Phương Pháp Làm Khoá Luận Tốt Nghiệp Đạt Kết Quả Tốt

Từ đầu năm đến giờ có nhiều bé inbox hỏi cách làm khoá luận tốt nghiệp và cũng muốn anh viết một bài chia sẻ cụ thể nhưng mà anh chưa có thời gian để viết, để nợ tới tận bây giờ, hy vọng vẫn còn kịp và giúp ích được nhiều cho bài luận của tụi em nha.

1. Giáo viên hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp

Quyết định 30-40% điểm số của mình, bao gồm sự hướng dẫn, góp ý của giáo viên cho bài của mình cũng như việc mình giao tiếp, cho giáo viên thấy mình biết lắng nghe và tiếp thu tốt những góp ý từ giáo viên. Giáo viên mỗi người có một phong cách riêng nhưng đều có những quy tắc nhất định, hãy ghi lại đầy đủ các quy tắc mà giáo viên đã dặn rồi tuân thủ đúng theo chúng, đặc biệt là nộp bài, nộp các bản nháp đúng deadline. Cách nói chuyện với giáo viên cũng rất quan trọng, mình phải lễ phép, hỏi bài thì cũng có đầu có đuôi, hỏi theo kiểu phần này em triển khai ý như vầy đúng không ạ, chứ không phải theo kiểu em không biết phần này nên ghi những ý nào (tránh việc giáo viên nghĩ mình ỷ lại, không chịu tìm hiểu kỹ vấn đề, không chịu động não).

2. Bản thân mỗi người

Bản thân mỗi người quyết định 60-70% điểm số khi làm khoá luận tốt nghiệp, bao gồm kiến thức, cách áp dụng kiến thức vào thực tế, kỹ năng tìm hiểu và phân tích vấn đề, kỹ năng viết để truyền tải ý, nội dung, cách trình bày bài khóa luận và quan trọng nhất là sự quyết tâm, tâm huyết và thời gian mình dành để làm bài khóa luận này lớn tới đâu. Và tới đây thì tụi em cũng nên nhớ rằng dù chẳng may gặp phải giáo viên khó thì cũng đừng nản chí nhé, vì chính mình mới là người quyết định phần lớn điểm số của mình, mà nhiều khi gặp giáo viên khó, yêu cầu bài làm phải hoàn hảo thì mình sẽ nghiêm túc và đầu tư nhiều cho bài làm hơn, dẫn tới điểm số cũng cao hơn. Như anh là một ví dụ, còn cụ thể trường hợp của anh mà bạn nào chưa biết thì inbox anh kể cho nhé.

3. Đề tài làm khoá luận tốt nghiệp

Nên chọn đề tài là thế mạnh của mình và trên mạng cũng có nhiều bài về đề tài này để tiện tham khảo, đồng thời, đề tài phải đi đúng vào vấn đề mà công ty đang gặp phải để từ đó đưa ra được các giải pháp đúng đắn và hiệu quả nhất cho cty, tránh việc chọn đề tài mà có quá ít đất để diễn và cũng ít đóng góp được gì cho công ty.

4. Cách tìm tài liệu tham khảo

Tài liệu tốt nhất và đáng tin cậy nhất để làm khoá luận tốt nghiệp là sách giáo trình, slide bài giảng của các môn liên quan đến đề tài. Nếu sách chưa có đủ những gì mình cần thì google bằng đủ loại từ khóa liên quan để tìm các bài khóa luận, bài báo, bài nghiên cứu liên quan nhiều đến đề tài của mình. Đối với cơ sở lý thuyết thì search thẳng từ khóa về cái lý thuyết mình muốn tìm luôn, nên tham khảo 2-3 trang để xác thực thông tin và độ tin cậy của thông tin trước khi đưa nó vào cơ sở lý thuyết. Nhớ là tài liệu tham khảo thì công dụng chính của nó chỉ là tham khảo, mình chắt lọc những ý hay, ý đúng để viết lại theo cách của mình chứ không phải là sao chép và lấy y chang nội dung từ những bài đó (trừ những định nghĩa).

5. Hình thức khoá luận tốt nghiệp

Hình thức có thể chiếm đến 30% điểm số khi làm khoá luận tốt nghiệp, vì trình bày đẹp, rõ ràng, ý nào ra ý đó, phần nào ra phần đó theo một trình tự rõ ràng thì sẽ rất dễ lấy được cảm tình từ giáo viên. Cấu trúc một bài khóa luận anh có post file trong group này (đề tài anh về giải pháp marketing online nên em nào làm đề tài khác thì nhớ sửa lại đôi chút cho nó phù hợp đề tài mình). Theo đúng cấu trúc đó, cộng với việc trình bày bài viết cho đẹp (nếu chưa giỏi về word như đánh số trang, header footer, headings, mục lục, sections,… thì nên kiếm bạn nào biết làm để giúp mình) và in ấn cẩn thận (giấy tốt, đóng bìa này nọ theo đúng yêu cầu giáo viên) thì đã thành công đến 99% về mặt hình thức của bài luận rồi.

