Điểm rèn luyện luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của tân sinh viên, đây là mức điểm ảnh hưởng tới học bổng khuyến khích học tập, để xét danh hiệu sinh viên 5 tốt, và có khả năng ảnh hưởng tới xếp loại tốt nghiệp khi ra trường nữa. Để đạt điểm rèn luyện cao, thì sinh viên cần phân biệt được giữa 2 mảng là học thuật & phong trào, chúng ta sẽ cùng làm rõ trong bài viết này nhé!
Sơ lược điều cần biết về điểm rèn luyện
Điểm rèn luyện sẽ được tính từ học kỳ đầu tiên cho tới học kỳ cuối cùng, mỗi học kỳ đều sẽ có tính điểm một cách tách biệt với nhau, điểm rèn luyện sẽ được reset tính lại từ đầu sau mỗi học kỳ. Ví dụ như học kỳ 1 có thể sinh viên đạt được điểm rất cao, chẳng hạn như là 80 điểm rèn luyện luôn, nhưng mà sang học kỳ 2 các em không cố gắng tham gia nhiều hoạt động, không tham gia nhiều phong trào trong trường, thì điểm rèn luyện trong học kỳ 2 sẽ bị thấp xuống, còn khoảng tầm 65 hay là 70 thôi, rồi tới học kỳ 3 nếu sinh viên muốn gỡ gạc lại thì có thể cố gắng lại từ đầu, nhiều khi hoàn toàn có thể đạt được mức 85-86 điểm luôn.
Điểm rèn luyện của mỗi học kỳ sẽ cùng với điểm trung bình học kỳ làm cơ sở để quyết định học bổng khuyến khích học tập của sinh viên trong học kỳ đó, các em nên đạt càng cao càng tốt, tối thiểu nên trên 80 nếu muốn săn học bổng. Ngoài ra, một số trường đại học cũng quy định rằng điểm rèn luyện chung của 4 năm đại học (tính trung bình cộng các kỳ) sẽ là cơ sở để đánh giá xếp loại tốt nghiệp của sinh viên, thường sẽ là từ 70 trở lên sẽ ok. Còn nếu trường các em không ràng buộc về điểm rèn luyện để đánh giá xếp loại tốt nghiệp, thì sinh viên vẫn nên tích cực tham gia các phong trào, cuộc thi trong trường trên tinh thần tự nguyện, vì chúng sẽ là những trải nghiệm, giúp các em học thêm được nhiều điều hữu ích cho bản thân.
>> Sinh viên bị trừ điểm rèn luyện có sao không?
Phân biệt điểm rèn luyện học thuật & phong trào
Sinh viên cần tích cực tham gia các hoạt động, phong trào, cuộc thi trong trường để được cộng điểm rèn luyện, càng tham gia nhiều thì càng tăng được nhiều điểm. Tuy nhiên, để tối ưu điểm rèn luyện thì sinh viên cần hiểu rõ và phân biệt được điểm rèn luyện học thuật & phong trào, sẽ phải cân đối tham gia sao cho đồng đều giữa 2 bên, vì sẽ có mức điểm rèn luyện tối đa là 20 cho bên phong trào, 20 cho bên học thuật, nếu tham gia nhiều hơn thì cũng sẽ không được cộng thêm, vì tối đa cũng chỉ có 20 điểm thôi, nếu full rồi thì cho dù có tham gia thêm nhiều cách mấy cũng không được cộng điểm nữa.
Chẳng hạn như có trường hợp sinh viên rất tích cực tham gia hoạt động, nhưng không phân biệt được rằng hoạt động nào bên học thuật, cuộc thi nào bên phong trào, thì cuối cùng điểm rèn luyện lại không cao bằng một bạn khác, dù bạn đó tham gia ít hơn, nhưng phân bổ đồng đều cho 2 bên, thì lại tối ưu điểm rèn luyện hơn. Với các hoạt động, cuộc thi do CLB/Đội/Nhóm tổ chức, thì CLB đó bên học thuật hay phong trào, nếu bên học thuật thì tất cả hoạt động của họ tổ chức sẽ tính điểm rèn luyện bên học thuật, và ngược lại. Còn với các hoạt động, cuộc thi do khoa và trường tổ chức thì sinh viên cứ hỏi kỹ trước khi tham gia, để mình cân đối và tối ưu được điểm rèn luyện cho cả 2 mảng học thuật và phong trào.
Có thể đối với tân sinh viên thì điều này nó khá lạ lẫm, nhưng mà sau khi các em trải qua 1 học kỳ đầu tiên, chính các em rơi vào trường hợp là sao thấy mình cũng năng nổ tham gia nhiều hoạt động, mà cuối cùng điểm rèn luyện lại không cao, rồi nhìn lại mới chợt phát hiện ra mình toàn tham gia vào những hoạt động ở bên học thuật, không tham gia vào những cuộc thi, phong trào gì bên mảng phong trào, nên cuối cùng đâm ra điểm không cao, thì tự khắc mình sẽ hiểu, sẽ ghi nhớ và tự rút kinh nghiệm sâu sắc trong các học kỳ tiếp theo.
Đây là lưu ý để sinh viên phân biệt điểm rèn luyện học thuật & phong trào để tối ưu điểm, tránh rơi vào trường hợp đáng tiếc rằng mình tích cực tham gia hoạt động nhưng cuối cùng điểm lại không cao, chứ không khuyến khích sinh viên tính toán chi li, kén chọn loại hoạt động, rồi chỉ tham gia hoạt động với mục đích lấy điểm rèn luyện cho cao, trong khi bản thân lại không hứng thú. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Điểm rèn luyện sai có được khiếu nại không, thủ tục thế nào?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.