Sau khi tìm hiểu về tiêu chí đánh giá ứng viên trong Tự Tin Tìm Việc (Tập 12), trong Tập 13 này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các dấu hiệu đậu phỏng vấn, câu hỏi về kỹ năng thuyết trình khi phỏng vấn, và sẽ giải đáp xem liệu không có mối quan hệ có bất lợi khi tìm việc không, thử việc có giống với khi sinh viên đi thực tập không?
1. Không có mối quan hệ có bất lợi khi tìm việc không?
Nghe đồn là tìm việc khó lắm, ra trường muốn xin việc phải có mối quan hệ, phải có người quen giới thiệu. Liệu điều đó có thật không, nếu không có mối quan hệ có bất lợi khi tìm việc không? Có mối quan hệ, được người quen giới thiệu khi tìm việc là 1 lợi thế, họ sẽ nói tốt về mình, để HR nắm được những điểm mạnh và có thiện cảm hơn trước khi phỏng vấn, nhưng đó không phải yếu tố tiên quyết để lựa chọn ứng viên. Công ty sẽ chọn ứng viên theo năng lực, ai vững kiến thức, thạo nhiều kỹ năng mềm & có kinh nghiệm phù hợp với công việc thì mới được nhận, chứ không phải chỉ cần có mối quan hệ là auto sẽ được chọn, sẽ tìm được việc làm.
Nếu không có mối quan hệ, sinh viên mới ra trường vẫn có thể tự lực cánh sinh, viết CV chuẩn chỉnh, đi phỏng vấn tự tin show ra các điểm mạnh, thì vẫn có nhiều cơ hội tìm được việc làm, được công ty nhận vào làm việc. Chỉ khi các em có năng lực không tốt, học lực kém, ra trường không nắm vững kiến thức, thiếu tự tin khi phỏng vấn, thì mới bất lợi khi xin việc, mới phải chật vật trong quá trình tìm việc làm. Tóm lại, mối quan hệ sẽ giúp thuận lợi hơn trong bước đầu tìm việc, giúp tiếp cận với HR tốt hơn, nhưng mấu chốt vẫn nằm ở năng lực của mình, sinh viên hãy cố gắng học tốt để có năng lực vững vàng nhé.
2. Câu hỏi về kỹ năng thuyết trình thường gặp khi tìm việc
Thuyết trình là kỹ năng mềm quan trọng khi đi làm, giúp bạn tự tin trình bày những ý tưởng, sáng kiến, kế hoạch và báo cáo, tăng khả năng hoàn thành tốt công việc và được cấp trên trọng dụng. Khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra các câu hỏi để đánh giá về kỹ năng thuyết trình, đây là7 câu hỏi thường gặp:
- Kỹ năng thuyết trình quan trọng thế nào?
- Theo bạn, như thế nào là thuyết trình tốt?
- Các lỗi sai nào cần tránh khi thuyết trình?
- Bạn có tự tin về kỹ năng thuyết trình không?
- Làm sao để nâng cao kỹ năng thuyết trình?
- Đồng nghiệp thuyết trình chưa tốt thì sao?
- Giao tiếp hay thuyết trình quan trọng hơn?
>> Cách dùng Canva làm slide thuyết trình nhanh gọn lẹ
3. Những dấu hiệu cho thấy bạn có khả năng đậu phỏng vấn
Đậu phỏng vấn không phải chuyện hên xui, cũng không phải do có mối quan hệ thì sẽ tìm được việc làm, mà nhà tuyển dụng có các tiêu chí cụ thể để đánh giá. Mỗi ứng viên cũng có thể check xem mình có khả năng đậu phỏng vấn hay không qua 12 dấu hiệu sau:
- Đến buổi phỏng vấn đúng giờ;
- Trang phục chỉnh tề khi đi phỏng vấn;
- Đáp ứng tốt yêu cầu trong mô tả công việc;
- Trả lời tốt câu hỏi về kinh nghiệm làm việc;
- Chứng minh được mình đã vững kiến thức;
- Trả lời phỏng vấn có dẫn chứng cụ thể;
- Trả lời phỏng vấn tự tin & lưu loát;
- Chứng minh được khả năng teamwork;
- Không ngại khi kể về thất bại, điểm yếu;
- Xử lý tốt câu hỏi tình huống khi phỏng vấn;
- Thể hiện tinh thần cầu tiến, ham học hỏi;
- Yêu thích công việc & muốn gắn bó lâu dài.
4. Thử việc có giống với khi đi thực tập không?
Đi thực tập giúp sinh viên làm quen với công việc & học hỏi được nhiều điều, khi ra trường đi làm, nghe đồn rằng phải thử việc trước, thì nhiều bạn thắc mắc rằng thử việc có giống với thực tập không? Sinh viên năm cuối có 3 tháng thực tập để tiếp xúc công việc thực tế, ứng dụng kiến thức đã học vào công việc, không có áp lực gì quá nhiều, công ty cũng không kỳ vọng nhiều ở thực tập sinh. Lương cho thực tập sinh cũng chỉ ở mức hỗ trợ, tầm 3 triệu/tháng, thậm chí nhiều bạn sẵn sàng thực tập không lương để có cơ hội được học hỏi, trau dồi, tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân.
Thử việc thường kéo dài 2 tháng, để công ty kiểm tra, đánh giá xem ứng viên có phù hợp không, có đủ năng lực và làm tốt công việc như đã nói khi phỏng vấn không, mỗi khi qua công ty mới là phải thử việc lại. Lương thử việc sẽ tầm 85% lương chính thức, cao hơn so với lương thực tập, vì lúc này đã đi làm rồi, dù gọi là “thử việc” nhưng công việc phải làm khá căng, chứ không phải sinh viên đi học hỏi/thực tập nữa.
Bài viết này đã giải đáp được nhiều vấn đề xoay quanh chuyện các câu hỏi thường gặp về kỹ năng thuyết trình khi đi phỏng vấn, dấu hiệu đậu phỏng vấn, mối quan hệ khi tìm việc và sự khác nhau giữa thử việc & thực tập. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.