Phỏng vấn xin việc là buổi trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng, trả lời các câu hỏi liên quan tới công việc, để kiểm tra xem ứng viên có đủ năng lực để hoàn thành tốt công việc và có khả năng gắn bó lâu dài với công ty hay không. Chính vì thế, các buổi phỏng vấn đều sẽ có thang điểm đánh giá một cách rõ ràng, công tâm, chứ không chấm điểm và chọn ứng viên theo cảm tính. Vậy phỏng vấn xin việc có thang điểm đánh giá theo các tiêu chí nào?
1. Thang điểm giới thiệu bản thân khi phỏng vấn
Chắc chắn sẽ có phần giới thiệu bản thân ở đầu buổi phỏng vấn, đây là điều hiển nhiên mà bạn đã biết trước, vì thế, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, để đảm bảo phần giới thiệu của mình vừa ngắn gọn, súc tích, vừa nêu bật được những điểm mạnh của bản thân và thể hiện rằng mình đang nghiêm túc ứng tuyển. Tất nhiên, nhà tuyển dụng cũng sẽ có thang điểm đánh giá phần giới thiệu bản thân khi phỏng vấn, những ứng viên nào tạo ấn tượng tốt, toả sáng trong phần này thì sẽ được điểm cao. Ngược lại, những ai giới thiệu sơ sài, hời hợt, trôi tuột một cách không cảm xúc, không đọng lại được gì, thì sẽ bị điểm thấp. Thông thường, phần giới thiệu bản thân này sẽ chiếm khoảng 10% trong tổng điểm đánh giá khi phỏng vấn.
>> Sai lầm khi giới thiệu bản thân khiến bạn bị trượt phỏng vấn
2. Thang điểm đánh giá kiến thức chuyên môn của ứng viên
Kiến thức chuyên môn là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định trực tiếp đến năng lực làm việc của mỗi người. Chính vì thế, trong buổi phỏng vấn xin việc sẽ luôn có thang điểm đánh giá kiến thức chuyên môn của ứng viên, dao động trong khoảng 4-5 câu hỏi, một số vị trí ứng tuyển quan trọng chuyên môn có thể số lượng câu hỏi sẽ nhiều hơn, nhằm đánh giá toàn diện về kiến thức chuyên ngành của ứng viên. Bạn cần lưu ý rằng trong phần này nhà tuyển dụng không chỉ hỏi lý thuyết suông, mà sẽ có một số câu hỏi liên quan tới công việc thực tiễn, để kiểm tra khả năng ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế của ứng viên. Thông thường, phần này sẽ chiếm khoảng 30% – 40% trong tổng điểm đánh giá khi phỏng vấn, với sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm làm việc thì phần kiến thức này sẽ chiếm trọng số cao, còn khi đã đi làm nhiều năm, thì trọng số phần này sẽ thấp xuống, nhường bớt cho phần đánh giá kinh nghiệm làm việc.
3. Thang điểm đánh giá kinh nghiệm làm việc của ứng viên
Đối với ứng viên đã đi làm từ 1 năm trở lên, ứng tuyển các vị trí yêu cầu kinh nghiệm làm việc, thì chắc chắn trong buổi phỏng vấn sẽ có phần thang điểm đánh giá kinh nghiệm làm việc, với những câu hỏi xoáy sâu vào năng lực làm việc và kinh nghiệm mà bạn đã tích luỹ được trong nhiều năm đi làm. Hoặc nhà tuyển dụng có thể dựa vào các thông tin bạn ghi trong CV để hỏi rõ hơn, xem ở các công ty cũ bạn thường đảm nhiệm những công việc gì, hiệu quả ra sao, đạt những thành tích nào Càng trả lời lưu loát, tự tin, đúng trọng tâm, thì bạn càng tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và được đánh giá cao. Thông thường, phần này sẽ chiếm khoảng 30% trong tổng điểm đánh giá khi phỏng vấn nếu ứng viên đã đi làm lâu năm, còn với sinh viên mới ra trường ứng tuyển thì sẽ không đánh giá phần kinh nghiệm làm việc.
>> Nhà tuyển dụng cần ứng viên mang theo những gì khi phỏng vấn?
4. Thang điểm đánh giá các kỹ năng mềm liên quan đến công việc
Khi thành thạo các kỹ năng mềm liên quan tới công việc, bạn sẽ tăng khả năng hoàn thành tốt những việc được giao, giúp cấp trên yên tâm hơn khi giao việc cho bạn. Một số kỹ năng mềm phổ biến khi đi làm chính là kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, đàm phán, quản lý thời gian, và tất nhiên sẽ không thể thiếu kỹ năng làm việc nhóm, teamwork với đồng nghiệp trong những nhiệm vụ chung. Sẽ có thang điểm đánh giá phần kỹ năng mềm của ứng viên trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra 1-2 câu hỏi cho mỗi kỹ năng mà công việc cần có, các kỹ năng quan trọng hơn sẽ được đặt nhiều câu hỏi hơn. Thông thường, phần này sẽ chiếm khoảng 10% – 20% trong tổng điểm đánh giá khi phỏng vấn xin việc.
