Hầu như tất cả trường đại học đều sẽ yêu cầu sinh viên năm cuối đi thực tập, apply & làm việc thực tế ở doanh nghiệp trong khoảng 3 tháng để lấy số liệu làm báo cáo thực tập, khoá luận tốt nghiệp, kèm theo yêu cầu rằng phải có xác nhận thực tập với dấu mộc công ty, để chứng minh rằng các em thật sự có đi thực tập. Vậy mẫu giấy xác nhận thực tập cần có các nội dung gì, có mẫu chung hay sẽ khác nhau theo quy định của từng trường? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
Giấy xác nhận thực tập là gì?
Giấy xác nhận thực tập là mẫu giấy nhằm xác minh rằng sinh viên có đi thực tập thực tế tại công ty/doanh nghiệp (chứ không phải là đi thực tập ảo), đã có kết quả tốt trong kỳ thực tập, nghiêm túc, chịu khó học hỏi và lắng nghe khi được phía công ty training, hướng dẫn, tức là bên cạnh việc chữ ký và dấu mộc xác nhận, thì trong giấy xác nhận thực tập cũng sẽ có phần đánh giá, nhận xét về mức độ hoàn thành công việc khi thực tập, để phía nhà trường & giảng viên cũng có thể tham khảo khi chấm điểm báo cáo thực tập, khoá luận tốt nghiệp của sinh viên.
Giấy xác nhận thực tập cần có các nội dung gì?
Khi chưa tìm hiểu về giấy xác nhận thực tập thì nhiều bạn sinh viên sẽ hoang mang vì không biết rằng trong đó cần có các nội dung gì, sợ rằng mình tự viết sẽ bị thiếu sót, đưa công ty ký tên đóng mộc xong lại phải sửa lại, làm lại cho đầy đủ rồi ký lại lần nữa cũng kỳ, lỡ công ty không chịu & cảm thấy phiền phức thì sao? Chính vì thế, tốt nhất là sinh viên phải có tìm hiểu kỹ từ đầu, để mình soạn được mẫu giấy xác nhận thực tập có đầy đủ nội dung cần thiết luôn, hạn chế trường hợp bị sai, bị thiếu rồi phải xin công ty xác nhận lại. Dưới đây là một số nội dung thường gặp & cần có trong giấy xác nhận thực tập:
- Tiêu đề giấy xác nhận: Giấy xác nhận thực tập (ghi in hoa, canh lề giữa, để size chữ to hơn bình thường).
- Thông tin sinh viên: Họ tên, trường, lớp, khoá, ngành, nếu mẫu giấy xác nhận thực tập này đính kèm trong báo cáo thực tập, khóa luận tốt nghiệp (là 1 trang trong đó), thì có thể bỏ qua phần này, còn nếu nó là 1 tờ giấy rời thì cần phải có thông tin sinh viên để phân biệt, tránh bị nhầm lẫn với sinh viên khác.
- Thời gian thực tập: Bắt đầu từ ngày nào, kết thúc vào ngày nào.
- Thông tin công ty & người xác nhận thực tập: Tên công ty, địa chỉ, phòng ban mà sinh viên thực tập, họ tên & chức vụ của người xác nhận thực tập, thường sẽ là cấp trên/quản lý trực tiếp của các em trong quá trình thực tập, chứ không nhất thiết phải là chủ tịch hay CEO của công ty/doanh nghiệp.
- Các tiêu chí đánh giá thực tập: Linh hoạt theo yêu cầu, theo mẫu giấy xác nhận thực tập của từng trường, được thể hiện dưới dạng đánh dấu tick là đạt/không đạt (hoặc có thể chi tiết hơn bằng cách đánh giá mức độ hài lòng từ 1 tới 5), chẳng hạn như tiêu chí tập trung, nghiêm túc, hoàn thành tốt các việc được giao, siêng năng, chăm chỉ, chủ động học hỏi, có sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng được kiến thức đã học vào công việc, thành thạo các đầu việc cơ bản,… Trong các tiêu chí này thì mỗi trường đại học sẽ linh hoạt chọn ra tầm 4-5 điều và yêu cầu sinh viên phải chèn vào trong giấy xác nhận thực tập để phía công ty đánh giá tổng quan;
- Nhận xét thực tập: Đại diện công ty, người ký tên xác nhận thực tập sẽ đưa ra một vài nhận xét khách quan, phản ánh đúng những gì mà sinh viên đã thể hiện, đã hoàn thành trong kỳ thực tập, thường sẽ khoảng 3-5 dòng ngắn gọn.
