Bạn bè thường sẽ là những người mà chúng ta tin tưởng, mang lại cho mình cảm giác an tâm khi chia sẻ những tâm sự, tâm tư, tình cảm, nhất là khi đó là những người bạn thân thiết lâu năm. Tuy nhiên, không phải tình bạn nào cũng đẹp, cũng bao quanh bởi màu hồng, trên thực tế vẫn có một số trường hợp sinh viên chơi với bạn hết mình, mà bạn chơi lại hết hồn, khiến chúng ta có cảm giác bị phản bội. Vậy sinh viên bị bạn bè chơi xấu thì xử lý thế nào cho khéo?
>> Bạn bè mượn tiền không trả thì phải làm sao để đòi?
Những trường hợp bị bạn bè chơi xấu thường gặp
Sinh viên năm nhất đa phần vẫn còn vô tư, hồn nhiên, cho rằng xung quanh mình đa số sẽ là bạn tốt, sẽ hiếm khi gặp phải những người bạn xấu tính, lợi dụng chơi xấu với mình. Tuy nhiên, các em cần phải sớm cảnh giác, kẻo tự dưng lại bị “sáng mắt ra” mà không kịp trở tay, bởi những trường hợp chơi xấu bạn bè thường gặp sau:
- Bạn bè mượn tiền không trả, đưa ra đủ mọi lý do để trì hoãn, xin khất, nhưng không có thiện chí rằng sẽ trả;
- Bạn bè đem bí mật riêng kể với người khác, không giữ bí mật dù mình đã tin tưởng chia sẻ và dặn trước;
- Bị bạn bè nói xấu sau lưng, đi với người khác thì lôi mình ra chê bai, nói xấu, kể xấu;
- Bị bạn bè dựng chuyện để lừa gạt, bêu xấu, hạ thấp danh dự, uy tín của mình;
- Bạn bè thiếu trung thực, gian dối, không giữ lời hứa, nói được mà không làm được;
- Bị bạn bè lợi dụng lòng tin để trục lợi riêng, chẳng hạn như ăn cắp ý tưởng bài tiểu luận, khóa luận…
Bên cạnh các trường hợp kể trên, thì trong thực tế vẫn tồn tại nhiều trường hợp bị bạn bè chơi xấu khác, muôn hình vạn trạng khác nhau, điều quan trọng là sinh viên phải cố gắng tỉnh táo, cảnh giác khi phát hiện bạn mình có những dấu hiệu bất thường. Vậy lỡ sinh viên đã quá ngây thơ, đã trót dại bị bạn bè chơi xấu thì nên xử lý thế nào cho khéo?
Sinh viên bị bạn bè chơi xấu thì xử lý thế nào cho khéo?
Khi bị bạn bè chơi xấu, chắc chắn cảm giác lúc đó sẽ cực kỳ bực bội, khó chịu, thậm chí có bạn còn hoang mang, chưa thể tin được vào sự thật phũ phàng này, tự dưng lại bị một người bạn bè mình tin tưởng chơi xấu một cách hết sức trắng trợn, bẽ bàng. Lúc đó, một số bạn sinh viên đã không giữ được bình tĩnh, không kiểm soát được bản thân nên đã có những lời nói, hành động phản kháng lại một cách quá mức, chẳng hạn như chửi tục, hăm doạ, “tác động vật lý” với người bạn đã chơi xấu mình, và đó là cách xử lý không khéo, tự biến đúng thành sai, biến mình từ nạn nhân trở thành thủ phạm.
