Khi mới lên đại học, tân sinh viên thường sẽ bị choáng ngợp khi thấy trường có nhiều CLB/Đội/Nhóm, nhiều phong trào, hoạt động, được đều đặn tổ chức vào mỗi tháng. Lúc đó, sẽ có bạn quan tâm, tìm hiểu, tham gia thử coi sao, nhưng cũng có những bạn sinh viên cho rằng tham gia làm gì cho tốn công, mất thời gian, có liên quan gì tới chuyện học hành đâu, để dành thời gian đó tập trung học sẽ tốt hơn. Vậy sinh viên có bắt buộc tham gia các phong trào, hoạt động trong trường không? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
Trường đại học có các hoạt động, phong trào nào?
Tuỳ từng trường đại học sẽ có phương án tổ chức và danh sách các hoạt động, phong trào khác nhau để sinh viên có thể thoải mái cân nhắc, lựa chọn tham gia, sẽ cực kỳ đa dạng, nhưng thường sẽ xoay quanh các hoạt động sau:
- Các cuộc thi học thuật: Sẽ có nhiều cuộc thi về kiến thức học thuật, chuyên ngành, liên quan tới các ngành đào tạo trong trường, hoặc các kiến thức chung/xã hội mà sinh viên cần nắm, để giúp các em mở mang vốn kiến thức, đào sâu các nội dung kiến thức, ứng dụng kiến thức chuyên ngành/học thuật vào thực tiễn;
- Các cuộc thi phong trào: Các cuộc thi do các CLB/Đội/Nhóm bên mảng phong trào tổ chức, nhằm giúp sinh viên tự tin, năng động, tích cực hơn, trưởng thành hơn trong tư duy & hành động;
- Các hoạt động thể dục thể thao: Đề cao tinh thần thể dục thể thao, rèn luyện thể lực, nâng cao sức khoẻ, chẳng hạn như các đợt hội thao, các cuộc thi chuyên về 1 bộ môn thể thao nào đó;
- Các hoạt động tình nguyện: Các buổi tình nguyện, thăm hỏi, tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn do lớp, giảng đường, khoa tổ chức, hoặc các hoạt động hiến máu tình nguyện, công tác xã hội, chiến dịch tình nguyện Mùa Hè Xanh, chủ nhật xanh,…
- Các hoạt động vui chơi, văn nghệ: Các cuộc thi liên quan tới văn nghệ, ca hát, nhảy múa, nhạc cụ, hoặc các đêm gala văn nghệ cho sinh viên tham gia để cùng vui chơi, xả stress sau những ngày học hành vất vả, áp lực;
- Các buổi hội thảo, talkshow: Mời các chuyên gia, các anh chị thành công trong ngành ở các doanh nghiệp về để chia sẻ, định hướng cho sinh viên, giải đáp các thắc mắc của các em về rất nhiều chủ đề, kiến thức hữu ích;
- Ngày hội nghề nghiệp, hướng nghiệp: Dành cho sinh viên khi chuẩn bị chọn chuyên ngành hoặc sắp ra trường muốn tìm hiểu kỹ hơn về công việc tương lai, định hướng, cơ hội nghề nghiệp, các hành trang cần chuẩn bị để tự tin ứng tuyển việc làm;
- Các hoạt động khác do CLB/Đội/Nhóm/Khoa tổ chức: Đương nhiên cũng còn rất nhiều hoạt động phong trào khác để sinh viên cân nhắc tham gia, cực kỳ đa dạng tuỳ theo từng trường đại học, thường sẽ có các CLB/Đội/Nhóm/Khoa tổ chức.
Sinh viên có bắt buộc tham gia phong trào, hoạt động không?
