Tự Học TOEIC Online – Part 1 Listening Và Những Điều Cần Lưu Ý

Nếu đang có dự định sẽ tự ôn thi TOEIC để phục vụ cho công việc hoặc để nộp bằng TOEIC trước khi ra trường, thì chắc hẳn bạn cần bắt đầu từ Part 1, phần Listening, đây được xem như một phần đơn giản nhất, dễ lấy điểm nhất trong đề thi TOEIC, nếu được thì cần ráng ôn luyện sao cho có thể lấy full điểm luôn thì càng tốt, sẽ giúp bạn giảm tải áp lực điểm số trong các phần tiếp theo. Trong bài viết này, Tự Tin Vào Đời sẽ giúp bạn tự học Online TOEIC Listening Part 1 theo cách đơn giản và hiệu quả nhất, kèm theo những điều cần lưu ý khi làm bài thi trong Part 1.

1. Tự học Part 1 TOEIC dễ hay khó?

Trước khi bắt đầu, chắc hẳn rằng nhiều bạn đang cực kỳ thắc mắc, không biết liệu chuyện tự học Part 1 TOEIC có khả thi không, dễ hay khó, nếu chưa tự tin lắm về năng lực Anh Ngữ của mình thì liệu có tự học được không? Câu trả lời là có thể, vì thực chất Part 1 TOEIC có số lượng câu hỏi ít, và hình thức làm bài + yêu cầu cũng đơn giản, những ai chưa tự tin vào năng lực ngoại ngữ, chỉ mới biết các từ vựng đơn giản, thông dụng, thì vẫn có thể nghe hiểu, tự học và làm được bài, chứ sẽ chưa tới mức nâng cao hay quá khó như các phần phía sau. Nếu bạn vẫn còn đang hoài nghi, cho rằng làm sao thi TOEIC mà tự ôn, tự học được dễ như thế, thì hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn trong các phần tiếp theo nhé.

2. TOEIC Part 1 Listening có bao nhiêu câu hỏi?

Part 1 là phần đầu tiên trong đề thi TOEIC, và cũng trùng hợp rằng đây là phần có số lượng câu hỏi ít nhất trong phần Listening nói riêng và trong tất cả 7 Part TOEIC nói chung. Theo cấu trúc đề thi cũ, thì TOEIC Part 1 Listening có 10 câu hỏi, tuy nhiên, hiện tại số lượng câu hỏi đã bị lược giảm, chỉ còn có 6 câu (cập nhật năm 2024). Điều này khiến nhiều bạn khi mới tiếp xúc với đề thi TOEIC cảm thấy cực kỳ thắc mắc, rằng ủa tại sao TOEIC có tổng cộng 200 câu, nếu chia đều cho 7 Part thì cũng xấp xỉ khoảng 28 câu mỗi phần, dù có ít hơn thì cũng tầm 15-20 câu, chứ sao lại có mỗi 6 câu, quá ít như thế, liệu nếu làm đúng hết cả 6 câu trong Part 1 này thì chúng ta sẽ tích luỹ được bao nhiêu điểm?

>> Sinh viên có nên đi luyện thi TOEIC ở trung tâm không?

3. Part 1 chiếm bao nhiêu điểm trong đề thi TOIEC?

Thật ra, cách tính điểm TOEIC nó sẽ theo quy tắc phức tạp, phụ thuộc vào số lượng câu mà bạn làm đúng thì sẽ có các mức quy đổi điểm khác nhau, thậm chí nó còn thay đổi theo độ khó của đề thi, rằng cùng đúng số lượng câu như nhau, nhưng đề nào khó hơn sẽ ra điểm cao hơn, chứ không phải rải đều điểm cho từng câu. Còn để ước lượng 1 cách tương đối để tham khảo, thì làm đúng 6 câu sẽ được khoảng 40 điểm TOEIC, thấy có vẻ cũng ít ỏi, nên nhiều bạn cũng tự hỏi rằng liệu mình bỏ thời gian & công sức ôn Part 1 có đáng không, có cần thiết không?

Thật ra, để tối ưu điểm thi TOEIC, thì bạn cần nỗ lực để làm đúng càng nhiều câu càng tốt. So với phần Reading, thì phần Listening được đánh giá là dễ thở hơn, người mới học có thể dễ lấy điểm hơn. Mà trong phần TOEIC Listening thì Part 1 được xem là đơn giản nhất, nếu bạn là người chưa tự tin về năng lực Tiếng Anh của mình, thì nhất định phải ráng học để lấy được trọn vẹn điểm phần này. Giả sử như mục tiêu của bạn là TOEIC 450, tổng điểm các phần kia bạn đang được 420, nếu bạn làm đúng full 6 câu của Part 1 sẽ được tổng khoảng 460 điểm, đạt mục tiêu. Còn lỡ bạn chỉ làm được phân nửa thì tổng chỉ được 440 điểm, không đạt mục tiêu cực kỳ đáng tiếc.

