Đâu đó bạn sẽ bắt gặp những người cực kỳ tài giỏi, thông minh về IQ, nhưng cách hành xử và lời nói của họ thì lại hơi kỳ, nhiều lúc đụng chạm tới người khác mà không hay biết. Tức là khi bạn giỏi giang, thông minh, thì cũng chưa chắc rằng lúc nào bạn cũng hành xử đúng, cũng có được ấn tượng tốt trong mắt mọi người xung quanh. Để được mọi người quý mến và đánh giá cao về thái độ, lời nói, cách hành xử, thì bạn cần phải tập trung trau dồi thêm về trí thông minh cảm xúc EQ nữa. Vậy trí thông minh cảm xúc EQ là gì, giúp ích thế nào cho bạn?
>> Tư duy sáng tạo là gì, làm thế nào để rèn luyện hiệu quả?
Trí thông minh cảm xúc EQ là gì?
EQ là từ viết tắt của Emotional Quotient, tức là khả năng kiểm soát cảm xúc, đặt để bản thân mình vào vị trí của người khác để đồng cảm với họ, từ đó, bạn sẽ dễ dàng điều tiết được tư duy, hành động, lời nói và thái độ của mình sao cho vừa đảm bảo chuẩn mực, vừa có sự đồng cảm, vừa tránh được những tình huống vô duyên, vạ miệng, khiến người khác mất thiện cảm với mình. Khi được so sánh với IQ, thì EQ cũng được gọi với một cái tên khá “kiêu”, đó là “trí thông minh cảm xúc”, tức là bên cạnh trí thông minh liên quan tới tư duy (IQ), thì khi bạn kiểm soát cảm xúc tốt, đó cũng là một biểu hiện của trí thông minh. Cụ thể hơn, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sự khác biệt giữa EQ và IQ trong phần tiếp theo.
Trí thông minh EQ và IQ khác nhau như thế nào?
Trước khi giải đáp trí thông minh EQ và IQ khác nhau như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn xem IQ là gì? IQ chính là chỉ số đo lường sự thông minh của não bộ, thể hiện rõ nét trí thông minh về khả năng tư duy, suy luận, phân tích, tổng hợp thông tin và ra quyết định một cách chính xác, nhạy bén, logic. Vậy cùng liên quan tới trí thông minh, nhưng EQ nó sẽ thiên về cảm xúc, về thái độ, sự đồng cảm, còn IQ nó sẽ thiên về lập luận, tư duy logic. Đó là điểm khác biệt cơ bản và rõ nét giữa EQ và IQ. Trong học tập, công việc và cuộc sống, để có thể phát triển bản thân, theo đuổi mục tiêu và tăng cơ hội chạm tay tới thành công, thì bạn cần phải liên tục trau dồi, nâng cao cả EQ và IQ, đồng thời, bạn cần cố gắng cân bằng 2 loại trí thông minh này, biết cách linh hoạt sử dụng chúng khi cần thiết, tránh trường hợp quá thiên về 1 trong 2 bên.
>> Cách gạt bỏ cảm xúc cá nhân ra khỏi công việc
Trí thông minh cảm xúc EQ giúp ích thế nào cho bạn?
Để giải đáp câu hỏi trí thông minh cảm xúc EQ giúp ích thế nào cho bạn, chúng ta sẽ cùng quay trở lại trường hợp được nêu ra ở đầu bài viết. Xung quanh bạn chắc hẳn sẽ có nhiều người tài giỏi, thông minh về tư duy, họ đạt kết quả học tập tốt, điểm số cao, hoặc luôn mang về kết quả làm việc tốt, đạt nhiều thành tựu trong công việc, trong sự nghiệp. Trong số đó, vẫn sẽ tồn tại một vài người có cách hành xử và lời nói chưa được tốt lắm, có phần kỳ cục và khá cứng nhắc, nguyên tắc, thiếu sự đồng cảm khi ra quyết định. Có thể về năng lực chuyên môn, về trí thông minh, tư duy logic, thì họ được đánh giá là xuất sắc, “đỉnh của chóp”, nhưng xét về trí thông minh cảm xúc EQ thì họ đang khá yếu, và điều đó có thể dẫn tới nhiều hệ luỵ không mong muốn, điển hình là sẽ kiềm hãm sự phát triển và đánh mất nhiều cơ hội trong tương lai.
