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem cảm giác hiểu lầm vì chưa biết lắng nghe sẽ ra sao? Chẳng ai trong chúng ta muốn bị người khác hiểu lầm, hoặc nếu mình lỡ hiểu lầm ai đó thì bản thân tự dưng cũng sẽ có cảm giác áy náy, khó chịu, nhiều khi sẽ khá ngại khi phải tiếp tục nói chuyện, giao tiếp, làm việc chung với họ trong tương lai. Tự dưng mối quan hệ đang tốt đẹp, đang học tập, làm việc cùng nhau một cách hoàn toàn bình thường, mà chỉ vì một vài lần không lắng nghe, để bản thân hiểu lầm, hiểu sai về người khác, khiến mối quan hệ bị rạn nứt thì cũng uổng, và tất nhiên sẽ khó chịu, bứt rứt.
Nếu không muốn bản thân phải đối mặt với cảm giác khó xử ấy, thì bạn nên nhanh chóng nhìn lại bản thân xem liệu mình đã biết cách lắng nghe khi giao tiếp chưa? Nếu thấy có điều gì đó sai sai, hình như kỹ năng lắng nghe của mình đang chưa tốt, thì bạn cần phải nhanh chóng khắc phục. Vậy lắng nghe thế nào để hiểu đúng, tránh hiểu lầm?
>> Gặp đồng nghiệp không biết lắng nghe thì phải làm sao?
Lắng nghe thế nào để hiểu đúng, tránh hiểu lầm?
Để hiểu đúng nội dung đối phương muốn truyền tải, hạn chế tôi đa các tình huống hiểu lầm, thì bạn phải lắng nghe xuyên suốt từ đầu đến cuối cuộc giao tiếp, đừng để bản thân bị xao nhãng nếu đó thật sự là nội dung trao đổi quan trọng mà bạn cần phải hiểu, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, trách nhiệm, công việc của mình. Tức là bạn nên hạn chế tối đa chuyện vừa nghe vừa bấm điện thoại, làm việc riêng, nhìn trời ngó đất, suy nghĩ bâng quơ,… vì những điều đó sẽ là nguyên nhân khiến bjn mất tập trung, không lắng nghe đầy đủ cuộc hội thoại, khó lòng để hiểu đúng nội dung, dễ dấn tới trường hợp hiểu sai lệch, hiểu lầm ý của người khác, rồi đâm ra bất đồng quan điểm.
Song song đó, bạn cũng cần tôn trọng đối phương bằng cách để họ nói xong, nói hết quan điểm, rồi mình mới tiếp tục trao đổi, chứ không ngắt lời, không được khăng khăng bắt người khác phải theo ý mình, cho rằng họ đang nói tầm bậy, họ không hiểu vấn đề, họ không nói đúng những gì mình nghĩ, trong khi họ còn chưa nói xong. Đồng thời, chuyện lắng nghe, không ngắt lời cũng sẽ giúp bạn hiểu đúng, hiểu trọn vẹn nội dung cuộc hội thoại hơn, nhất là khi bạn đang mang tinh thần xây dựng, muốn cùng thảo luận, thống nhất phương án tốt nhất.
Lắng nghe thế nào để nhớ, đừng để nghe xong rồi quên?
Song song với chuyện nghe để hiểu, thì lắng nghe thế nào để nhớ, tránh nghe xong rồi quên cũng là điều được nhiều người thắc mắc. Thật ra, điều này phụ thuộc một phần vào khả năng ghi nhớ của mỗi người, và mức độ quan trọng của nội dung hội thoại, tức là những ai ghi nhớ tốt thì có khả năng sẽ nhớ kỹ, nhớ rõ, hoặc với các thông tin quan trọng với mình, như nội dung cuộc họp, làm việc với đối tác, khách hàng lớn, thì tất nhiên tự dưng bạn sẽ bắt não bộ của mình ghi nhớ tường tận. Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải lúc nào bạn cũng phải đối diện với những cuộc trao đổi quá quan trọng, không lẽ bạn cho phép mình bị tẩy não, quên sạch thông tin sau mỗi cuộc giao tiếp?
Mấu chốt chính là bạn hãy đặt bản thân mình vào trong cuộc hội thoại, nắm rõ ngữ cảnh, các đối tượng giao tiếp, chủ đề của cuộc giao tiếp là gì, khi đã bao quát hết được những điều ấy thì bạn sẽ dễ dàng tiếp thu thông tin, ghi nhớ kỹ, nhớ lâu, và không bị quên hay nhầm lẫn sang những nội dung khác. Trong trường hợp cuộc hội thoại khá dài, với nhiều thông tin phức tạp, nhiều bên cùng lập luận, đưa ra ý kiến liên tục, thì bạn có thể sử dụng giấy bút để ghi chép lại các ý chính, các nội dung quan trọng, đó cũng là một cách giúp bạn ghi nhớ được lâu và chính xác, đồng thời, vẫn đảm bảo tính lịch sự, cho thấy bạn thật sự quan tâm tới nội dung trao đổi, đang nghiêm túc note lại các thông tin quan trọng để nhớ.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng phải rèn luyện kỹ năng lắng nghe thế nào để hiểu, để đừng nghe xong rồi quên hoặc hiểu sai ý của người khác? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Cách trau dồi kỹ năng lắng nghe trong 1 tuần
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.