- Ngày tháng năm, ký tên & dấu mộc xác nhận: Cuối mẫu giấy xác nhận thực tập đương nhiên sẽ cần có ngày tháng năm, chữ ký của người xác nhận và kèm theo dấu mộc của công ty.
>> Thực tập sinh có được giao việc quan trọng không?
Mẫu giấy xác nhận thực tập để sinh viên tham khảo
Ngoài các nội dung ở phần trước, thì tuỳ từng trường đại học có thể sẽ điều chỉnh bỏ bớt, hoặc bổ sung thêm các phần khác, để chắc ăn nhất thì sinh viên nên tham khảo các anh chị khoá trên trong trường hoặc tìm chính xác mẫu giấy xác nhận của trường mình (nếu có yêu cầu phải theo mẫu), còn nếu nhà trường cũng không có quy định cụ thể thì sinh viên có thể tham khảo mẫu giấy xác nhận sau đây:
GIẤY XÁC NHẬN THỰC TẬP
Họ tên sinh viên: Nguyễn Văn A
Trường đại học ABC, lớp D, khoá E, ngành FG.
Thời gian thực tập: Từ ngày ……… tới ngày ………..
Thực tập sinh tại phòng Marketing, công ty Cổ phần/TNHH IJK, quản lý trực tiếp là anh/chị MN.
Anh/chị vui lòng đánh giá và xác nhận kết quả thực tập của sinh viên qua các tiêu chí & nội dung sau:
- Sự ham học hỏi/tiếp thu: Đạt/Không đạt
- Sự chăm chỉ, chịu khó: Đạt/Không đạt
- Thái độ, tác phong, kỷ luật: Đạt/Không đạt
- Ứng dụng kiến thức vào công việc: Đạt/Không đạt
- Kết quả công việc được giao: Đạt/Không đạt
Nhận xét cụ thể: …………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
Ngày …./…../………..
Xác nhận thực tập
(ký tên, họ tên & dấu mộc thực tập)
Giấy xác nhận thực tập không có dấu mộc có giá trị không?
Sau khi có được mẫu giấy xác nhận thực tập thì sinh viên cũng yên tâm rồi, phần còn lại là các em hãy cố gắng tập trung, nghiêm túc và hoàn thành tốt những việc được giao khi thực tập, để bản thân được học hỏi nhiều hơn, tiếp thu nhiều kinh nghiệm làm việc hữu ích và cũng là cơ sở để được công ty đánh giá tốt, nhận xét tích cực và cuối kỳ thực tập. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên vẫn còn 1 lăn tăn rằng lỡ giấy xác nhận thực tập không có dấu mộc thì có giá trị không, các em quan ngại rằng lỡ công ty vì một số lý do nội bộ mà không cung cấp dấu mộc, chỉ có chữ ký của quản lý thôi thì có được không, nhà trường có đồng ý với điều đó không?
Điều này sẽ tuỳ theo quy định của từng trường, nếu sinh viên đưa ra được bằng chứng hoặc có xác nhận khác (chẳng hạn qua email chính thức của công ty) thì có thể thay thế cho dấu mộc thực tập. Tuy nhiên, các em không nên quá hoang mang, nghiêm trọng hoá điều này, vì thực tế đa số công ty khi tuyển thực tập sinh thì họ cũng sẵn lòng cung cấp dấu mộc & xác nhận thực tập, vì họ biết các em cần điều đó, chứ nếu không cho dấu mộc thì tuyển thực tập để làm gì? Trừ khi sinh viên không nghiêm túc, thiếu kỷ luật, đi thực tập với tinh thần & thái độ kỳ cục, không hoàn thành tốt công việc thì công ty mới không đồng ý, không xác nhận thực tập. Vì thế, sinh viên hãy lưu ý rằng khi đi thực tập mình phải tập trung, tuân thủ kỷ luật và cố gắng hoàn thành tốt những công việc được giao nhé.
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được rằng giấy xác nhận thực tập cần có các thông tin/nội dung gì, và có kèm mẫu để các em tham khảo. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.