Viết CV là một kỹ năng mà tất cả chúng ta đều cần phải rèn luyện, để giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển cho bản thân khi ứng tuyển bất kỳ công việc nào. Khi chưa có nhiều kinh nghiệm viết CV, thậm chí là trong lần đầu viết CV, thì bạn sẽ dễ bị lúng túng, không biết nên trình bày phần học vấn như thế nào để gây ấn tượng. Đừng quá lo lắng, dưới đây là cách trình bày phần học vấn trong CV ứng tuyển mà bạn có thể tham khảo:
>> CV xin việc thường dài bao nhiêu trang?
Trường và ngành học trong CV ứng tuyển
Nếu bạn tốt nghiệp trường danh tiếng, thì nhà tuyển dụng sẽ có thiện cảm với bạn, nhưng không vì thế mà nhà tuyển dụng hắt hủi khi bạn học trường không danh tiếng đâu. Trên thực tế, trường mà bạn tốt nghiệp không quá quan trọng khi ứng tuyển, vì điều quan trọng là bạn đã nắm vững kiến thức chuyên ngành chưa, chứ không phải là bạn tốt nghiệp trường gì. Tuy nhiên, phần học vấn trong CV ứng tuyển vẫn cần phải ghi rõ tên trường mà bạn đã tốt nghiệp.
Ngành học là yếu tố mà nhà tuyển dụng cực kỳ quan tâm khi sàng lọc CV ứng tuyển, vì đa số vị trí tuyển dụng sẽ đều ghi rõ yêu cầu ứng viên tốt nghiệp những ngành nào. Nếu bạn học không đúng chuyên ngành mà vị trí đó cần, và cũng chẳng tích luỹ thêm những chứng chỉ liên quan nào, thì khả năng cao rằng bạn sẽ bị loại trong vòng sàng lọc CV. Tất nhiên, ngành học cũng là điều bắt buộc bạn phải trình bày trong CV ứng tuyển, nếu bỏ trống thì khả năng cao là CV của bạn cũng bị bỏ lơ.
>> Cần làm nổi bật những điều gì trong CV ứng tuyển?
Xếp loại tốt nghiệp và điểm trung bình GPA
Xếp loại tốt nghiệp và điểm trung bình GPA là những yếu tố quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá phần học vấn của ứng viên trong CV ứng tuyển. Nếu có xếp loại tốt nghiệp và điểm trung bình GPA tốt, thì bạn sẽ có điểm cộng và tạo được thiện cảm với nhà tuyển dụng khi sàng lọc CV. Chính vì thế, nếu kết quả học vấn của bạn tốt, thì bạn hãy làm nổi bật chúng trong CV ứng tuyển nhé. Tất nhiên, điều này chỉ giúp bạn toả sáng trong vòng CV, còn khi đến vòng phỏng vấn, nhà tuyển dụng vẫn sẽ hỏi những câu liên quan đến chuyên môn để kiểm tra xem bạn có thật sự vững kiến thức chuyên ngành chưa.
Ngoài ra, có không ít ứng viên băn khoăn rằng, nếu mình có xếp loại tốt nghiệp và điểm trung bình GPA chưa tốt, thì có bắt buộc phải trình bày trong CV không, hay là cứ âm thầm giấu chúng đi. Nếu kết quả của bạn chỉ ở mức trung bình, thì bạn không nên đề cập đến trong CV ứng tuyển, còn nếu ở mức khá, thì bạn vẫn nên trình bày trong CV. Tất nhiên, điều quan trọng vẫn là bạn thể hiện như thế nào khi phỏng vấn, tức là bạn cần cố gắng trau dồi kiến thức chuyên ngành, để đảm bảo rằng khi được nhà tuyển dụng hỏi, thì bạn có thể trả lời tốt nhé.
>> 4 sai lầm khiến bạn rải CV mà không công ty nào phản hồi
Các chứng chỉ ở phần học vấn trong CV ứng tuyển
Bên cạnh trường, ngành học, điểm trung bình, thì bạn cũng có thể làm nổi bật phần học vấn trong CV ứng tuyển bằng những chứng chỉ, bằng cấp liên quan. Tức là mình càng chủ động học hỏi thêm, tích luỹ được nhiều chứng chỉ chuyên môn, thì sẽ càng trở thành ứng viên nổi trội trong mắt nhà tuyển dụng. Hoặc nếu bạn học trái ngành, muốn đi làm trái ngành, thì các chứng chỉ chuyên môn này sẽ cực kỳ quan trọng để giúp bạn có được tấm vé bước vào vòng phỏng vấn đấy.
Tuy nhiên, có một điều bạn cần lưu ý là đừng liệt kê quá nhiều chứng chỉ trong phần học vấn, vì nó sẽ khiến nội dung CV ứng tuyển của bạn bị dài lê thê. Thay vào đó, bạn nên chọn lọc khoảng 3-4 chứng chỉ liên quan nhất, và mình đạt kết quả tốt nhất để đưa vào CV ứng tuyển. Không cần quá nhiều, chỉ cần chất lượng là được. Trên đây là cách trình bày phần học vấn trong CV ứng tuyển mà bạn có thể tham khảo, hy vọng nó sẽ hữu ích với bạn, đặc biệt là với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm viết CV. Chúc bạn ứng tuyển thành công và tìm được một công việc như mong muốn!
>> Phải làm sao khi gửi CV mà chưa thấy công ty phản hồi?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.