Sau khi điểm qua các hoạt động, phong trào cực kỳ da dạng như ở phần trước, thì sinh viên cũng cần hiểu thêm rằng khi tham gia các hoạt động ấy, mặc dù cũng có tốn thời gian, công sức, nhưng bù lại thì các em cũng sẽ có nhiều trải nghiệm, học hỏi, tích luỹ được nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích cho bản thân, càng năng nổ tham gia, càng tìm hiểu & đi sâu vào các vòng trong, thì các em sẽ càng trau dồi được thêm nhiều hành trang.
Tuy nhiên, khi đứng trước câu hỏi rằng sinh viên có bắt buộc phải tham gia các phong trào, hoạt động trong trường đại học không, thì câu trả lời là không. Các em có thể tham gia trên tinh thần tự nguyện, chứ nhà trường sẽ không bắt buộc, bắt ép rằng mỗi bạn sinh viên phải tham gia bao nhiêu hoạt động, bao nhiêu phong trào trong mỗi học kỳ. Bên cạnh đó, chính bản thân sinh viên cũng thoải mái lựa chọn xem mình thích hoạt động nào, có hứng thú với cuộc thi nào để mình tham gia, chứ sẽ chẳng có sự bắt buộc nào cả. Ai tham gia thì sẽ có nhiều trải nghiệm, có 1 thời sinh viên đáng nhớ hơn, và trau dồi thêm nhiều hành trang hữu ích cho bản thân, nhưng ngược lại, với những bạn sinh viên không tham gia hoạt động, phong trào thì có sao không?
>> Sinh viên không tham gia hoạt động ngoại khoá có sao không?
Không tham gia hoạt động trong trường thì có sao không?
Khi không tham gia hoạt động, phong trào trong trường, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới điểm rèn luyện ở mỗi học kỳ của sinh viên, mà điểm rèn luyện bị thấp sẽ ảnh hưởng tới việc xét học bổng khuyến khích học tập, xét danh hiệu sinh viên 5 tốt, một số trường cũng áp dụng điều kiện điểm rèn luyện để xếp loại tốt nghiệp khi ra trường. Tức là dù không bắt buộc sinh viên tham gia các hoạt động, phong trào trong trường, nhưng khi các em không tham gia thì cũng sẽ phải đối mặt với bất lợi về điểm rèn luyện, kéo theo các bất cập như trên.
Song song đó, khi sinh viên mới ra trường đi làm, chưa có kinh nghiệm làm việc, thì nhà tuyển dụng cũng sẽ quan tâm nhiều hơn tới các hoạt động ngoại khoá, các phong trào, cuộc thi, các thành tích mà sinh viên đã đạt được ở trường đại học, nhằm đánh giá mức độ năng động, hoạt bát, chí cầu tiến và những khả năng tiềm ẩn của các em, chưa kể tới việc nếu tích cực tham gia các hoạt động, phong trào, thì sinh viên cũng học hỏi, tích luỹ được thêm nhiều hành trang, nhiều trải nghiệm, giúp CV xin việc trở nên nổi bật hơn, còn nếu không tham gia gì hết thì CV của các em sẽ hơi trống trải. Đồng ý rằng học tập là mục tiêu quan trọng nhất, phải ưu tiên lên hàng đầu, nhưng khi sinh viên chỉ lo học mà không quan tâm tới các tiêu chí khác, không tích luỹ thêm các hành trang khác thì đó cũng là 1 điểm thiếu sót. Vì thế, dù không bắt buộc sinh viên phải tham gia các hoạt động, phong trào ở trường đại học, nhưng mỗi sinh viên cũng nên chủ động, tự tìm hiểu, chọn lựa thử sức với các hoạt động, phong trào, cuộc thi mà mình có hứng thú, cũng không mất nhiều thời gian lắm đâu, mà bù lại các em sẽ nhận được nhiều điều, giúp ích nhiều cho tương lai.
Bài viết này đã giải đáp băn khoăn rằng sinh viên có bắt buộc tham gia các hoạt động, phong trào trong trường không, nếu không tham gia thì có sao không? Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Trình bày hoạt động ngoại khoá trong CV ứng tuyển thế nào?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.