Đi Làm Nhận Lương Nhưng Không Mang Lại Nhiều Giá Trị Cho Công Ty Thì Phải Làm Sao?

Có một số người đi làm chỉ cần được nhận lương tháng đều đặn là vui rồi, không quan tâm những chuyện khác. Nhưng cũng có người lại cho rằng đi làm, được công ty trả lương, thì mình cũng phải cố gắng làm việc, đóng góp nhiều giá trị tương xứng với khoản tiền lương được trả, nếu không thì họ sẽ cảm thấy áy náy, cắn rứt lương tâm và có thể nghĩ tới chuyện nghỉ việc vì thấy mình quá tệ. Vậy đi làm nhận lương nhưng không mang lại nhiều giá trị cho công ty thì phải làm sao?

>> Chấm công đầy đủ nhưng không đạt KPI thì có bị trừ lương không?

Giá trị đầu ra mà bạn mang lại cho công ty là gì?

Trước khi nghĩ tới những chuyện sâu xa hơn, thì bạn cần nắm được một điều cơ bản rằng giá trị đầu ra mà bạn mang lại cho công ty là gì? Khi đã xác định được điều đó, thì bạn mới có đủ cơ sở để cân đo đong đến và đánh giá chính xác xem giá trị mình mang lại cho công ty nhiều hay ít, có tương xứng với mức lương được nhận không? Thông thường, các giá trị mà nhân viên đóng góp cho công ty sẽ được quy ra thành tiền, nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp tác động tới dòng tiền của công ty. Chẳng hạn như bạn làm nhân viên kinh doanh, thì rõ ràng giá trị bạn mang lại sẽ là doanh thu, doanh số bán hàng, hoặc một số công ty sẽ tính kỹ hơn bằng tiêu chí lợi nhuận sau khi trừ đi tất cả chi phí. Hoặc nếu bạn là HR, thì tuỳ từng công ty sẽ quy ước giá trị của mỗi vị trí công việc mà bạn tuyển dụng được, chẳng hạn như tuyển được 1 người quản lý sẽ mang lại giá trị tương đương 10 triệu, 1 người nhân viên sẽ mang lại cho công ty giá trị khoảng 5 triệu. Hoặc nếu bạn làm Marketing, thì giá trị đầu ra của bạn thường sẽ là số lượng khách hàng tiềm năng quan tâm và để lại thông tin liên lạc, có càng nhiều khách hàng đăng ký tìm hiểu sản phẩm/dịch vụ, thì càng tăng thêm doanh thu cho công ty.

Làm sao để tính được giá trị mình mang lại cho công ty?

Sau khi xác định được giá trị đầu ra mà bạn mang lại cho công ty là gì, thì bạn hoàn toàn có thể dựa vào đó để tính toán, ước lượng giá trị mà mình mang lại cho công ty. Chẳng hạn như bạn làm nhân viên kinh doanh, mang về tổng doanh thu 200 triệu/tháng, nếu công ty bạn sau khi đã tính toán và xác định rằng mức lợi nhận sau khi trừ đi tất cả chi phí, sẽ rơi vào khoảng 20%, thì tổng lợi nhuận sẽ là 40 triệu, đó chính là giá trị mà bạn đang mang lại cho công ty.

Hoặc nếu bạn làm bên mảng Marketing, thì đầu ra sẽ là số data mà bạn mang về được hàng tháng. Chẳng hạn như công ty quy ước cứ 1 data sẽ có giá trị 100.000đ, bạn mang về được 1000 data/tháng thì mang về 100 triệu, trừ đi 60 triệu chi phí quảng cáo marketing, thì còn lại 40 triệu chính là giá trị mà bạn mang lại cho công ty. Hoặc nếu bạn làm HR tuyển dụng, công ty quy ước tuyển được 1 nhân viên sẽ có giá trị 5 triệu, 1 quản lý sẽ có giá trị 10 triệu, trong tháng này bạn tuyển được 6 nhân viên, 1 quản lý, tức là bạn mang lại giá trị 40 triệu cho công ty. Nếu bạn đang làm trong các phòng ban khác, chưa được liệt kê trong các ví dụ ở trên, thì thật ra cách tính cũng sẽ tương tự, bạn hoàn toàn có thể tự ước lượng được giá trị mình mang lại cho công ty, xem nó có nhiều không, có tương xứng với mức lương tháng mà bạn nhận được không? Vậy nếu phát hiện ra mình đi làm nhận lương, nhưng không mang lại nhiều giá trị cho công ty thì phải làm sao?

>> Làm việc không đạt KPI thì xin nghỉ – Đúng hay sai?