6. Nội dung khoá luận tốt nghiệp

Thường sẽ gồm phần cơ sở lý thuyết, thực trạng công việc (bao gồm cả việc giới thiệu công việc) và phần đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến đề tài mà công ty đang gặp phải. Đối với phần cơ sở lý thuyết, tụi em chỉ cần tham khảo từ các bài luận đã có sẵn trên mạng (tài liệu tham khảo nên chỉ tham khảo thôi nhé) và bổ sung thêm một số lý thuyết mà mình tự thấy là có liên quan đến đề tài mình. Đối với phần thực trạng, đầu tiên, các em phải thật sự trải nghiệm công việc tại công ty trong khoảng 7-10 ngày để nắm bắt tình hình kinh doanh của công ty, tình hình phòng ban mà mình đang thực tập, những vấn đề nào công ty đang gặp phải và có thể đưa vào đề tài của mình, những thông tin nào liên quan đến đề tài mà mình chưa biết, mình có thể liên hệ phòng ban nào hoặc ai có thể cho mình biết những thông tin đó… Tóm lại là thu thập thông tin.

Tiếp theo các em sẽ viết nháp ra tất cả thông tin mình tìm và hỏi được, không cần theo đúng thứ tự gì cả, cũng chưa cần viết câu cú đầy đủ, chỉ cần làm cho cái bản nháp thông tin đó càng lúc càng nhiều thông tin bổ ích. Sau đó các em dựa vào cái dàn bài của mình + các tài liệu tham khảo đã tìm được để viết thành từng phần hoàn chỉnh, đưa các ý đã tìm được vào đúng phần của nó, viết chi tiết và phân tích sâu hơn, phần nào chưa có thông tin hoặc ít thông tin thì cứ bỏ qua, cho các ý khác vào phần khác trước rồi sau này sẽ tìm thêm thông tin để lấp vào sau, tránh trường hợp vừa viết vừa tìm thông tin sẽ bị rối và mau nản vì có cảm giác sao có một phần làm hoài chưa xong trong khi phía sau còn nhiều phần khác nữa. Nó cũng giống giống việc mình sửa soạn trước khi đi du lịch, đầu tiên soạn lên danh sách những gì liên quan đến chuyến đi mà mình cần mang theo, rồi bắt đầu đi tìm chúng, lỡ có cái tìm hoài không ra thì bỏ qua để tìm cái tiếp theo rồi xong cuối cùng mới quay lại tìm cái đó hoặc bí quá thì đi mượn hoặc đi mua.

Còn đối với phần giải pháp thì tụi em đưa ra dựa trên các cơ sở lý thuyết đã tìm được để đề xuất giải pháp, cố gắng viết sao cho người ta thấy giải pháp của mình là đúng, có cơ sở rõ ràng và giúp công ty giải quyết được nhiều vấn đề. Khi viết xong các giải pháp, tụi em nên đưa cho đồng nghiệp hoặc sếp trong công ty mình xem trước và tiếp thu các góp ý từ họ trước khi gửi cho giáo viên hướng dẫn xem nhé, vì họ là người trực tiếp làm việc và đối mặt với các vấn đề đó suốt một thời gian dài nên nhận xét của họ rất quan trọng đấy.

7. Cách làm khoá luận tốt nghiệp điểm cao

Tụi em nên kiếm bạn cùng làm khoá luận tốt nghiệp chung, tốt nhất là bạn đó cùng giáo viên hướng dẫn luôn, không phải là cùng làm bài giống nhau mà đơn giản là cùng ngồi 1 chỗ để có tinh thần làm bài, mình lười thì nó nhắc mình, với có gì không hiểu thì hỏi nhau. Rồi khi mình viết xong một số phần trong bài mà không biết có ổn chưa thì đưa nó đọc để nó góp ý, yên tâm vì cho dù có làm đề tài cùng 1 mảng nhưng mỗi đứa 1 công ty thì cũng chẳng thể làm giống nhau được đâu. Chứ nhiều khi không có ai check cho mình, tới khi nộp mà bị sai mấy cái cơ bản hoặc diễn đạt dài dòng lủng củng thì sẽ để lại ấn tượng xấu đối với giáo viên hướng dẫn. Địa điểm làm bài cũng khá quan trọng, nơi làm bài lý tưởng không phải ở nhà, cũng không phải ở trường, vì ở nhà rất khó để tập trung, ở trường thì cứ thấy giống đang đi học với lại cũng không thoải mái nên tốt nhất là chọn một quán nước yên tĩnh, có không gian riêng, mát mẻ để tha hồ sáng tạo, vì làm khóa luận sẽ đánh máy trên laptop nên nhớ chọn quán có ổ cắm và wifi tốt để thuận lợi trong việc tìm tài liệu tham khảo.

>> Bí quyết tìm chỗ thực tập để làm khoá luận tốt nghiệp


Anh trình bày vậy không biết đã đủ chưa, có gì cần hỏi thêm tụi em cứ hỏi anh nha. Chúc tụi em hoàn thành khóa luận thật tốt và đạt kết quả cao nhé.

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe 


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

4 Tác Hại Khôn Lường Khi Thụ Động Trong Việc Học

Sinh Viên Có Nên Tham Gia Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Không?

5 Việc Làm Thêm Thời Vụ Dịp Hè Cho Sinh Viên