Mệnh đề quan hệ (Relative clause) là một chủ điểm trong ngữ pháp Tiếng Anh mà chúng ta đã được học từ cấp 2, cấp 3, có thể bạn đang thấy rằng sao nghe nó quen lắm, nhưng cố nhớ thì cũng chưa nhớ rõ được, và đang muốn ôn luyện lại phần này, vậy thì hãy cùng Tự Tin Vào Đời tìm hiểu lại xem mệnh đề quan hệ là gì, kèm theo cấu trúc, cách dùng và rút gọn trong bài viết này nhé!
Mệnh đề quan hệ trong Tiếng Anh là gì?
Mệnh đề quan hệ (Relative clause) là một mệnh đề phụ nhằm bổ nghĩa cho danh từ/cụm danh từ trong mệnh đề chính trong Tiếng Anh. Thật ra nó cũng có cấu trúc đầy đủ như 1 câu hoàn chỉnh, có chủ ngữ, động từ, và nhiều khi nhìn về độ dài, số từ trong câu thì có khi còn dài hơn cả mệnh đề chính, nhưng hãy nhớ rằng nó chỉ là mệnh đề phụ thôi, bạn cần phải phân biệt được điều này. Trong Tiếng Anh, mệnh đề quan hệ là chủ điểm ngữ pháp được sử dụng rộng rãi trong cả văn viết lẫn văn nói, tức là khi nói chuyện giao tiếp hàng ngày vẫn được dùng khá phổ biến, vì thế, nếu bạn đang trong quá trình luyện thi TOEIC/IELTS hay học giao tiếp Tiếng Anh thì nên dành thời gian ôn luyện thành thạo về mệnh đề quan hệ.
Dùng mệnh đề quan hệ relative clause để làm gì?
Sau khi tìm hiểu mệnh đề quan hệ trong Tiếng Anh là gì, thì chắc hẳn bạn cũng đã nắm được mục đích khi sử dụng nó, đó chính là để bổ nghĩa cho danh từ/cụm danh từ trong mệnh đề chính. Thông thường, các tính từ sẽ có vai trò bổ nghĩa trực tiếp cho danh từ, giúp làm rõ nghĩa hơn cho các danh từ trong câu, tuy nhiên, có những ngữ nghĩa mà thật sự tính từ sẽ chưa phát huy được vai trò của nó, nếu chỉ dùng tính từ thì chưa làm rõ được hết những gì người nói/viết muốn truyền đạt về danh từ, chính vì thế nên mệnh đề quan hệ đã ra đời & được ứng dụng rộng rãi.
Để dễ hiểu hơn, bạn có thể hình dung theo ví dụ sau đây:
- She is wearing the pink dress (cô ấy đang mặc chiếc váy màu hồng)
Tính từ pink bổ nghĩa cho danh từ dress một cách khá đơn giản, dễ dàng, tuy nhiên, bây giờ muốn miêu tả rõ hơn rằng chiếc váy đó được mẹ của cô ấy mua cho thì sao? Đâu có tính từ nào diễn tả được rõ nghĩa, vậy thì bây giờ chúng ta cần dùng mệnh đề quan hệ như sau:
- She is wearing the pink dress which is bought by her mother (cô ấy đang mặc chiếc váy màu hồng mà được mua bởi mẹ của cô ấy)
Phân loại mệnh đề quan hệ xác định/không xác định
Mệnh đề quan hệ có 2 loại chính sau đây:
- Mệnh đề quan hệ xác định: Bắt buộc phải có, nếu không thì câu sẽ không có nghĩa, sẽ khó hiểu, lúc này không cần dùng dấu phẩy nào để ngăn cách giữa nó với mệnh đề chính (The picture which/that is drawn by Lan is very beautiful -> Bức tranh cái mà được vẽ bởi Lan rất đẹp)
- Mệnh đề quan hệ không xác định: Dùng để bổ sung thêm nghĩa, nếu không có nó cũng không sao, mọi người vẫn sẽ hiểu được nghĩa của mệnh đề chính, lúc này cần có dấu phẩy để ngăn cách với mệnh đề chính (Nam, who wears the blue shirt, is my friend -> Nam, người mà mặc chiếc áo xanh, là bạn tôi)
>> Công thức & cách phân biệt 3 loại câu điều kiện IF trong Tiếng Anh
Cách dùng mệnh đề quan hệ Which, Who, Whom, Whose, That
- Which: Cái mà (chỉ vật/sự việc là chủ ngữ hoặc tân ngữ)
-> I like the pen which is bought by my mom (tôi thích cây bút mà được mua bởi mẹ tôi)
-> The book which you give me is good (quyển sách mà bạn đưa tôi tốt đó), nghĩa là bạn give me the book -> đó là tân ngữ. - Who: Người mà (chỉ người là chủ ngữ)
-> I like the singer who performed yesterday (tôi thích người ca sĩ mà biểu diễn hôm qua) - Whom: Người mà (chỉ người là tân ngữ)
-> The man whom you mentioned can play guitar (người đàn ông mà bạn đã nhắc tới có thể chơi ghi ta), nghĩa là bạn mentioned the men -> đó là tân ngữ. - Whose/Of which: Của mà (chỉ sự sở hữu)
-> Nam likes a girl whose name is Lan (Nam thích một cô gái mà tên của cô ấy là Lan) - That: Cái/người mà (dùng để thay cho which/who/whom, không dùng khi đứng sau dấu phẩy)
-> The book that you give me is good (quyển sách mà bạn đưa tôi tốt đó)
-> I like the singer that performed yesterday (tôi thích người ca sĩ mà biểu diễn hôm qua)
-> The man that you mentioned can play guitar (người đàn ông mà bạn đã nhắc tới có thể chơi ghi ta)
Cách rút gọn mệnh đề quan hệ đơn giản & dễ hiểu
Có những lúc mà mệnh đề quan hệ để nguyên bản sẽ không cần thiết, và hơi dài dòng, nên để ngắn gọn hơn thì người ta sẽ thường rút gọn nó lại, lược bỏ luôn các đại từ quan hệ theo các cách sau:
- Mệnh đề quan hệ dạng chủ động: Bỏ đại từ quan hệ, bỏ luôn be (nếu có), đổi động từ thành Ving
-> I like the singer who performed yesterday -> I like the singer performing yesterday - Mệnh đề quan hệ dạng bị động: Bỏ đại từ quan hệ, bỏ luôn be, để lại động từ ở dạng V3/ed
-> I like the pen which is bought by my mom -> I like the pen bought by my mom
Đây cũng là dạng câu có thể xuất hiện trong đề thi TOEIC/IELTS, thường đề bài sẽ cho thẳng dạng mệnh đề quan hệ sau khi rút gọn, bạn phải tự nhận diện được rằng câu đó đang ở dạng mệnh đề quan hệ đã rút gọn để làm bài một cách chính xác nhất. Hoặc cũng có thể đề bài sẽ chừa trống ở chỗ động từ, để bạn tìm xem nên điền động từ ở dạng nào cho phù hợp (Ving hay V3/ed), tương ứng với các nghĩa chủ động/bị động.
Bài viết này đã giúp bạn nắm được chủ điểm ngữ pháp liên quan tới mệnh đề quan hệ trong Tiếng Anh, nắm được phân loại, cách dùng & cách rút gọn đơn giản, dễ hiểu. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.