Nhận lương nhưng không mang lại nhiều giá trị thì phải làm sao?

Khi đi làm nhận lương nhưng không mang lại nhiều giá trị cho công ty, thì một số người sẽ cảm thấy bứt rứt, khó chịu, tự trách bản thân mình sao còn kém cỏi, chưa đủ năng lực để mang lại cho công ty giá trị tương xứng với mức lương, tệ hơn, một số người còn tiêu cực cho rằng mình đang ăn bám, là cục tạ mà cả công ty đang phải gồng gánh, rồi tự dưng lại nghĩ tới chuyện nghỉ việc. Thật ra, nghỉ việc không phải là giải pháp phù hợp trong tình huống này, đó chỉ là cách mà bạn đang né tránh vấn đề, không đủ mạnh mẽ để đối diện và vượt qua những yếu điểm của bản thân.

Thay vì nói rằng “nếu tháng này tiếp tục không đạt KPI, không mang lại nhiều giá trị cho công ty, thì em sẽ xin nghỉ, em không muốn công ty mất công trả lương cho một người đi làm mà không mang lại nhiều giá trị”, thì bạn có thể củng cố động lực bằng một câu nói khác, rằng “nếu tháng này vẫn không đạt KPI, không mang lại nhiều giá trị cho công ty, thì em sẽ chỉ nhận nửa lương”. Thật sự, câu nói này có trọng lượng hơn hẳn, rằng bạn đang đánh cược tiền lương của mình, quyền lợi khi đi làm của mình, đó sẽ là động lực để bạn quyết tâm hơn, tập trung và nỗ lực làm việc hơn để mang về kết quả tốt hơn, mang lại nhiều giá trị cho công ty hơn. Hoặc nếu bạn không phải một người thích khoa trương, sợ phát ngôn như thế lại bị đồng nghiệp soi mói, bắt bẻ, thì mình hãy tự im lặng hành động cũng được, hãy tự tạo động lực, củng cố quyết tâm cho bản thân, tập trung để mang lại kết quả tốt nhất, và đừng quên rằng mấu chốt quan trọng vẫn nằm ở năng lực và hiệu suất làm việc của ban, nếu nhận thấy mình đang thiếu sót ở vấn đề đó, thì hãy tìm cách để cải thiện, khắc phục.

Phải làm sao để nâng cao hiệu suất làm việc của bản thân?

Để đi làm mang lại nhiều giá trị cho công ty hơn, bạn cần phải tập trung nỗ lực để nâng cao hiệu suất làm việc của bản thân. Vậy phải làm sao để làm được điều đó? Hiệu suất làm việc của bạn sẽ bao gồm năng lực làm việc và phương pháp làm việc sao cho tối ưu kết quả đầu ra. Xét về năng lực làm việc, bạn hãy tự nhìn lại xem bản thân của mình cần trau dồi thêm những kiến thức, kỹ năng mềm nào, cần củng cố thêm những nghiệp vụ chuyên môn nào, cần khắc phục những yếu điểm nào liên quan đến công việc, để tăng khả năng hoàn thành tốt công việc trong tương lai.

Còn về phương pháp làm việc, bạn phải tự tìm ra cách làm việc nào phù hợp nhất với bản thân, giúp mình phát huy tối đa năng lực và mang về kết quả tốt nhất. Chẳng hạn như làm việc theo đúng thời gian biểu, lên checklist công việc rõ ràng, làm việc có kế hoạch bài bản, bám sát tiến độ, làm việc xong phải check lại kỹ lưỡng để tránh sai sót, hoặc teamwork với đồng nghiệp để tối ưu hiệu quả trong các công việc phức tạp,… nói chung là tuỳ từng người và tuỳ tính chất từng công việc, mà bạn có thể linh động chọn phương pháp làm việc phù hợp nhất, để nâng cao hiệu suất làm việc của bản thân và đóng góp nhiều giá trị hơn, để không còn cảm thấy áy náy khi đi làm nhận lương mà không mang lại nhiều giá trị cho công ty.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng đi làm nhận lương nhưng không mang lại nhiều giá trị cho công ty thì phải làm sao, đồng thời, gợi ý cách giúp bạn nâng cao hiệu suất làm việc trong tương lai, để không còn phải mang cảm giác áy náy nữa. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Làm việc cho có, làm đại cho xong và cái kết khôn lường

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Chỉn Chu Ngoại Hình Giúp Ích Thế Nào Khi Đi Làm?

Góp Ý Nhiều Lần Nhưng Đồng Nghiệp Không Tiếp Thu Thì Sao?

Những Điều Cơ Bản Trong Công Việc Bạn Cần Lưu Ý