Kết quả học tập, áp lực học hành, thi cử, điểm số vẫn luôn là những điều khiến sinh viên cực kỳ đau đầu. Dẫu biết việc đi học, đi thi đã trở nên quá quen thuộc với các em, nhưng mỗi khi nhắc tới, nghĩ tới, thì tự dưng lại thấy mệt ngang, thậm chí một số sinh viên còn bị trầm cảm vì kết quả học tập kém, điểm dưới trung bình, rớt môn,…
>> 5 quy tắc sinh viên cần tuân thủ để tránh bị điểm kém
Trầm cảm là gì? Thường xảy ra với đối tượng nào?
Trầm cảm là một trạng thái cảm xúc cực kỳ tệ, buồn bã, chán nản, không muốn gặp mặt, tiếp xúc, nói chuyện với ai, thường xuyên nghĩ tới những chuyện tiêu cực, có thể dẫn tới những hành vi tiêu cực một cách mất kiểm soát. Điều này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm lý, hành vi, có thể dẫn tới việc tự dằn vặt bản thân, nhịn ăn, nhịn uống, mất ngủ, khiến tinh thần và sức khoẻ bị suy nhược. Trầm cảm là trạng thái chung có thể xảy ra với mọi đối tượng, từ trẻ em, học sinh, sinh viên, cho tới người đi làm và cả người lớn tuổi. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm cũng rất đa dạng, hầu như bất kỳ tác động/kết quả tiêu cực nào kéo dài quá lâu mà không được giải quyết thì đều có thể khiến tinh thần bị suy sụp, lo âu, dẫn tới bị trầm cảm, tự xa lánh mọi người xung quanh, tách biệt mình với thế giới bên ngoài.
Vì sao kết quả học tập khiến sinh viên thấy trầm cảm?
Trầm cảm có thể xảy ra với mọi đối tượng, trong đó có học sinh – sinh viên, các em có thể bị trầm cảm bởi chuyện gia đình, tình cảm cá nhân, nhưng phổ biến nhất chính là vì kết quả học tập không tốt. Vì sao lại như thế? Khi đi học, sinh viên thường tự đặt kỳ vọng rằng mình sẽ đạt kết quả học tập tốt, đạt điểm cao, hoặc chí ít thì cũng xếp loại học lực ở mức khá, chứ chẳng ai muốn mình bị điểm kém hay học lực trung bình. Đồng thời, phụ huynh cũng thường đặt kỳ vọng rằng con mình sẽ học giỏi, sẽ được điểm 9, điểm 10, được nhận giấy khen…
Chính những kỳ vọng đó sẽ tạo thành áp lực vô hình đối với các em, khi khối lượng kiến thức phải học quá nhiều, mình cũng cố gắng học, nhưng lại chưa tiếp thu tốt, chưa hiểu rõ, dẫn tới kết quả học tập kém, liên tục bị điểm kém, mà không có ai để chia sẻ, giải bày, thì sẽ dễ khiến sinh viên rơi vào trạng thái trầm cảm. Ngoài ra, việc bị điểm kém, bị rớt môn cũng sẽ khiến sinh viên tiêu cực rằng mình là một đứa quá tệ, năng lực kém, không bằng những bạn bè xung quanh, từ đó, các em sẽ bị tự ti về khả năng học tập của bản thân, cảm thấy xấu hổ, stress và lại càng trầm cảm hơn.
>> Tự ti, cảm thấy mình học dở nhất nhóm thì phải làm sao?
Sinh viên trầm cảm vì kết quả học tập kém thì phải làm sao?
