Quá áp lực chuyện học hành, thi cử, điểm số, nên sinh viên thường sẽ rủ nhau đi ăn uống, tụ tập, tám chuyện, nói đủ thứ chủ đề trên đời. Bên cạnh những câu chuyện vui, hài hước, về các chủ đề đang hot trend, thì cũng có một số trường hợp sinh viên tụ tập để nói xấu giảng viên, càng nói càng thấy ghiền, rồi bị lậm vô chủ đề đó lúc nào không hay. Vậy sinh viên nói xấu giảng viên lỡ bị phát hiện thì xử lý thế nào?
>> 5 lỗi tối kỵ giảng viên cực ghét mà sinh viên nên tránh
Vì sao sinh viên lại nói xấu giảng viên?
Nói xấu giảng viên là một hành vi không được khuyến khích, hay nói thẳng ra là bị nghiêm cấm, vì trong môi trường học đường, chúng ta thường được dạy rằng phải luôn ý thức được lời nói, hành động, không được nói xấu người này người kia, huống hồ chi đó lại là người trực tiếp giảng dạy, truyền đạt kiến thức, được gọi là “thầy” của mình. Chính vì thế, hầu như sinh viên sẽ không dám đặt điều, nói xấu thầy cô giảng viên một cách vô lý, mà bất kỳ những câu chuyện không hay nào đều có lý do riêng của nó, dù đúng hay sai thì cũng thường sẽ xoay quanh những lý do sau:
- Giảng viên dạy khó hiểu, hoặc cách truyền đạt khiến sinh viên cảm thấy buồn ngủ;
- Bị giảng viên hiểu lầm, trách phạt oan, nhưng không chịu nghe sinh viên giải thích;
- Bị giảng viên chấm điểm gắt gao, điểm kém, kéo điểm trung bình xuống quá nhiều;
- Giảng viên bắt làm đủ thứ chuyện để tính điểm, khiến sinh viên thấy quá mệt mỏi;
- Giảng viên khó tính, ra nội dung ôn tập quá rộng, khiến sinh viên quá mệt mỏi, đuối;
- Giảng viên nói một đằng làm một nẻo, không thống nhất, không biết đâu mà lần;
- Giảng viên gắt gỏng, lớn tiếng, thường xuyên nóng tính khiến sinh viên cảm thấy áp lực;
- Giảng viên cho bài tập về nhà quá nhiều, khiến sinh viên thấy mệt mỏi, chán nản;
- Giảng viên thường xuyên dạy lố giờ, hết giờ bắt sinh viên ở lại học thêm…
Sinh viên nói xấu giảng viên vi phạm điều gì?
Thật ra, khi đứng trước các nguyên nhân kể trên, thì chắc hẳn nhiều bạn sinh viên đang cảm thấy cực kỳ quen thuộc, đồng cảm, thấy như mình đang ở trong những tình huống đó. Tuy nhiên, các em không nên lấy những lý do đó để thông cảm, cổ suý cho hành vi nói xấu giảng viên, đó là một hành vi sai trái, vừa trái với đạo đức, vừa vi phạm nội quy nhà trường.
Trong cuộc sống, ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đều đã được phụ huynh và thầy cô dạy rằng mình phải nói chuyện lịch sự, điều tiết lời nói, suy nghĩ, hành động theo chiều hướng tích cực và tuyệt đối không được nói xấu, nói nặng lời với người khác, nhất là với những ai lớn tuổi hơn mình. Hơn nữa, giảng viên là những người thầy người cô đang dạy dỗ, truyền đạt kiến thức, nên sinh viên cũng phải lưu ý tiên học lễ, hậu học văn, chứ hành vi nói xấu giảng viên thật sự là vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn đạo đức thông thường. Ngoài ra, trong các trường đại học cũng luôn có quy định, nội quy rõ ràng, và tất nhiên trong đó sẽ nghiêm cấm hành vi nói xấu giảng viên.
>> Sinh viên phải làm sao khi bất đồng quan điểm với giảng viên?
Sinh viên nói xấu giảng viên bị phát hiện thì xử lý thế nào?
