Khi đi học, mặc dù mỗi ngày đều phải tiếp xúc với rất nhiều kiến thức mới, rồi cũng lo sợ bị giảng viên khảo bài đột xuất, nhưng thật ra khi thi học kỳ mới là lúc mà sinh viên cảm thấy áp lực nhất. Điều này cũng dễ hiểu, vì điểm thi cuối kỳ sẽ tác động rất lớn đến điểm trung bình môn học, nếu làm bài thi tốt thì sẽ kéo điểm lên, còn nếu làm bài không được, thì sẽ kéo điểm xuống, thậm chí có thể sẽ bị rớt môn. Chính vì thế, hầu như bất kỳ sinh viên nào cũng “tâm linh”, cầu cho mình sẽ gặp đề thi dễ, để làm bài thi được điểm cao. Nhưng nếu lỡ gặp đề thi khó thì sinh viên phải làm sao?
>> Học tài thi phận là gì? Làm sao để bài thi được điểm cao?
Giữ bình tĩnh khi bước vào phòng thi
Dẫu biết rằng đề thi học kỳ thường sẽ khó nuốt, sẽ có tính phân loại cao, tức là ai hiểu bài, nắm vững kiến thức thì mới có khả năng đạt điểm cao, còn nếu học sơ sơ, hiểu sương sương thì sẽ khó lòng đạt kết quả tốt. Nhưng các em cũng không nên vì thế mà mang trong mình tâm lý quá lo lắng, áp lực, khiến mình bị mất bình tĩnh khi bước phòng phòng thi. Vì như thế chẳng khác nào “chưa đánh mà đã thua”, chưa biết gặp đề thi dễ hay khó mà đã run cầm cập.
Để làm bài thi tốt, thì bình tĩnh chính là yếu tố tiên quyết, nó sẽ giúp sinh viên cẩn thận đọc kỹ đề, nắm rõ rằng đề thi đang hỏi gì, đang yêu cầu phần kiến thức nào, rồi từ đó mình sẽ dần nhớ lại bài, vận dụng kiến thức đã học để làm bài. Đồng thời, bình tĩnh cũng sẽ giúp sinh viên hoàn thành bài thi một cách chỉn chu, hạn chế tối đa những sai sót không đáng có khiến mình bị mất điểm oan uổng. Vậy sau khi bình tĩnh đọc đề và thấy rằng mình thật sự gặp đề thi khó thì phải làm sao?
Sinh viên phải làm sao khi gặp đề thi khó?
Gặp đề thi khó là một thử thách mà sinh viên chắc chắn phải đối mặt và vượt qua, nó không chỉ để tính điểm, mà còn để kiểm tra và xác nhận xem các em đã nắm vững kiến thức môn học chưa. Đề thi càng khó thì càng đáng để sinh viên chinh phục, khi vượt qua được, thì các em sẽ cực kỳ tự hào và tự tin rằng mình đã nắm vững kiến thức. Thật ra, chẳng có đề thi nào khó 100% cả, tức là lồng ghép trong đó vẫn có những câu khá dễ, để bất kỳ sinh viên nào ở trình độ trung bình khá vẫn có thể làm được. Nhiệm vụ của các em là hãy xác định những câu đó và dành thời gian để làm trước, khi hoàn thành xong những câu tương đối dễ, thì các em cũng sẽ tự tin hơn vì mình đã nắm chắc trong tay được số điểm nhất định.
Phần tiếp theo là mình sẽ đối mặt và chinh phục những câu hỏi khó trong đề thi. Nếu đang làm bài thi tự luận, các em hãy lần lượt đọc kỹ từng câu hỏi, xem đề thi hỏi gì, yêu cầu gì, rồi vận dụng kiến thức đã học để trả lời sao cho phù hợp và kèm theo những dẫn chứng thuyết phục nhất. Còn nếu làm bài thi trắc nghiệm mà gặp những câu hỏi khó, thì sinh viên có thể áp dụng phương pháp loại trừ, hoặc các giải pháp đoán đáp án được nêu cụ thể tại đây. Tất nhiên, có một điều quan trọng mà các em cần làm chính là cân đối thời gian làm bài, và hãy dành khoảng 5-10 phút cuối giờ để đọc lại, dò lại đáp án xem có sai sót nào cần chỉnh sửa không, có chỗ nào mình bị sót, bị thiếu, có câu nào chưa trả lời thì hoàn thành gấp.
Cách giúp sinh viên đối phó với mọi thể loại đề thi
Sau khi giải đáp câu hỏi sinh viên phải làm sao khi gặp đề thi khó, thì chắc hẳn rằng các em đã nhận ra rằng không phải tự dưng mà mình vượt qua và hoàn thành tốt bài thi được đâu. Phần trên chỉ đưa ra một số lời khuyên và kỹ năng để sinh viên bình tĩnh ứng phó khi gặp đề thi khó thôi, còn bản chất vẫn nằm ở việc các em cần phải chăm chỉ học tập, nắm vững kiến thức, ôn thi kỹ lưỡng các chủ điểm quan trọng, thì khi vào phòng thi mới có kiến thức để làm bài, để đối phó với mọi thể loại đề thi. Còn nếu như các em học bài chưa kỹ, chưa hiểu bài, chưa nắm vững kiến thức môn học, bước vào phòng thi một cách mơ hồ, lạm dụng việc học vẹt, học tủ, thì sẽ khó lòng làm bài tốt, cho dù đề thi đó không quá khó.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp được băn khoăn rằng phải làm sao khi gặp đề thi khó, hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em. Chúc các em học tốt!
>> Gian lận thi cử – gian lận khi làm bài thi và cái kết
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.