Sau khi tìm hiểu về các câu hỏi phỏng vấn hóc búa ở chuyên mục Tự Tin Tìm Việc (Tập 8), thì trong tập 9 này, chúng ta sẽ đi sâu vào các trải nghiệm, những lăn tăn khi sinh viên mới ra trường tìm việc & đi làm, chẳng hạn như deal lương bao nhiêu thì đủ sống, sao đi làm phải chấm công, làm vài ngày thấy không hợp, bị sếp la mắng nặng lời thì phải làm sao…
1. Mới ra trường deal lương bao nhiêu thì đủ sống?
Bên cạnh chuyện cân nhắc xem mình có hợp với công việc không, đủ khả năng hoàn thành tốt công việc không, thì những bạn sinh viên mới ra trường cũng lăn tăn rằng deal lương bao nhiêu thì đủ sống, đủ để trang trải chi tiêu mỗi tháng? Nếu chi tiêu tiết kiệm, thì sinh viên mới ra trường mỗi tháng chỉ xài tầm 7 triệu, bao gồm tiền thuê phòng trọ, ăn uống, di chuyển, mua sắm & vui chơi, giải trí, bạn nào mạnh tay hơn thì chi tầm 8 triệu. Đó là con số để các em tham khảo, chứ thực tế không thể nói với HR rằng vì mỗi tháng em chi tiêu như vậy, nên em muốn deal lương nhiêu đó cho đủ sống, nghe khá kỳ quặc và không có cơ sở.
Để deal lương thành công, các em cần dựa trên năng lực, khả năng làm việc và tạo ra giá trị thế nào cho công ty, thì mới có cơ sở để deal, thuyết phục công ty đồng ý với mức lương mình đề xuất. Mỗi người sẽ có năng lực khác nhau, nhưng thường thì sinh viên mới ra trường sẽ deal lương khởi điểm trong khoảng 6-8 triệu/tháng, rồi khi tích luỹ nhiều kinh nghiệm hơn thì sẽ được tăng lương. Nếu mức sống, chi tiêu của các em đang vượt quá con số này, thì cần kiểm soát lại, giảm bớt chi tiêu, hoặc phải nỗ lực trau dồi bản thân nhiều hơn để có thể deal lương cao hơn theo năng lực của mình.
2. Mới ra trường thắc mắc: Sao đi làm phải chấm công?
Quan trọng là hiệu quả công việc, kết quả làm việc, phải cố gắng đạt chất lượng và đúng deadline, chứ tại sao đi làm phải chấm công chi cho rắc rối, lỡ quên thì lại toang mất 1 ngày lương? Đây là băn khoăn của nhiều bạn mới ra trường, các em cho rằng mỗi người đi làm sẽ tự có trách nhiệm với công việc chứ sao phải chấm công, có chắc chấm công đầy đủ thì sẽ làm tốt công việc không?
Thật ra, công ty trả lương thì có quyền kiểm soát thời gian làm việc, nhân viên phải có mặt đầy đủ, đúng giờ, còn việc có tập trung, có làm việc đàng hoàng không thì sẽ check bằng kết quả làm việc. Bạn tự giác nhưng chưa chắc người khác tự giác, nếu công ty không có quy củ, giờ giấc lộn xộn, thì công việc sẽ bị đình trệ, lỡ có việc cần trao đổi mà nhân viên đó chưa đi làm, không ở công ty thì sao? Chưa kể việc quá thoải mái về giờ giấc sẽ xảy ra tình trạng gian lận, trốn làm, đi ra ngoài làm việc riêng, hoặc chỉ làm có 1 buổi/ngày, trong khi công ty đang trả lương để nhân viên làm full time. Chấm công là điều bình thường, các công ty cũng sẽ linh hoạt cho nhân viên được chấm công muộn hoặc quên chấm công 2-3 lần/tháng, chứ sẽ không quá gắt gao để trừ lương vô cớ.
3. Đi làm vài ngày thấy không hợp thì phải làm sao?
Bước vào công ty với tâm thế phấn khởi, vui mừng vì đã tìm được việc làm, nhưng sau 1 vài ngày lại thấy không hợp với công việc, có nhiều điều không như kỳ vọng thì phải làm sao? Bạn đang thấy không phù hợp vì những điều gì? Hãy cân nhắc xem chúng có phải điều quá nghiêm trọng không, có thể khắc phục không, chứ đừng vội xin nghỉ khi bản thân chưa suy nghĩ kỹ. Ai cũng có bỡ ngỡ khi bắt đầu công việc mới, cần có thời gian để làm quen và thích nghi, khi vượt qua giai đoạn này thì bạn sẽ thấy mình hợp với công việc hơn, mang về kết quả công việc tốt hơn.
Bất kỳ công ty nào cũng có vấn đề, chứ không hoàn hảo tuyệt đối, bây giờ bạn nghỉ việc qua công ty khác cũng sẽ gặp vấn đề khác, nên điều gì có thể chấp nhận/bỏ qua thì cứ làm thêm 1 thời gian để cân nhắc. Trừ khi bạn bị HR gạt, hứa hẹn nhiều điều nhưng thực tế công việc không được như vậy, hoặc là tính chất, nhiệm vụ công việc khác xa so với những trao đổi trong buổi phỏng vấn, thì bạn nên nghỉ luôn. Tốt nhất là trong quá trình ứng tuyển bạn cần tìm hiểu kỹ về thông tin công ty, công việc, khi phỏng vấn có những điều gì chưa rõ thì hỏi luôn, tránh rơi vào trường hợp đi làm vài ngày thấy không hợp.
4. Mới đi làm bị sếp la mắng nặng lời thì phải làm sao?
Cấp trên có quyền khó tính, trách mắng khi nhân viên làm việc chểnh mảng, mất tập trung, mang về kết quả kém, đó là điều bình thường để nhắc nhở nhân viên phải nghiêm túc làm việc hơn. Nhưng khi những lời trách mắng ấy quá nặng nề, với tần suất liên tục và giọng điệu lớn tiếng, thì sẽ khiến nhân viên bị sốc, cảm thấy ngày nào đi làm cũng bị sếp chì chiết, không được tôn trọng. Với người mới đi làm, chưa quen với áp lực công việc, thì sẽ càng dễ bị sốc hơn, dễ nghĩ tới chuyện nghỉ việc, bình thường ở nhà được ba mẹ cưng quá, sao giờ đi làm lại bị la mắng nặng lời thế này?
Thật ra, rất hiếm khi sếp mắng nhân viên vô cớ, bạn phải mắc lỗi sai thì mới bị la, vậy cách tốt nhất là hãy tập trung làm việc và hoàn thành với kết quả tốt, đừng để xảy ra sai sót thì chẳng ai la gì được. Còn nếu cấp trên là người kỳ cục, trách mắng vô cớ, nặng lời, lớn tiếng, chửi nhân viên như con, thì đó là môi trường làm việc toxic, bạn nên xin nghỉ rồi tìm công việc khác tốt hơn, sếp tốt hơn.
Bài viết này đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn, gỡ rối các khúc mắc, vấn đề thường gặp khi mới ra trường đi làm, rằng nếu bị sếp la mắng lớn tiếng thì sao, cảm thấy không hợp công việc thì sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
>> Tâm lý đi làm ngại hỏi, sợ đồng nghiệp & sếp cáu
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.