Khi bị bạn bè chơi xấu, điều đầu tiên mà sinh viên cần làm chính là cố gắng giữ bình tĩnh, khi mình bình tĩnh thì mới có được hướng xử lý khéo léo. Sau đó, các em hãy tìm hiểu rõ ngọn ngành sự việc, xem trắng đen thế nào, nguyên nhân do đâu, càng thu thập được nhiều thông tin cụ thể, xác thực, thì mình càng có nhiều cơ sở để lựa chọn cách giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý, vừa đủ cứng rắn để người ta biết sợ, không dám tiếp tục những hành vi tương tự với bạn khác, vừa tránh những cách xử lý thái quá, tự làm xấu hình ảnh của chính mình. Các em nên hẹn gặp bạn ấy một buổi để nói chuyện thẳng thắn, rõ ràng, cho họ nhận thấy đã sai ở đâu, cho họ biết cảm giác khi mình bị chơi xấu thế nào, cách mình dự định sẽ xử lý (có thể là báo với gia đình, ba mẹ, nhà trường để mọi người cùng biết và giải quyết sự việc cho hợp tình, hợp lý) và khuyên bạn không nên tiếp tục những hành vi sai trái như thế, vì nó sẽ không tốt cho tương lai của bạn ấy. Nghe có vẻ lý thuyết và cao thượng, nhưng thật sự đó là cách xử lý vừa đấm vừa xoa một cách khéo léo khi bị bạn bè chơi xấu.
>> Vui thôi đừng vui quá – Bạn bè đùa giỡn quá trớn thì phải làm sao?
Bạn chơi xấu mình có phải bạn tốt không, có chơi được nữa không?
Bên cạnh chuyện xử lý sao cho khéo khi bị bạn bè chơi xấu, thì nhiều sinh viên cũng lăn tăn rằng mình có nên cho bạn ấy một cơ hội để làm lại từ đầu không, bạn chơi xấu mình có phải bạn tốt không, có chơi được nữa không? Câu trả lời còn tuỳ thuộc vào mức độ thân thiết của đôi bên, mức độ nặng/nhẹ của chuyện chơi xấu, và thái độ hối lỗi của người bạn ấy. Chính các em sẽ là người cân đo đong đếm, đặt lên bàn cân để xác định xem mình có nên chuyện cũ bỏ qua, chơi lại từ đầu với người bạn đã chơi xấu mình không, chứ sẽ khó lòng theo một công thức chung nào đó. Nhưng theo quan điểm riêng của anh thì trong trường học/trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều người bạn tốt xung quanh, chỉ là mình chưa tiếp cận, trò chuyện nhiều với họ nên chưa thân thiết thôi. Với anh thì sẽ không chơi lại với những ai đã từng chơi xấu mình, thay vì mất thời gian để hàn gắn với họ, thì anh sẽ tìm kiếm và kết thân với những người bạn mới, nhưng tất nhiên mình cũng cần phải tỉnh táo, chọn lọc kỹ lưỡng để có được những người bạn tốt thật sự, tránh đi vào vết xe đổ cũ của mình.
Cách giúp sinh viên chọn được những người bạn tốt thật sự
Tình bạn đẹp và bền lâu thì cần phải xuất phát từ sự chân thành, quan tâm nhau một cách vô điều kiện, không vụ lợi cá nhân. Chính vì thế, tiêu chí đầu tiên giúp sinh viên chọn được những người bạn tốt thật sự, là nằm ở sự chân thành. Hãy cảm nhận thật kỹ xem liệu trong số bạn bè xung quanh mình, ai là người đủ chân thành, thì sẽ chơi thân với những bạn ấy. Ngược lại, những người bạn khi họ cần mới nhớ tới mình, chẳng hạn như khi ôn thi học kỳ, thấy mình học giỏi nên xin vào nhóm học chung, thì đó chưa chắc là bạn tốt. Bên cạnh đó, các em cũng có thể nhìn vào thái độ, cách hành xử của bạn ấy với những người xung quanh, để đánh giá xem liệu họ có phải một người bạn tốt, cư xử hoà nhã, thân thiện, tốt bụng hay không? Tất nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp khác nhau, sinh viên cần có sự nhìn nhận, chọn lựa kỹ lưỡng để đảm bảo rằng mình có được những mối quan hệ chất lượng, tìm được những người bạn tốt thật sự.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp được băn khoăn rằng bị bạn bè chơi xấu thì xử lý thế nào cho khéo, bạn chơi xấu mình có phải bạn tốt không, có chơi được nữa không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên xử lý làm sao khi bị bạn bè nói xấu sau lưng?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.