Trầm cảm vì kết quả học tập kém là một cảm giác cực kỳ khó chịu. Khi bị điểm thấp, dưới trung bình, bị rớt môn, thì vốn dĩ những điều đó đã khiến sinh viên bị xuống tinh thần, cảm thấy việc học quá mệt mỏi, quá áp lực. Vậy mà nếu sinh viên không có ai để chia sẻ, đồng cảm, khiến tình trạng này kéo dài từ ngày này qua tháng nọ, dẫn tới trầm cảm, thì cảm giác lúc đó sẽ càng tồi tệ hơn, giống như mình đang rơi vào vực thẳm, cô đơn, lạnh lẽo, mệt nhoài,… Các em không nên để mình bị trầm cảm quá lâu, vì nó sẽ tác động rất xấu đến tâm lý, kéo sức khoẻ bản thân đi xuống, và sẽ khó lòng tập trung để học tốt, để cải thiện kết quả học tập trong tương lai.
Đừng để những suy nghĩ tiêu cực vây quanh quá lâu, đừng nghĩ rằng mình ngu dốt, đần độn, năng lực học hỏi kém, không biết tư duy,… Thay vào đó, hãy nghĩ rằng mình có thể làm được, mình có thể tiếp thu tốt nếu đi học đầy đủ, tập trung nghe giảng, nỗ lực hơn trong học tập. Mình có thể ghi nhớ kiến thức nếu mình chăm chỉ thực hành, làm bài tập về nhà. Mình có thể đạt điểm cao nếu mình thường xuyên giải đề, check kỹ để hiểu những câu mình làm sai và làm bài thi một cách cẩn thận. Khi đã thay đổi được tư duy, thì đây chính là bước đầu tiên để sinh viên gỡ rối khúc mắc, thoát ra khỏi trạng thái trầm cảm và quay trở lại với đường đua học tập, với một phiên bản mạnh mẽ hơn, giàu nghị lực hơn.
Sinh viên cần làm gì để cải thiện kết quả học tập?
Để cải thiện kết quả học tập, sinh viên cần phải hành động, chứ không phải chỉ dừng lại ở suy nghĩ. Đồng ý rằng suy nghĩ tích cực là một điều tốt, nó giúp các em lấy lại tinh thần, củng cố động lực học tập và thoát khỏi trạng thái trầm cảm, nhưng nó chưa thể giúp sinh viên học tốt hơn, mà chính bản thân các em cần phải bắt tay vào hành động, chăm chỉ hơn, tập trung hơn, cố gắng hơn thì mới có thể lội ngược dòng, cải thiện điểm số, nâng cao kết quả học tập.
Cụ thể hơn, sinh viên cần đi học đầy đủ, đúng giờ, tránh việc đi trễ về sớm hoặc cúp học, vì chúng sẽ khiến các em bị mất kiến thức, không hiểu bài, kéo theo những buổi học tiếp theo mình cũng chẳng hiểu gì, mơ hồ về môn học. Tiếp theo, một khi đã mất công đến lớp, thì sinh viên cần tập trung nghe giảng, lắng nghe kỹ những điều thầy cô chia sẻ, vì đó chính là kho tàng kiến thức hữu ích được đúc kết suốt nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, sẽ giúp các em nắm rõ kiến thức, hiểu bài dễ hơn so với khi tự đọc giáo trình. Bên cạnh đó, khi về nhà, sinh viên cũng cần dành thời gian để ôn bài, làm bài tập đầy đủ, tốt nhất là hãy tự lập cho mình thời gian biểu học tập rõ ràng, cụ thể, phân bổ thời gian đủ để ôn lại kiến thức và hoàn thành các bài tập về nhà. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể học nhóm cùng bạn bè, nhất là trong giai đoạn ôn thi học kỳ, vì khi học nhóm thì các em sẽ có tinh thần hơn, chăm học hơn và có thể cùng giúp nhau tiến bộ.
Bài viết này đã giúp sinh viên hiểu được lý do vì sao mình dễ bị trầm cảm khi kết quả học tập kém, đồng thời, đưa ra hướng giải quyết nếu chẳng may các em rơi vào trường hợp ấy, kèm theo một số gợi ý giúp sinh viên cải thiện kết quả học tập, và lội ngược dòng trong tương lai. Chúc các em học tốt!
>> Xin vía điểm cao có giúp sinh viên học tốt hơn không?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.