Sau khi kết thúc năm học đầu tiên, xem như sinh viên đã hoàn thành 1/4 chặng đường trong chương trình học của mình. Khi đó, mỗi bạn sẽ tự rút ra được cho mình những kinh nghiệm riêng xoay quanh chuyện học và thi ở đại học sao cho hiệu quả. Song song đó, cũng có nhiều bạn thắc mắc rằng sinh viên năm 1 khi chuẩn bị lên năm 2 thì cần lưu ý những gì? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!
>> Áp lực học tập quá lớn thì sinh viên phải làm sao?
Sinh viên năm 2 lưu ý duy trì năng lượng học tập
Khi mới bước chân vào đại học, các bạn tân sinh viên năm 1 thường sẽ rất hào hứng, tràn đầy năng lượng, đặt ra nhiều mục tiêu và có động lực rất lớn trong chuyện học tập, luôn cố gắng hết mình để mang lại kết quả học tập ở mức tốt nhất có thể. Tuy nhiên, nếu không biết cách giữ lửa, không giữ được năng lượng và động lực học tập như hồi năm 1, thì sinh viên sẽ dễ bị đuối hơn trong các năm học tiếp theo, càng học kết quả càng sa sút. Chính vì thế, sinh viên năm 2 hay lưu ý cố gắng duy trì năng lượng học tập của mình, luôn tập trung học, đặt chuyện học tập lên thành ưu tiên hàng đầu, để vừa đạt điểm số tốt, vừa nắm vững kiến thức môn học, không chỉ trong năm 2, mà cả trong các năm tiếp theo nữa.
Năm 1 lên năm 2 rút kinh nghiệm để học tốt hơn
Cách học và thi ở đại học sẽ có nhiều điểm khác biệt so với hồi cấp 3, đòi hỏi sinh viên phải chủ động hơn, tự học hỏi nhiều hơn thì mới có thể mang về kết quả tốt. Tân sinh viên khi mới lên đại học nhiều khi sẽ chưa nhận ra được điều này, nên không ít bạn đã lỡ để mình bị điểm kém, có kết quả học chưa tốt ở năm 1. Vậy thì trong năm 2 này, sinh viên cần lưu ý rút kinh nghiệm từ những thiếu sót, sai lầm trong phương pháp học cũ của mình, cố gắng thay đổi kịp thời, tìm cho mình phương pháp học phù hợp nhất, và cũng có thể lập nhóm học cùng bạn bè, để tăng khả năng thích nghi với cách học ở đại học, và mang về kết quả tốt hơn, khả quan hơn trong các năm học tiếp theo.
>> Học cải thiện bao nhiêu tiền, học phí có mắc hơn không?
Cân nhắc học cải thiện các môn chưa tốt ở năm 1
Nếu cảm thấy năm 1 mình thật sự chưa hoàn thành tốt, chưa đạt điểm số như mong đợi, thậm chí điểm trung bình tích luỹ đang ở mức nguy hiểm, thì sinh viên năm 2 có thể cân nhắc học cải thiện các môn có kết quả chưa tốt, nhưng cần lưu ý chọn lựa kỹ lưỡng với số lượng hợp lý, tránh việc đăng ký học cải thiện quá nhiều, đăng ký vô tội vạ, vì như thế sẽ dễ bị quá tải kiến thức, không thể phân bổ thời gian cho tất cả môn học, và có rủi ro bị hạ bằng tốt nghiệp trong tương lai. Cụ thể hơn về chuyện hạ bằng tốt nghiệp, sinh viên có thể tham khảo tại đây để nắm chắc thông tin và có phương án học tập tối ưu cho bản thân, tránh trường hợp học lại quá nhiều rồi cuối cùng bị hạ bằng một cách đáng tiếc.
Tham gia nhiều hoạt động nhưng đừng lơ là việc học
Nếu như ở năm 1, sinh viên thường sẽ có nhiều bỡ ngỡ, ngại ngùng, nhiều bạn chỉ biết cắm đầu cắm cổ vào chuyện học hành, thi cử, thì khi lên năm 2, các em bắt đầu dạn dĩ hơn, tìm hiểu nhiều hoạt động ở trường đại học hơn, và có xu hướng thích sinh hoạt CLB/Đoàn/Hội, dành thời gian đi làm thêm, hoặc tham gia các hoạt động khác nữa. Đồng ý rằng những hoạt động ấy hoàn toàn hữu ích, giúp sinh viên bước ra khỏi vùng an toàn, tạo cơ hội để các em bứt phá và khám phá năng lực tiềm ẩn của bản thân, tiêu biểu là chuyện sinh viên sẽ dạn dĩ hơn, tự tin giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ thông qua các hoạt động ấy. Tuy nhiên, sinh viên năm 2 cần lưu ý rằng mình có thể tham gia nhiều hoạt động, nhưng đừng lơ là việc học, đừng quên rằng học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất của mình, hãy cân đối thời gian sao cho hợp lý.
>> 5 tiêu chí chọn thành viên của các CLB ở trường đại học
Sinh viên năm 2 nên dành thời gian trau dồi ngoại ngữ
Một điều cuối cùng mà sinh viên năm 2 cần lưu ý chính là các em nên dành thời gian trau dồi thêm ngoại ngữ, đừng để dồn tới năm 3, năm 4 khi sắp ra trường mà mình vẫn còn lơ tơ mơ, thậm chí còn đang mất căn bản Tiếng Anh, vì điều đó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Nếu ra trường đi làm mà không giỏi ngoại ngữ, thì xem như các em đã tự thu hẹp cơ hội việc làm của mình, không thể apply vào các công ty nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia hoặc các công việc đặc thù cần sử dụng Tiếng Anh, và tất nhiên đó toàn là những việc có mức lương hấp dẫn.
Mà chưa cần nghĩ xa như thế, để được tốt nghiệp ra trường thì sinh viên cần phải đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra, phải đạt các chứng chỉ ngoại ngữ ở mức điểm tối thiểu mà nhà trường yêu cầu, nếu để nước tới chân mới nhảy thì khả năng cao rằng các em sẽ bị trượt, có rủi ro sẽ phải ra trường trễ vì chưa có bằng Tiếng Anh, chưa đáp ứng chuẩn ngoại ngữ đầu ra. Vậy thì ngay từ bây giờ, sinh viên năm 2 nên dành thời gian để dần trau dồi ngoại ngữ nhé.
Bài viết này đã giải đáp băn khoăn rằng sinh viên năm 1 chuẩn bị lên năm 2 cần lưu ý những gì? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.