Rớt môn ảnh hưởng thế nào tới việc tốt nghiệp là điều sinh viên nên biết và nhất định phải biết. Nếu không tìm hiểu kỹ, rồi chủ quan về chuyện bị rớt môn, thì sớm muộn gì sinh viên cũng phải hối hận, giá như ngày xưa mình học tốt hơn, không để bị rớt môn quá nhiều… Nhiều luồng thông tin nói rằng rớt môn sẽ khiến sinh viên bị trễ tốt nghiệp, điều đó có thật không? Hay cụ thể hơn, rằng rớt môn ảnh hưởng thế nào tới việc tốt nghiệp, ngoài rớt môn thì còn các hệ luỵ nào khác? Hãy cùng làm rõ ngay trong bài viết này và đừng bỏ qua lưu ý quan trọng ở cuối bài viết!
>> Rớt môn, điểm kém – Làm thế nào để lội ngược dòng?
Rớt môn khiến sinh viên bị trễ tốt nghiệp?
Có thể các em đang cầu mong câu trả lời là không, đây chỉ là một tin đồn bậy bạ, nhưng đó lại là sự thật, là FACT, rớt môn hoàn toàn có thể khiến sinh viên bị trễ tốt nghiệp, phải ra trường trễ hơn 1-2 năm so với bạn bè cùng trang lứa. Khi các bạn ấy đã ra trường đi làm, thì mình vẫn phải ngồi trên giảng đường đại học để trả nợ môn, chưa hoàn thành xong chương trình học, chưa tích luỹ đủ tín chỉ để được tốt nghiệp.
Hiểu đơn giản thì khi sinh viên bị rớt môn sẽ tính là nợ môn, và phải học lại từ đầu toàn bộ buổi học để trả nợ môn đó, tới khi các em đủ điểm để qua môn thì mới xong, chứ để rớt tiếp thì phải học lại tiếp. Việc này đương nhiên sẽ tiêu tốn nhiều thời gian của sinh viên, nhất là khi các em bị rớt quá nhiều môn, học lại không kịp để ra trường đúng hạn, khiến tiến độ học tập bị chậm và kéo theo việc trễ tốt nghiệp. Đừng chủ quan cho rằng rớt môn ở kỳ này thì học bù lại vào kỳ sau là xong, vẫn ra trường kịp, vì thực tế khối lượng kiến thức ở đại học sẽ rất nhiều, rất nặng, học đủ môn/mỗi kỳ thôi cũng đã vất vả rồi, mà còn phải học lại thêm 1-2 môn cho mỗi kỳ, đưa tổng kiến thức phải thu nạp lên nhiều hơn bình thường, thì điều đó không khả thi, nhất là với những bạn có học lực chưa tốt, đã từng bị rớt môn khá nhiều lần.
Nếu không muốn đối mặt với rủi ro bị trễ tốt nghiệp, sinh viên hãy chăm chỉ hơn, nghiêm túc hơn trong việc học ngay từ bây giờ nhé, dù môn học khó nhưng khi cố gắng thì các em vẫn sẽ vượt qua. Còn bạn nào vẫn thấy bình thường, chưa sợ chuyện bị rớt môn, thì cùng theo dõi thêm các hệ luỵ khác trong phần tiếp theo.
>> 4 bất lợi khi xin việc nếu sinh viên tốt nghiệp ra trường trễ
Các hệ luỵ khôn lường khi sinh viên bị rớt môn
Không chỉ trễ tốt nghiệp, mà rớt môn học lại quá 5% tổng số tín chỉ của chương trình học cũng khiến sinh viên bị hạ bằng tốt nghiệp, từ xuất sắc xuống giỏi, từ giỏi xuống khá, gây bất lợi khi ra trường xin việc. Nhiều bạn sinh viên đã ân hận vì không sớm biết điều này để hạn chế chuyện rớt môn, tự dưng cố gắng học đạt điểm cao, xong cuối cùng lại bị hạ bằng, uổng phí công sức cả 4 năm đại học. Đương nhiên, chuyện bị hạ bằng từ giỏi xuống khá cũng khiến sinh viên ra trường với kết quả học lực không tốt, chỉ ở mức khá, gây nhiều bất lợi khi xin việc so với những bạn tốt nghiệp đại học loại giỏi. Trong vòng CV, các bạn tốt nghiệp loại khá sẽ ít cơ hội hơn loại giỏi, rồi tới vòng phỏng vấn, các bạn chưa nắm vững kiến thức (do rớt môn nhiều lần, không tập trung học) thì cũng khó lòng được công ty chọn vào làm việc.
Khi bị rớt môn phải học lại, thì gánh nặng tài chính cũng đè thêm lên vai của phụ huynh, học lại 1 môn sương sương cũng 1-2 triệu, bao nhiêu môn thì nhân lên bấy nhiêu lần. Với các trường đại học theo chương trình quốc tế, học phí còn cao hơn con số trên rất nhiều, có thể lên tới hàng chục triệu/môn. Rớt môn nhiều lần cũng khiến sinh viên tự ti về năng lực bản thân, cho rằng mình yếu kém, bất tài vô dụng, nhất là khi thường xuyên bị phụ huynh trách mắng về kết quả học, so sánh với bạn bè, với con nhà người ta, điều này kéo dài sẽ dễ dẫn tới trầm cảm và nhiều hệ quả khôn lường khác.
Tóm lại, khi lỡ bị rớt môn 1 lần, thì đó đã là hồi chuông cảnh tỉnh để sinh viên cần ngay lập tức học hành đàng hoàng, nghiêm túc, chăm chỉ hơn. Các em đừng chủ quan, đừng để chuyện rớt môn lặp lại, vì càng rớt nhiều thì hệ quả kéo theo sẽ càng nghiêm trọng, không chỉ liên quan tới việc bị trễ tốt nghiệp, mà còn nhiều điều khôn lường khác. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên bị điểm kém, rớt môn có thông báo cho gia đình không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.