4. Cấu trúc & yêu cầu trong TOEIC Listening Part 1

Nếu mở phần Part 1 TOEIC Listening ra, thì ngay lập tức bạn sẽ nhìn thấy 6 tấm hình, và đây cũng là điều đặc biệt của phần này, yêu cầu bạn phải lắng nghe miêu tả hình/tranh, rồi chọn ra đáp án nào miêu tả đúng nhất, loại bỏ các đáp án miêu tả sai, không liên quan. Về cấu trúc, thì mỗi bức hình sẽ tương ứng với 1 câu, mỗi câu sẽ có 4 đáp án, tương đương với 1 lời miêu tả, vậy thì tổng cộng 6 câu sẽ có 24 lời miêu tả.

Nghe có vẻ đơn giản, rằng chỉ cần nhìn hình, rồi nghe xem câu nào miêu tả đúng thì chọn thôi, nhưng cũng đòi hỏi bạn phải có khả năng nghe ở mức ổn áp, nắm được các từ vựng thường gặp, vượt qua được một số bẫy trong phần này và có chiến lược làm bài đúng đắn cho Part 1 này, cụ thể hơn, chúng ta sẽ tìm hiểu cách phân tích 2 dạng hình/tranh trong TOEIC Part 1 ở phần tiếp theo.

>> 6 sai lầm thường gặp khi tự học TOEIC khiến bạn không đạt được mục tiêu

5. Cách phân tích 2 dạng hình/tranh trong TOEIC Part 1

Để tăng khả năng làm tốt TOEIC Part 1, bạn nên tranh thủ thời gian nhìn trước tấm ảnh, rồi ngầm phân tích trong đầu về những câu miêu tả có khả năng sẽ xảy ra, từ đó, bạn cũng sẽ dễ tìm ra câu trả lời đúng/loại bỏ câu sai khi lắng nghe từng câu miêu tả. Chủ đề hình/tranh trong TOEIC Part 1 sẽ rất đa dạng, chúng ta sẽ không thể lường trước hay đoán đề, vì thực chất bất kỳ điều gì, sự việc, hành động, ngữ cảnh nào trong cuộc sống cũng đều có thể tái hiện qua những bức tranh/ảnh và được đưa vô đề thi TOEIC một cách không trùng lặp. Tuy nhiên, để bạn dễ dàng phân tích hình ảnh trong TOEIC Listening Part 1 hơn, thì chúng ta có thể chia thành 2 dạng hình/tranh chủ yếu, đó là dạng có người (chủ thể là người) và không có người (chỉ có đồ vật), mỗi dạng ảnh sẽ có các lưu ý khác nhau khi phân tích như sau:

5.1. Dạng ảnh có người

  • Xác định chủ ngữ/danh từ chỉ người: Trong hình có bao nhiêu người, giới tính (men, women, boy, girl), đoán nghề nghiệp/vai trò (teacher, customer…);
  • Xác định động từ V-ing: Người trong hình đang làm gì (looking, working, writing), đang mặc/đeo gì trên người (wearing);
  • Xác định tân ngữ: Vật đang tiếp xúc với chủ thể người trong hình (table, chair, pen, glass, book,…).

Lưu ý đặc biệt: Trong dạng ảnh có người vẫn có thể miêu tả đồ vật, chứ không bắt buộc cứ có người là phải miêu tả người, chúng ta sẽ tìm hiểu cách phân tích dạng ảnh không có người (miêu tả đồ vật) trong phần tiếp theo.

5.2. Dạng ảnh không có người

  • Xác định chủ ngữ: Trong hình có các đồ vật nào, tự nhẩm từ vựng về tên các đồ vật đó, lưu ý số ít hay số nhiều;
  • Xác định vị trí/đặc điểm: Các đồ vật đặt ở đâu (trước/sau/trên bàn, dưới đất,…), đặc điểm (to/nhỏ, cao/thấp,…).

