Học Lực Không Tốt Thì Thất Nghiệp, Lương Thấp, Xấu Hổ?

Không ít sinh viên có học lực không tốt đang rất lo lắng cho tương lai của mình, sợ xin việc không nơi nào nhận, hoặc chỉ có thể xin vào làm ở những công ty nhỏ, phải làm trái ngành với mức lương rất thấp,… Chưa kể tới việc xấu hổ với gia đình, người thân, bạn bè vì công việc của mình chẳng bằng ai.

Anh sẽ không khuyên các em nên cố gắng hơn, chăm chỉ hơn. Tất nhiên học giỏi thì sẽ có nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, cánh cửa nghề nghiệp không đóng lại với những bạn có học lực không tốt. Vậy các em cần phải làm gì để có được một công việc phù hợp mong muốn của bản thân?

1. Phải chú trọng các môn chuyên ngành

Với 4 năm đi làm, anh chắc chắn những gì được học trên ghế nhà trường khác nhiều so với thực tế khi đi làm. Anh làm marketing thì chỉ ứng dụng được 50% kiến thức từ các môn chyên ngành vào công việc, và áp dụng các phép tính toán cơ bản để phân tích số liệu. Còn lại các môn học khác chẳng mấy liên quan đến công việc, lúc đi phỏng vấn cũng chẳng ai hỏi về các môn học trái ngành cả.

Vậy nên nếu điểm trung bình của mình không cao, các em có thể không ghi vào CV. Còn lúc phỏng vấn cứ tự tin chia sẻ những kiến thức mình đã học được từ các môn chuyên ngành. Cơ hội trúng tuyển sẽ rất cao nếu nhà tuyển dụng thấy được niềm đam mê với chuyên ngành thông qua những gì em chia sẻ về các môn học ấy.

2. Đi làm thêm hoặc tham gia hoạt động Đoàn / Hội / CLB / Đội / Nhóm

Kỹ năng và kinh nghiệm chiếm tới 50% kết quả phỏng vấn. Một sinh viên với học lực không tốt nhưng có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến công việc thì vẫn có nhiều cơ hội trúng tuyển.

Thông qua việc đi làm thêm hoặc tham gia hoạt động Đoàn/Hội/CLB/Đội/Nhóm, các em sẽ tích luỹ được nhiều kỹ năng cần thiết như giao tiếp, đàm phán, làm việc nhóm, lãnh đạo,…

Vậy còn kinh nghiệm thì lấy ở đâu ra? Đó là kinh nghiệm trong thời gian 3 tháng thực tập, hoặc đơn giản hơn là ngay trong giai đoạn các em tham gia hoạt động Đoàn/Hội/CLB/Đội/Nhóm luôn. Lúc mới ra trường anh có ứng tuyển một vị trí yêu cầu 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing, anh đã có 1 năm năng nổ làm truyền thông, marketing cho các hoạt động của CLB nên đã trúng tuyển. Quan trọng là trong buổi phỏng vấn, mình kể ra được những việc đã làm, những bài học rút ra được, những tình huống khó khăn mà mình đã giải quyết, kết quả mình mang lại cho tập thể,…

>> CLB / Đoàn / Hội hay Đi Làm Thêm?

3. Rèn luyện ngoại ngữ để bù lại học lực không tốt

Một người học tốt chưa chắc sẽ là một nhân viên giỏi, một người học chưa tốt chưa chắc là một nhân viên tệ. Rất nhiều bạn học lực không tốt nhưng giỏi ngoại ngữ đã chứng minh điều đó. Giỏi ngoại ngữ là tấm vé vàng giúp họ trúng tuyển dù kiến thức chuyên môn còn đang chưa tốt.

Thế rồi vào công ty họ được training kiến thức, kỹ năng, được cọ xát với công việc thực tế và hoàn thành tốt công việc của mình. Hãy nhớ rằng người giỏi ngoại ngữ vẫn luôn được các doanh nghiệp Việt Nam ưu ái. Vâng, một trong những hướng đi phù hợp cho sinh viên có kết quả học tập không cao chính là rèn luyện thêm ngoại ngữ.

Nhiều sinh viên ra trường vẫn chưa vội tìm một công việc, họ dành thời gian học thêm ngoại ngữ, học các chứng chỉ chuyên ngành để làm hồ sơ của mình đẹp hơn, sau 6 tháng tới 1 năm, họ sẽ dễ dàng ứng tuyển vào các vị trí tốt, thậm chí là trong cả những công ty nước ngoài. Nghe có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện được thì không dễ chút nào, mình phải thật sự quyết tâm, tập trung học (điều này khá khó đối với những bạn trước giờ chưa tập trung nhiều cho việc học), hơn nữa, nhìn những đứa bạn cùng lớp làm việc này việc nọ trong khi mình lại ngồi học cũng khiến nhiều bạn bỏ cuộc giữa chừng. Hãy nhớ dù gì đi nữa cũng đừng nản chí nhé các em!

>> Lỡ mất căn bản Tiếng Anh rồi phải làm sao?


Nếu các em đọc bài này khi còn là sinh viên năm 1, năm 2 thì xin chúc mừng, các em còn nhiều thời gian để cố gắng. Còn sinh viên năm 3, năm 4, các em phải chạy ngay thôi, còn nước còn tát. Cố gắng lên nhé!

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe 


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

3 Cách Giúp Bạn Có Các Mối Quan Hệ Chất Lượng

3 Sai Lầm Khi Quản Lý Thời Gian Sinh Viên Dễ Mắc Phải

4 Mục Tiêu Mà Sinh Viên Năm Cuối Cần Đạt Được