Trong học tập, trong cuộc sống và cả khi đi làm sau này, bất kỳ sinh viên nào cũng phải trải qua những khó khăn, thử thách. Sẽ có những lúc các em xuất sắc vượt qua, nhưng cũng có lúc mình phải đối mặt với kết quả tệ hơn mong đợi. Dưới đây là 6 thất bại thường gặp của sinh viên và cách vượt qua:
>> Sinh viên tự ti về bản thân thì phải làm sao?
1. Rớt chuyên ngành – Thất bại thường gặp của sinh viên
Lựa chọn chuyên ngành sao cho phù hợp là một bài toán khó mà tân sinh viên phải tự giải đáp khi lên đại học. Các em phải đắn đo, cân nhắc rất nhiều tiêu chí, để xem mình thích ngành nào, phù hợp với ngành nào, có thể gắn bó lâu dài với ngành ấy hay không. Sau khi lựa chọn được chuyên ngành, thì cuộc chiến chuyên ngành bắt đầu. Tức là sinh viên phải có điểm xét chuyên ngành cao hơn điểm chuẩn của ngành đó, của trường đó, thì mới được vào đúng chuyên ngành mà mình mong muốn. Còn nếu như điểm xét chuyên ngành của các em bị thấp, không đủ điểm chuẩn, thì đành phải ngậm ngùi lựa chọn một chuyên ngành khác, đó gọi là rớt chuyên ngành.
Đây là một thất bại thường gặp của sinh viên, đồng thời, cũng chính là thất bại đầu tiên của tân sinh viên khi lên đại học. Lúc đó, chắc chắn các em sẽ rất buồn, tủi thân, thậm chí là tự ti về năng lực của chính mình. Nhưng các em cần phải mạnh mẽ vượt qua, hãy cân nhắc xem mình còn phù hợp với những chuyên ngành nào khác nữa, vì có rất nhiều con đường khác nhau để dẫn đến thành công. Và quan trọng là trong quá trình học tập các em cố gắng ra sao, còn việc lựa chọn chuyên ngành chỉ mới là bước đầu tiên thôi, đừng để việc rớt chuyên ngành khiến mình chùn bước nhé.
2. Điểm trung bình thấp, rớt môn ở đại học
Trong cùng một lớp, cùng học một môn, cùng một giảng viên, nhưng lại có những bạn được điểm cao, trong khi vẫn có một số bạn lại có điểm trung bình thấp, thậm chí là bị rớt môn ở đại học. Đây cũng chính là một thất bại thường gặp của sinh viên, và nó mang lại nhiều hệ quả không mong muốn. Điểm trung bình môn học thấp sẽ kéo điểm trung bình tích luỹ xuống, ảnh hưởng xấu đến xếp loại tốt nghiệp của sinh viên khi ra trường. Rớt môn là một thất bại khiến sinh viên cảm thấy cực kỳ buồn, hoài nghi về năng lực bản thân, ngại khi phải đối mặt với bạn bè, gia đình.
Chính vì thế, khi gặp phải thất bại này, đặc biệt là khi lần đầu rớt môn ở đại học, thì sinh viên sẽ dễ bị suy sụp, tâm lý bất ổn và phải mất một thời gian dài mới có thể bình tâm lại. Đó là điều bình thường, vì rớt môn thật sự không phải điều mà sinh viên dễ dàng vượt qua. Điều quan trọng là sau khi bình tâm lại thì các em sẽ làm gì để mình học tốt hơn, các em đã rút ra được những kinh nghiệm gì để mình không bị điểm kém, không bị rớt môn trong tương lai. Hãy cố gắng chăm chỉ, tập trung hơn và nghiêm túc hơn trong việc học để mang về kết quả học tập tốt nhé.
>> Bí quyết giúp sinh viên chống rớt môn ở đại học
3. Rớt khi ứng tuyển CLB – Thất bại thường gặp của sinh viên
Bị rớt khi ứng tuyển CLB cũng là một thất bại thường gặp của sinh viên, nhất là với sinh viên năm nhất khi vừa lên đại học. Các em sẽ thấy có rất nhiều CLB khác nhau trong trường và rất muốn mình được vào làm thành viên trong đó. Khi ấy, tân sinh viên sẽ hào hứng apply vào CLB mà mình yêu thích, nhưng trớ trêu thay là các em có thể bị rớt, trong khi các bạn khác lại đậu. Khi đó, các em sẽ dễ bị tủi thân, thậm chí tự trách mình yếu kém, vì có mỗi việc ứng tuyển thành viên CLB mà cũng thất bại. Đừng quá buồn, thua keo này ta bày keo khác, hãy thử nhìn lại xem mình bị rớt vì những lý do gì, sau đó, hãy rút kinh nghiệm để khắc phục chúng, rồi chờ đợt tuyển thành viên tiếp theo của CLB để apply lại, hoặc các em cũng có thể ứng tuyển các CLB khác, vì ở đại học sẽ có rất nhiều CLB thú vị để sinh viên trải nghiệm đấy.