5. Thang điểm đánh giá các phẩm chất, điểm mạnh cần thiết
Bên cạnh phần kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng mềm liên quan, thì tuỳ từng công việc sẽ có thêm những yêu cầu riêng về các phẩm chất, điểm mạnh cần thiết (thường sẽ được ghi rõ trong mô tả công việc). Chính vì thế, trong buổi phỏng vấn ứng viên sẽ có thêm thang điểm đánh giá tiêu chí này. Một số phẩm chất thường gặp như chăm chỉ, chịu khó, cẩn thận, năng động, sáng tạo, ham học hỏi,… Nếu bạn đang có những điều này thì hãy thể hiện rõ cho nhà tuyển dụng thấy, nhằm thuyết phục rằng mình hoàn toàn phù hợp với hình mẫu ứng viên mà họ đang tìm kiếm. Thông thường, phần này sẽ chiếm khoảng 10% – 20% trong tổng điểm đánh giá khi phỏng vấn xin việc.
>> 12 dấu hiệu cho thấy bạn có khả năng đậu phỏng vấn
6. Thang điểm đánh giá mức độ gắn bó lâu dài với công ty
Bất kỳ công ty nào cũng muốn tìm kiếm nhân viên vào làm việc lâu dài, chẳng ai muốn chọn một người vào làm có 3-4 tháng rồi nghỉ, mất thời gian training, đào tạo, trả lương, nhưng lại chưa kịp thích nghi với công việc, chưa đóng góp gì nhiều cho công ty mà đã xin nghỉ, rồi công ty lại phải mất công tuyển dụng lại, tìm kiếm người mới.
Chính vì thế, trong buổi phỏng vấn thường sẽ có thang điểm đánh giá mức độ gắn bó lâu dài với công ty, thông qua một số câu hỏi về quá trình làm việc ở công ty cũ, sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn, các thông tin về công việc mà ứng viên đã nắm, mức độ quan tâm đến công việc của ứng viên (thông qua các câu hỏi đặt ngược lại cho nhà tuyển dụng vào cuối buổi phỏng vấn) và giác quan nhạy bén của nhà tuyển dụng. Khi đã có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn, thì nhà tuyển dụng có thể đánh giá được điều này, mặc dù có thể chưa chính xác 100%, nhưng ít ra cũng đúng tới 70%. Thông thường, phần đánh giá mức độ gắn bó này sẽ chiếm khoảng 10% trong tổng điểm đánh giá khi phỏng vấn xin việc.
Ví dụ cụ thể về thang điểm mẫu đánh giá ứng viên khi phỏng vấn
Sau khi tìm hiểu các tiêu chí thang điểm thường gặp để đánh giá ứng viên khi phỏng vấn, chúng ta sẽ thử xem qua một số ví dụ cụ thể để hình dung rõ hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn khi phỏng vấn xin việc nhé. Dưới đây là ví dụ về thang điểm đánh giá ứng viên mới ra trường khi phỏng vấn (không có phần kinh nghiệm làm việc):
- 10% – Giới thiệu bản thân;
- 40% – Kiến thức chuyên môn;
- 20% – Kỹ năng mềm liên quan đến công việc;
- 20% – Các phẩm chất, điểm mạnh cần thiết;
- 10% – Mức độ gắn bó lâu dài với công ty.
Còn dưới đây là ví dụ về thang điểm đánh giá ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc:
- 10% – Giới thiệu bản thân;
- 30% – Kiến thức chuyên môn;
- 30% – Kinh nghiệm làm việc;
- 10% – Kỹ năng mềm liên quan đến công việc;
- 10% – Các phẩm chất, điểm mạnh cần thiết;
- 10% – Mức độ gắn bó lâu dài với công ty.
Trên đây chỉ là một số ví dụ, còn trên thực tế thì từng công ty, từng vị trí ứng tuyển sẽ có những sự thay đổi khác, có thể bổ sung/bỏ bớt một số tiêu chí, hoặc thay đổi trọng số giữa các tiêu chí, chứ không nhất thiết phải theo đúng mẫu thang điểm ở trên. Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng phỏng vấn xin việc có thang điểm đánh giá theo các tiêu chí nào? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Buổi phỏng vấn xin việc thường kéo dài bao lâu, bao nhiêu phút?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.