Bất kỳ sinh viên nào vi phạm nội quy nhà trường, thì đều sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí, nếu tái phạm nhiều lần, có thể phải đối mặt với hình thức kỷ luật cao nhất, trong đó bao gồm cả trường hợp nói xấu giảng viên. Tuỳ từng trường đại học sẽ có quy định cụ thể khác nhau về các cấp độ xử lý kỷ luật khi phát hiện sinh viên nói xấu giảng viên, nhưng thường sẽ xoay quanh các biện pháp với mức độ nghiêm trọng tăng dần như sau:
- Nhắc nhở: Áp dụng khi sinh viên vi phạm kỷ luật lần đầu, chẳng hạn như lần đầu nói xấu giảng viên;
- Khiển trách: Áp dụng khi đã nhắc nhở nhưng sinh viên vẫn tái phạm thêm, có thể là lỗi mới hoặc lỗi cũ;
- Cảnh cáo: Khi sinh viên vi phạm từ 3 lần trở lên, thì sẽ áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo bằng văn bản, báo với phụ huynh để ký tên và nắm tình hình vi phạm của các em;
- Hạ bậc tốt nghiệp: Nếu sinh viên vi phạm kỷ luật nặng, thì có thể sẽ bị hạ bằng tốt nghiệp xuống 1 bậc;
- Buộc thôi học, đuổi học: Nếu sinh viên vi phạm kỷ luật quá nhiều, đã nhiều lần bị cảnh cáo nhưng vẫn cố tình tiếp diễn, hoặc vi phạm những điều quá nghiêm trọng, thì có thể sẽ phải áp dụng biện pháp xử lý cấp độ cao nhất, đó là bị buộc thôi học, đuổi học.
Đó là các biện pháp xử lý kỷ luật từ phía nhà trường khi phát hiện sinh viên nói xấu giảng viên ở nhiều cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, các em vẫn cần phải chủ động xử lý lỗi sai của mình. Bị nhà trường xử lý là chuyện của nhà trường, còn khi nói xấu giảng viên, thì các em đang có lỗi với giảng viên, mình phải chủ động biết lỗi, nhận lỗi và xin lỗi thầy cô một cách chân thành, không mong nhận được sự tha thứ, chỉ mong giảng viên biết mình đã nhận ra lỗi lầm, mình sai và sẵn sàng nhận lỗi. Tức là việc sinh viên xin lỗi cần xuất phát từ sự chân thành, từ thật tâm, chứ không phải giả vờ xin lỗi để được bỏ qua, để giảng viên xin trường giảm nhẹ hình thức kỷ luật.
Hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nói xấu bất kỳ ai
Khi nói xấu giảng viên, cho dù bị phát hiện hay không thì sinh viên cũng đều đã vi phạm chuẩn mực đạo đức. Khi các em nói xấu giảng viên với bạn bè hoặc bất kỳ ai, có thể lúc đó họ không phản ứng gì, nhưng nhiều khi trong đầu họ đang ngầm đánh giá các em, hoặc trong tương lai, biết đâu chính họ sẽ là người tố giác hành vi sai phạm của các em.
Cho dù giảng viên có khó tính, gắt gỏng hoặc lớn tiếng trách mắng, thì cũng vì muốn tốt cho sinh viên, giúp các em học hành chăm chỉ, nghiêm túc và nắm vững kiến thức hơn, chứ giảng viên cũng đâu có lợi lộc gì từ chuyện đó, càng khó tính thì càng khiến sinh viên ghét thêm, nhưng thầy cô sẵn sàng đóng vai ác, vì tương lai của các em, nên khi sinh viên nói xấu giảng viên vì bất kỳ lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được. Không dừng lại ở đó, trong cuộc sống hoặc khi đi làm sau này, các em cũng cần lưu ý cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nói xấu bất kỳ ai, hoặc tốt nhất là chỉ nghĩ trong lòng chứ đừng buông lời nói xấu ai cả, vì đó là hành vi không tốt, không nên làm, tránh để ảnh hưởng xấu tới bản thân, vì các em sẽ không lường trước được toàn bộ rủi ro mà hành vi nói xấu người khác có thể gây ra cho mình đâu.
Bài viết này đã giúp sinh viên đại học giải đáp được băn khoăn rằng nói xấu giảng viên nếu bị phát hiện thì xử lý thế nào? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Phải làm sao khi gặp giảng viên khó tính, chấm điểm gắt gao?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.