>> 7 câu hỏi phỏng vấn CLB sinh viên phổ biến nhất
4. Thất bại vì không hoàn thành tốt kỳ thực tập
Thông thường, sinh viên năm 4 cần phải đi thực tập, sau đó sẽ làm báo cáo thực tập và khoá luận tốt nghiệp trước khi ra trường. Đây là cơ hội để sinh viên tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế và ứng dụng các kiến thực đã học vào công việc. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng trải qua kỳ thực tập một cách suôn sẻ. Vẫn có nhiều sinh viên loay hoay mãi nhưng không tìm được công ty thực tập, rải CV cũng nhiều nhưng không được gọi đi phỏng vấn, hoặc đi phỏng vấn nhưng không được chọn. Đây chính là một cú sốc và thất bại thường gặp của sinh viên, vì thật ra phỏng vấn thực tập không quá khó, rõ ràng bản thân các em đang còn nhiều thiếu sót nên mới không tìm được chỗ thực tập.
Chưa dừng lại ở đó, khi được vào thực tập rồi, thì cũng có một số sinh viên không quen với công việc, không hoàn thành tốt công việc dù đã được training, hướng dẫn. Điều này đã khiến các em không hoàn thành tốt kỳ thực tập và bị công ty đánh giá không tốt. Một bài học rút ra trong thất bại này chính là hãy chuẩn bị kỹ lưỡng CV, kỹ năng phỏng vấn và cố gắng nêu bật những điểm mạnh của bản thân khi phỏng vấn thực tập sinh. Đồng thời, trong suốt kỳ thực tập, các em cần phải tập trung tiếp thu những gì được công ty training, chỗ nào chưa biết làm thì hãy mạnh dạn hỏi, để có thể hoàn thành tốt kỳ thực tập.
>> Sinh viên đi phỏng vấn thực tập thường mắc những lỗi gì?
5. Thi TOEIC mãi mà không đủ điểm để ra trường
Tiếng Anh vẫn là câu chuyện khiến không ít sinh viên đau đầu, thậm chí chuẩn TOEIC đầu ra để tốt nghiệp ra trường cũng là cơn ác mộng của không ít sinh viên. Thi TOEIC mãi mà không đủ điểm để ra trường chính là một trong những thất bại thường gặp của sinh viên năm cuối. Nguyên nhân là vì các em chưa chú trọng việc học Tiếng Anh, khiến mình bị mất căn bản từ lâu, rồi tới khi sắp tốt nghiệp ra trường, nước tới chân mới nhảy, mới chịu đăng ký đi luyện thi TOEIC với hy vọng sẽ đạt chuẩn đầu ra để ra trường. Nhưng chính vì tự gấp gáp ấy mà các em phải đối mặt với thất bại, thi TOEIC mãi mà không đủ điểm để ra trường. Vậy giải pháp cho vấn đề này chính là hãy chú trọng học Tiếng Anh ngay từ năm nhất, năm 2, còn nếu lỡ tới năm 4 rồi, thì các em phải cố gắng và tập trung ôn luyện gấp 2, gấp 3 lần, thì mới có thể đạt kết quả tốt.
>> Không giỏi Tiếng Anh thì làm sao để thi TOEIC 500?
6. Thất bại vì xếp loại tốt nghiệp không như mong muốn
Đa số sinh viên đều kỳ vọng rằng mình sẽ tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại khá – giỏi. Thế nhưng không phải sinh viên nào cũng làm được điều đó, vẫn có nhiều bạn đạt xếp loại tốt nghiệp không như mong muốn. Dù các em vẫn tốt nghiệp ra trường bình thường, nhưng đây có thể xem là một thất bại thường gặp của sinh viên, vì xếp loại tốt nghiệp cũng góp phần quyết định đến cơ hội việc làm của sinh viên mới ra trường.
Vậy làm thế nào để vượt qua thất bại này? Giải pháp chính là các em hãy tập trung vào các tiêu chí khác, vì nhà tuyển dụng sẽ có rất nhiều tiêu chí khác nhau để đánh giá ứng viên, chứ không phải chỉ dựa vào xếp loại tốt nnghiệp. Chẳng hạn như kỹ năng mềm liên quan đến công việc, các em hãy cố gắng trau dồi chúng. Hoặc là theo học các chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn khác liên quan đến ngành mà mình muốn làm việc. Đồng thời, các em cũng cần trau chuốt CV ứng tuyển, tham khảo các câu hỏi phỏng vấn thường gặp và cố gắng nêu bật những điểm mạnh của mình trong buổi phỏng vấn.
Trên đây là 6 thất bại thường gặp của sinh viên và cách vượt qua. Hy vọng chúng sẽ hữu ích với các em. Thất bại là mẹ thành công mà, các em có thể buồn, nhưng đừng để thất bại làm mình chùn bước. Hãy dựa trên những thất bại ấy để rút kinh nghiệm, đúc kết ra những bài học quý giá để bản thân mình trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn nhé. Chúc các em thành công!
>> Phải làm sao khi thất bại nhiều lần liên tiếp?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.