6. Những điều cần lưu ý để lấy full điểm TOEIC Part 1

Để lấy full điểm TOEIC Part 1, bên cạnh việc cần biết cách phân tích hình/tranh trước khi làm bài, thì bạn cần lưu ý thêm những điều sau:

  • Cố gắng học nghĩa của các từ vựng thường gặp, đa số đều là các sự vật, sự việc, hoạt động trong bối cảnh thường ngày, không chỉ giúp bạn vượt qua TOEIC Part 1, mà còn hữu ích khi sử dụng, giao tiếp Tiếng Anh sau này;
  • Luyện cách phát âm chuẩn xác theo IPO, vì khi bạn phát âm đúng thì mới tăng khả năng nghe đúng, tránh trường hợp mình phát âm sai, rồi nghe sai, hiểu sai, làm sai, dù mình có biết tới từ vựng đó;
  • Luyện tập nhiều, thường xuyên giải đề để quen với các cách miêu tả, giúp tăng khả năng phân tích tranh và đoán đúng rằng sẽ có câu miêu tả thế nào;
  • Lưu ý không chọn các đáp án về những hành động không thể miêu tả/phản ánh qua tranh ảnh, chẳng hạn như đang mặc vào/cởi ra (put on/take off), còn khi món đồ đã/đang có sẵn trên người, thì sẽ dùng từ wearing (wearing a hat, tie,…);
  • Lưu ý tránh tự ý dự đoán hành động, đó sẽ là các đáp án sai không nên chọn, chẳng hạn như trong hình có cái radio, nhưng không được đoán là người đó đang nghe nhạc (chưa chắc máy đang bật), hoặc trong hình có người và cái ghế, nhưng không ở gần nhau, thì không được tự đoán là người đó đang dự định ngồi xuống ghế.
  • Khi giải đề nhiều, có khả năng bạn sẽ gặp các từ vựng lạ, rất ít khi thấy trong đề thi, bạn không nên mất công học các từ ấy, thay vào đó nên tập trung ghi nhớ các từ vựng thường gặp và thông dụng hơn, còn nếu ai có mục tiêu cao hơn, từ TOEIC 800 trở lên, hoặc muốn học để ứng dụng sau này luôn thì có thể học hết, tuỳ thoe mục tiêu và khả năng học của  mỗi người.

>> Không giỏi Tiếng Anh thì làm sao để thi TOEIC 500?

7. Có nên dùng phương pháp loại trừ khi làm Part 1?

Bên cạnh việc phân tích tranh và điểm qua những lưu ý quan trọng để đạt full điểm, thì nhiều bạn cũng thắc mắc rằng mình có nên dùng phương pháp loại trừ khi làm TOEIC Listening Part 1 không?

Câu trả lời là có, không chỉ trong phần này, mà trong tất cả part của TOEIC bạn đều có thể dùng phương pháp loại trừ, loại bỏ những câu mà mình chắc chắn là sai, có cơ sở để xác định rằng câu đó không đúng. Cụ thể khi ứng dụng phương pháp loại trừ trong Part 1 thì cực kỳ đơn giản, khi bạn nghe được những từ vựng nào không liên quan tới nội dung tranh/ảnh, thì cứ việc loại trừ, đương nhiên phải đảm bảo là mình nghe đúng và biết đầy đủ nghĩa của từ vựng đó (trường hợp 1 từ có nhiều nghĩa).

Chẳng hạn như trong hình không có người, mà đáp án đó lại miêu tả người, thì loại luôn. Hoặc trong hình không có quyển sách, mà lại miêu tả có từ book, thì không liên quan, loại luôn. Hoặc trong hình là nam, mà lại dùng từ miêu tả nữ (women/girl), thì loại luôn. Hoặc trong hình là số ít, mà lại miêu tả bằng số nhiều, thì cũng là cơ sở để mình loại trừ, xác định chắc chắn rằng đó là câu sai, sẽ không chọn câu đó. Từ đây, chúng ta cũng rút thêm được 1 chân lý khi làm bài thi TOEIC Listening, có thể áp dụng luôn cho cả Part 1 tới Part 4, rằng thà chọn câu mình không nghe được, chứ đừng bao giờ chọn đáp án mà mình chắc chắn là sai, đã có cơ sở để loại trừ nó.

Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn các thông tin về cấu trúc đề thi, yêu cầu, cách phân tích tranh/ảnh, lưu ý để làm bài điểm cao và loại trừ đáp án khi làm TOEIC Listening Part 1. Đương nhiên để làm bài một cách tối ưu nhất thì bạn cần phải học, dành thời gian ôn tập, luyện tập, giải đề, còn đây chỉ là những lưu ý và phương hướng để giúp bạn luyện Part 1 tốt hơn, thay vì cứ lao vào giải đề mà không có phương pháp cụ thể. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Xin việc, tìm việc làm năm 2024 cần bao nhiêu điểm TOEIC?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

ELSA Giúp Chỉnh Phát Âm Tiếng Anh Bằng Cách Nào?

Học Tiếng Anh Bằng App ELSA Có Hiệu Quả Không?

Không Giỏi Tiếng Anh Có Thành Công Được Không?