Chẳng sinh viên nào muốn mình bị buộc thôi học, vừa không được học nữa, vừa xấu hổ với bạn bè, người thân khi bị gán mác “bị đuổi học”. Tốt nhất là sinh viên cần nắm được những trường hợp bị buộc thôi học, để bản thân cố gắng phòng tránh. Vậy sinh viên bị buộc thôi học trong các trường hợp nào? Cuối mỗi học kỳ, nhà trường sẽ lập danh sách những sinh viên mắc phải một trong các trường hợp sau để buộc thôi học:
>> Số tín chỉ tối thiểu và tối đa trong 1 học kỳ là bao nhiêu?
1. Buộc thôi học khi không đăng ký tín chỉ nào trong học kỳ
Nhiều sinh viên lầm tưởng rằng nếu muốn tạm dừng việc học, cho bản thân được nghỉ ngơi trong 1 học kỳ, thì chỉ cần không đăng ký tín chỉ nào, không đi học là được. Tuy nhiên, đây là một sai lầm cực kỳ tai hại, và hậu quả của nó sẽ khiến sinh viên bị buộc thôi học, huỷ toàn bộ kết quả của các học phần mà sinh viên đã học, đã tích luỹ từ trước, xem như công sức học tập suốt thời gian qua của mình tự dưng đổ sông đổ biển. Theo quy định, nếu sinh viên không đăng ký tín chỉ nào trong học kỳ, mặc dù theo đúng chương trình thì vẫn có lớp học phần mà các em cần học, thì sẽ bị buộc thôi học, xem như sinh viên tự nghỉ học mà không có lý do, không hề thông báo gì với nhà trường. Vì thế, nếu bạn nào có ý định tạm dừng việc học một thời gian 1-2 học kỳ gì đó, thì hãy tham khảo quy định và thực hiện thủ tục xin bảo lưu kết quả học tập, chứ không được tuỳ tiện nghỉ ngang, không đăng ký tín chỉ nào trong học kỳ.
2. Buộc thôi học khi điểm tất cả học phần trong học kỳ là 0
Sau khi tổng kết điểm trung bình học kỳ, nếu sinh viên có điểm trung bình học kỳ bằng 0, tương đương với việc điểm tất cả học phần trong học kỳ đều là 0 trên thang điểm 10, thì sinh viên sẽ bị buộc thôi học. Trường hợp này xảy ra khi sinh viên có đăng ký tín chỉ vào đầu học kỳ, đã hoàn tất đóng học phí đầy đủ, nhưng lại không đi học, hoặc có đi học được vài buổi nhưng không tham gia bất kỳ bài kiểm tra nào, cũng không đi thi cuối kỳ, nên điểm toàn bộ môn học đều bằng 0, nó cũng tương tự như việc sinh viên tự ý nghỉ ngang, không thông báo với nhà trường, nên mặc định nhà trường sẽ cho rằng các em đã bỏ học không lý do.
>> Sinh viên học cải thiện lỡ bị rớt môn luôn thì sao?
3. Đã bị cảnh báo học tập, nhưng không cải thiện
Cảnh báo học tập là trường hợp sinh viên có kết quả học tập quá kém, dưới mức cho phép của trường trong 1 học kỳ, thì sẽ nhận cảnh báo trong học kỳ đó. Nếu vượt quá số lần cảnh báo học tập tối đa mà nhà trường cho phép, hoặc bị cảnh báo liên tiếp nhiều lần vượt quá ngưỡng giới hạn, thì sinh viên sẽ bị buộc thôi học. Ngoài ra, các trường đại học cũng có thể sẽ ràng buộc thêm một số quy định khác, chẳng hạn như:
- Sinh viên đã bị cảnh cáo kết quả học tập ở học kỳ đầu tiên của khoá học, nhưng đến học kỳ 2 lại có điểm trung bình học kỳ dưới 1.00 hoặc điểm trung bình tích luỹ dưới 1.20, thì sẽ bị buộc thôi học. Điều này cho thấy sinh viên mặc dù đã nhận cảnh cáo, nhưng không cố gắng khắc phục, không có sự cải thiện, vẫn tiếp tục đạt kết quả học tập không tốt, và không đủ khả năng học tập, càng học tiếp sẽ càng tệ hơn;
- Sinh viên đã bị cảnh cáo kết quả học tập 2 lần, sau đó vẫn có điểm trung bình học kỳ dưới 1.00 hoặc điểm trung bình tích luỹ rớt xuống dưới ngưỡng cho phép của trường, thì sẽ bị buộc thôi học. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên đã được nhắc nhở nhiều lần, cho thêm cơ hội nhưng vẫn không khắc phục.
Còn đối với sinh viên liên thông, nếu đã bị cảnh báo kết quả học tập 1 lần, nhưng sau đó vẫn không cải thiện, điểm trung bình học kỳ vẫn dưới 1.00 hoặc điểm trung bình tích luỹ dưới ngưỡng quy định của trường, thì sẽ bị buộc thôi học.
4. Bị buộc thôi học khi vượt quá thời gian đào tạo tối đa
Các trường đại học thường sẽ thông báo thời gian đào tạo chuẩn cho từng chương trình học của từng ngành. Chẳng hạn như thời gian đào tạo chuẩn của ngành A sẽ là 4 năm, thì sinh viên học theo đúng tiến độ, tốt nghiệp ra trường đúng hạn sẽ vừa tròn 4 năm. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp vì nợ môn, rớt môn quá nhiều, mất thời gian học lại để trả nợ môn, hoặc vì lý do cá nhân khiến việc học bị chậm tiến độ, thì sinh viên cần đảm bảo rằng tổng thời gian học của mình không vượt quá thời gian đào tạo tối đa mà nhà trường cho phép, nếu vượt quá thời hạn đào tạo tối đa, sinh viên sẽ bị buộc thôi học, huỷ toàn bộ kết quả học tập. Thời gian đào tạo tối đa thường sẽ gấp đôi so với thời gian đào tạo chuẩn, chẳng hạn như theo đúng chuẩn là 4 năm, thì tối đa sẽ là 8 năm.
Bài viết này đã giúp sinh viên nắm được các trường hợp bị buộc thôi học thường gặp, trong thực tế, từng trường đại học có thể sẽ linh hoạt có những quy định riêng khác, để nắm bắt thông tin chính xác nhất, sinh viên nên tham khảo trực tiếp quy định của trường mà mình đang theo học. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên được học lại tối đa bao nhiêu tín chỉ?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.