Vắng Thi Nhưng Điểm Quá Trình Cao Thì Có Bị Rớt Môn Không?

Ở đại học, sinh viên sẽ không bị ở lại lớp như hồi phổ thông, thay vào đó, các môn học sẽ tách biệt nhau, nếu bị rớt môn nào thì sinh viên chỉ cần học lại môn đó, tới khi đủ điểm thì sẽ qua môn. Mặc dù chỉ cần học lại môn bị rớt chứ không học lại cả năm, nhưng sinh viên cũng khá ngán ngẩm và không muốn mình rơi vào trường hợp ấy. Liên quan tới chủ đề này, nhiều bạn sinh viên lăn tăn rằng vắng thi nhưng điểm quá trình cao thì có bị rớt môn không? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!

>> Môn 2 tín chỉ được nghỉ bao nhiêu tiết mà không bị cấm thi?

Điểm trung bình môn học bao nhiêu thì bị rớt?

Trước khi giải đáp rằng vắng thi nhưng điểm quá trình cao thì có bị rớt môn không, chúng ta sẽ tìm hiểu xem điểm trung bình môn bao nhiêu thì bị rớt? Nếu như hồi cấp 3, dưới 5.0 bị xem là dưới trung bình, thì ở đại học sẽ có khác biệt đôi chút. Dù vẫn có một số trường đại học quy định rằng điểm trung bình môn dưới 5.0 sẽ bị rớt, nhưng đa số các trường sẽ quy ước rằng sinh viên đạt điểm môn học dưới 4.0 thì mới bị rớt, còn từ 4.0 trở lên được tính là đạt. Xem đến đây thì các em cũng thở phào nhẹ nhõm và tạm yên tâm hơn vì ngưỡng điểm rớt môn của mình được giảm đi một chút, đồng nghĩa với việc xác xuất bị rớt môn cũng sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, để chính xác nhất thì sinh viên cần tham khảo quy định chính thức của trường mình đang học xem rớt môn là dưới 4.0 hay 5.0, tránh trường hợp mình nghĩ một đằng, nhưng trường lại áp dụng một nẻo.

Điểm trung bình môn học tính theo công thức nào?

Sau khi tạm yên tâm rằng đa số trường đại học sẽ tính rớt môn khi sinh viên dưới 4.0, tức là sinh viên chỉ cần đạt điểm trung bình môn từ 4.0 trở lên trên thang điểm 10 là qua môn, thì các bạn tân sinh viên cũng lăn tăn rằng điểm trung bình môn học sẽ tính theo công thức nào, để mình còn biết mà kiểm soát, tránh để điểm bị rớt xuống mức nguy hiểm, và đây cũng là cơ sở quan trọng để giải đáp xem vắng thi có bị rớt môn không?

Điểm trung bình môn ở đại học thường được tính bởi 2 thành phần chính, đó là điểm quá trình và điểm thi cuối kỳ, trong đó, điểm quá trình sẽ là tổng hợp của rất nhiều con điểm nhỏ bên trong, chẳng hạn như điểm chuyên cần, điểm kiểm tra đột xuất, kiểm tra giữa kỳ, tiểu luận, thuyết trình nhóm,… tuỳ theo quy định của từng giảng viên, từng môn học. Thông thường, điểm quá trình sẽ được tính xong và thông báo cho sinh viên trước khi thi cuối kỳ, hoặc sinh viên cũng có thể tự tính được xem điểm quá trình môn học của mình sẽ là bao nhiêu, để tự tin và yên tâm hơn trước khi bước vào kỳ thi. Tức là trước khi thi học kỳ, sinh viên đã biết được điểm quá trình, chỉ còn chờ xem thi cuối kỳ được bao nhiêu điểm thì sẽ tự tính được điểm trung bình môn học xem mình sẽ qua môn hay rớt môn.

Công thức tính điểm trung bình môn học = Điểm quá trình x trọng số điểm quá trình + điểm thi cuối kỳ x trọng số điểm thi cuối kỳ. Trong đó, trọng số giữa điểm quá trình và điểm thi cuối kỳ sẽ dao động khác nhau theo quy định của từng giảng viên, với tỷ lệ điểm quá trình thường sẽ từ 30% – 60%, tương ứng thì điểm thi cuối kỳ sẽ có trọng số từ 70% – 40%. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:

  • Tỷ lệ 3-7: Điểm TB môn = Điểm quá trình x 30% + Điểm thi cuối kỳ x 70%
  • Tỷ lệ 5-5: Điểm TB môn = Điểm quá trình x 50% + Điểm thi cuối kỳ x 50%
  • Tỷ lệ 6-4: Điểm TB môn = Điểm quá trình x 60% + Điểm thi cuối kỳ x 40%

>> Sinh viên đại học bị điểm kém xin thi lại được không?