Chẳng hạn như khi gặt hái được một thành tựu lớn trong công việc, nhờ chính sự nỗ lực, tài năng và thông minh của bản thân, thì những người chưa kiểm soát được trí thông minh cảm xúc EQ sẽ dễ bị tự cao về bản thân, đâm ra xem thường những người xung quanh, không hiểu được “cái khó” của những người chưa giỏi bằng mình, rồi tự quy chụp, đánh giá không tốt về những người ấy. Chắc hẳn bạn đã biết tới một trường hợp gần đây, một cô hoa hậu vừa đăng quang được vài ngày, nhưng lại lỡ vạ miệng khá nhiều lần, điển hình là việc đánh giá thấp những người bạn đồng trang lứa, quy chụp rằng những bạn trẻ khác chưa cố gắng bằng mình, chưa thành công như mình. Điều này đã khiến cô hoa hậu ấy nhận về rất nhiều chỉ trích, có thể bạn không cố tình, không có ý đó, nhưng cách phát ngôn của bạn chưa chuẩn xác, nhất là khi mình đang ở cương vị một người nổi tiếng, cần phải cẩn trọng hơn về tư duy, lời nói, hành động.
Yếu tố giúp bạn cân bằng những điều đó chính là trí thông minh cảm xúc EQ, nó sẽ giúp bạn giao tiếp khéo léo hơn, ứng xử phù hợp hơn, được lòng mọi người hơn. Vậy làm sao để củng cố, trau dồi trí thông minh cảm xúc EQ?
>> Cãi nhau, mâu thuẫn khi làm việc nhóm thì phải làm sao?
Làm sao để củng cố, trau dồi trí thông minh cảm xúc EQ?
Khi nhắc tới trí thông minh, không ít người cho rằng nó là yếu tố bẩm sinh, khó lòng rèn luyện, trau dồi. Đây là một quan điểm chưa hoàn toàn chính xác, đừng bao giờ đổ lỗi hoàn toàn cho số phận, đừng tự nhốt mình trong suy nghĩ rằng tôi dở, tôi không làm được, tôi cố gắng cũng không thay đổi được. Chính suy nghĩ ấy sẽ đốt cháy mọi nỗ lực, dập tắt mọi sự cố gắng, kiềm hãm năng lực của bạn, khiến bạn khó lòng phát triển bản thân. Đồng ý rằng có một số người được sinh ra ở vạch đích, tự dưng có sẵn nhiều ưu điểm, lợi thế, thông minh nhanh nhạy hơn bạn đồng trang lứa ngay từ khi còn nhỏ, nhưng đó chỉ là điểm xuất phát đầu tiên, nếu họ không tiếp tục nỗ lực, cố gắng để nâng cao năng lực bản thân, thì sẽ khó lòng chạy đường dài, sẽ dần bị thụt lùi lại phía sau, và chưa chắc họ sẽ thành công hơn những bạn khác trong tương lai.
Quay trở lại với chuyện làm sao để củng cố, trau dồi trí thông minh cảm xúc EQ, thì đầu tiên, bạn phải thay đổi về tư duy, phải tin rằng mình hoàn toàn có thể rèn luyện được điều này, để dần trở thành một người khéo léo, tinh tế hơn trong lời nói và hành động, chính điều này sẽ tiếp thêm động lực và quyết tâm để bạn thay đổi. Tiếp theo, bạn phải xác định rằng điều này cần một thời gian dài để thay đổi, chứ không thể tự dưng trở thành một người có trí thông minh cảm xúc EQ tốt chỉ sau 2-3 tuần, hoặc 1-2 tháng, không thể ép mình gấp gáp như thế, nó chỉ khiến bạn áp lực hơn và dễ chán nản hơn thôi.
Tiếp theo, bạn cần phải học cách đồng cảm với mọi người xung quanh, kiểm soát cảm xúc của mình trước khi đưa ra bất kỳ quyết định, lời nói, hành động nào. Điều này có thể gói gọn trong 2 chữ “tinh tế”, tức là bạn vẫn ra quyết định chính xác, vẫn dựa vào lập luận, tư duy logic, nhưng bạn cần phải đặt để thêm yếu tố cảm xúc vào để cân bằng, để mình trở nên tinh tế hơn, tránh việc quá cứng nhắc, nguyên tắc. Bên cạnh đó, khi bạn đạt được những thành tích, thành tựu, thì bạn cần giữ cho mình thái độ khiêm tốn, hoà nhã, tránh trường hợp vội đắc ý, tự cao, vì có thể sẽ dẫn tới những hành động, phát ngôn thiếu tinh thế thường gặp ở những người có trí thông minh cảm xúc EQ thấp. Ngoài ra, bạn cũng có thể tâm sự, trò chuyện với mọi người xung quanh nhiều hơn, để lắng nghe quan điểm, tư duy, thấu hiểu được các cung bậc cảm xúc, đồng cảm được nhiều hơn với những người thân quanh mình, từ đó, trí thông minh cảm xúc EQ của bạn cũng sẽ được củng cố hơn.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn rằng trí thông minh cảm xúc EQ là gì, giúp ích thế nào cho bạn, làm sao để củng cố, trau dồi trí thông minh cảm xúc EQ? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Làm sao để rèn luyện trí thông minh và cách tư duy logic?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.