Đi làm thêm là sự lựa chọn của đông đảo sinh viên, vì nó vừa giúp các em có thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi, vừa tạo cơ hội để các em cọ xát, trau dồi thêm các kỹ năng mềm và tích luỹ kinh nghiệm làm việc. Trong thực tế, có nhiều sinh viên đã lao vào đi làm thêm ngay từ năm nhất, rồi duy trì điều này tới tận khi tốt nghiệp ra trường. Có quan điểm cho rằng điều này sẽ khiến các em phần nào lơ là việc học, kéo kết quả học tập đi xuống, vậy điều đó có đúng không? Sinh viên đại học có nhất thiết phải đi làm thêm không? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!
>> 5 rủi ro sinh viên có thể đối mặt khi đi làm thêm part time
Đi làm thêm khiến sinh viên học hành sa sút?
Đi làm thêm khiến sinh viên học hành sa sút? – Đây là một kết luận có nhiều quan điểm trái chiều, có người đồng ý, nhưng cũng có người phản đối, và cũng có người cho rằng tuỳ trường hợp, không thể kết luận thẳng thừng là điều này đúng hay sai. Thật ra, đi làm thêm không phải là một điều xấu, trái lại, nó còn mang lại cho sinh viên đại học rất nhiều lợi ích, chẳng hạn như kiếm thêm thu nhập để trang trải chi tiêu mỗi tháng, trau dồi thêm các kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc nhóm,… và cũng góp phần tích luỹ thêm một chút kinh nghiệm làm việc ở mức cơ bản.
Tuy nhiên, trên thực tế, có một bộ phận sinh viên đã lạm dụng việc đi làm thêm quá mức, mải mê đi làm kiếm tiền dẫn tới lơ là việc học, thậm chí có bạn còn sẵn sàng cúp học để tranh thủ làm thêm kiếm tiền, tất nhiên, nếu lạm dụng việc làm thêm và phân bổ thời gian không hợp lý như thế thì các em sẽ học hành sa sút rồi. Tóm lại, nếu sinh viên biết cân đối thời gian giữa học tập và đi làm thêm, không mải mê làm thêm tới nỗi bỏ bê việc học, thì sẽ không ảnh hưởng gì xấu tới chuyện học hành. Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng giải đáp xem sinh viên đại học có nhất thiết phải đi làm thêm không?
Sinh viên đại học có nhất thiết phải đi làm thêm không?
Có một số lời đồn rằng sinh viên cứ suốt ngày cắm đầu vào sách vở để học, mà không chịu tranh thủ đi làm thêm, thì cuối cùng ra trường sẽ là một bạn mọt sách, chỉ có kiến thức mà thiếu kỹ năng sống, thì sẽ khó lòng xin việc. Điều này khiến nhiều sinh viên cảm thấy hoang mang, lo lắng, nhất là khi các em biết được tin này vào năm cuối đại học, khi sắp sửa tốt nghiệp ra trường rồi mà vẫn chưa bao giờ đi làm thêm.
Thật ra, có rất nhiều cách khác nhau để sinh viên trau dồi thêm cho mình những kỹ năng sống, tích luỹ thêm hành trang để tự tin ứng tuyển việc làm, chứ việc đi làm thêm không phải là lựa chọn duy nhất. Chẳng hạn như sinh viên có thể sinh hoạt trong các CLB/Đội/Nhóm, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá, tình nguyện, phong trào, cuộc thi trong trường. Hoặc các em cũng có thể tự rèn luyện cho mình một số kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc nhóm thông qua quá trình tương tác/học tập/teamwork cùng bạn bè ở trường đại học. Hãy nhớ rằng đi làm thêm là quyền lợi của sinh viên, tức là có đi làm thêm hay không là do các em tự do lựa chọn, chứ không ai bắt buộc mình phải đi làm thêm, và càng không có ai áp đặt được rằng sinh viên nhất thiết phải đi làm thêm thì mới vững vàng hành trang để ra trường xin việc.
>> Sinh viên nên đi làm thêm sau Tết hay khi nghỉ hè?
Khi nào là thời điểm phù hợp để bắt đầu đi làm thêm?
Như đã làm rõ ở phần trước, đi làm thêm là một trong những lựa chọn phù hợp để sinh viên tích luỹ, trau dồi thêm hành trang cho bản thân, chứ không phải là chuyện bắt buộc. Vậy nếu các em lựa chọn đi làm thêm, thì khi nào sẽ là thời điểm phù hợp nhất để sinh viên bắt đầu làm thêm? Tất nhiên, sẽ khó lòng kết luận chính xác rằng khi nào là phù hợp nhất, vì mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau, và chương trình học/khối lượng kiến thức mỗi năm học của mỗi trường, mỗi ngành cũng khác nhau, và điều đó cũng ảnh hưởng tới câu trả lời cho vấn đề này.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của anh, thì sinh viên nên bắt đầu đi làm thêm từ năm 2 hoặc năm 3 đại học. Khi đó, các em cũng đã làm quen với phong cách học tập ở đại học, không còn bỡ ngỡ như khi là tân sinh viên nữa, nên có thể chủ động sắp xếp, cân đối thời gian để việc làm thêm không ảnh hưởng xấu tới điểm số. Đồng thời, đó cũng là thời điểm không quá trễ và không quá bận rộn, sấp mặt với áp lực học hành, thi cử như sinh viên năm cuối. Thông thường, tới năm 4 thì sinh viên cũng sẽ hạn chế chuyện đi làm thêm, để dành thời gian tập trung học các môn chuyên ngành cuối cùng, quyết định rất nhiều tới kiến thức chuyên môn và điểm trung bình trước khi tốt nghiệp. Nếu có đi làm thì đó chỉ là chuyện sinh viên đi thực tập ở công ty trước khi ra trường thôi, chứ không phải là đi làm thêm part time.
Bài viết này đã giải đáp được băn khoăn rằng sinh viên đại học có nhất thiết phải đi làm thêm không, khi nào là thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Sinh viên đi làm thêm có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.