Vắng thi nhưng điểm quá trình cao thì có bị rớt môn không?

Vắng thi là trường hợp sinh viên không có mặt để tham gia thi cuối kỳ, đồng nghĩa với việc điểm thi cuối kỳ sẽ = 0, trong trường hợp môn học đó chia tỷ lệ 3-7, điểm thi cuối kỳ chiếm 70% thì tất nhiên sẽ bị rớt môn, vì cho dù điểm quá trình có được 10, thì tổng kết môn học cũng chỉ có 3, chưa đủ 4.0 để qua môn. Tuy nhiên, với trường hợp chia tỷ lệ 5-5 hoặc 6-4, thì một số sinh viên thấy mình cũng còn có chút hy vọng, nhất là những bạn có điểm quá trình cao. Vậy sinh viên vắng thi nhưng điểm quá trình cao thì có bị rớt môn không?

Đây là lăn tăn khá phổ biến của nhiều bạn sinh viên, tuy nhiên, các em không cần phải lăn tăn nhiều về chuyện này nữa, cũng không cần thiết phải mất công tính toán xem điểm quá trình có kéo điểm môn học mình lên trên 4.0 không, vì thực tế thì đa số trường đại học sẽ quy định rằng nếu sinh viên bị 0 điểm quá trình hoặc 0 điểm thi cuối kỳ, thì sẽ không được qua môn, mặc định sẽ bị rớt môn và phải học lại môn đó từ đầu, tức là vắng thi sẽ ngay lập tức bị rớt môn cho dù điểm quá trình cao. Nghe qua thì thấy có vẻ khắt khe, nhưng khi suy nghĩ lại thì các em sẽ thấy rằng đây là quy định khá hợp lý, vì môn học có 2 thành phần điểm chính, mà mình lại bị điểm liệt 1 trong 2 thành phần đó luôn, thì bị rớt môn phải học lại cũng là điều dễ hiểu.

Sinh viên vắng thi có xin thi lại được không?

Sau khi hiểu rằng vắng thi sẽ bị rớt môn, bất kể để quá trình cao hay thấp, thì nhiều bạn sinh viên cũng thắc mắc rằng nếu vắng thi có xin thi lại được không? Câu trả lời là có, sinh viên vắng thi nếu có lý do hợp lý, kèm theo những bằng chứng xác thực, thì sẽ được nhà trường tổ chức thi lại vào đợt thi bổ sung, với độ khó đề thi và trọng tâm kiến thức tương đương như đề thi bình thường, giảng viên cũng sẽ chấm bài thi theo đúng quy trình, chứ cũng không làm khó hay khắt khe hơn.

Tuy nhiên, mấu chốt nằm ở chỗ các em phải có lý do chính đáng, chẳng hạn như ốm đau, tai nạn, hoặc có việc gia đình quan trọng đột xuất. Nếu ốm đau, tai nạn thì phải kèm theo giấy khám, giấy nhập viện, còn chuyện đột xuất của gia đình thì cũng phải có bằng chứng kèm theo thì đơn xin thi lại mới có khả năng được duyệt cao. Đồng thời, sinh viên và gia đình cần lưu ý thông báo sớm cho nhà trường, chứ nếu để thời gian trôi qua lâu quá, qua mất đợt thi bổ sung, thì sẽ khó mà chấp thuận cho sinh viên thi lại thêm 1 đợt riêng khác nữa.

Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng vắng thi nhưng điểm quá trình cao thì có bị rớt môn không? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!

>> Sinh viên bị cấm thi trong trường hợp nào?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

4 Nguyên Nhân Khiến Sinh Viên Mất Tập Trung Khi Học

6 Câu Lạc Bộ Thể Thao Sinh Viên Có Thể Tham Gia

Điều Kiện Tốt Nghiệp Loại Giỏi Của Hệ Cao Đẳng