Làm Sao Để Tự Tin Phát Biểu Ý Kiến Trong Cuộc Họp?

Khi đi làm, chúng ta sẽ thường xuyên phải họp team, có thể là định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hoặc họp đột xuất cho các dự án, kế hoạch phát sinh, cấp bách. Trong buổi họp, bên cạnh người chủ trì, bạn sẽ thấy rằng có một số thành viên tích cực phát biểu, đóng góp ý kiến, đa số là những phát biểu hay, chính xác, đi thẳng vào vấn đề. Bạn khá ngưỡng mộ những người ấy và muốn mình sẽ được như họ, nhưng bản thân lại khá tự ti, rụt rè, không biết phải làm sao để đưa ra quan điểm, ngại cái này, sợ cái kia. Vậy phải làm sao để tự tin phát biểu ý kiến trong cuộc họp? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!

>> Nên họp vào lúc nào, buổi sáng hay chiều hiệu quả hơn?

Phát biểu trong cuộc họp để làm gì?

Trước khi giải đáp vấn đề làm sao để tự tin phát biểu ý kiến trong cuộc họp, chúng ta sẽ tìm hiểu xem phát biểu trong cuộc họp để làm gì, sẽ mang lại những lợi ích tích cực nào? Mỗi người sẽ có quan điểm riêng, nhưng thường sẽ xoay quanh một số lợi ích sau đây:

  • Giúp cuộc họp diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, họp là để lắng nghe ý kiến, quan điểm của nhau, chứ không phải chỉ có 1-2 người nói, còn lại ngồi im ru như tượng;
  • Giúp cả team tìm ra được hướng giải quyết, xử lý vấn đề một cách tối ưu nhất, khi có nhiều người cùng phát biểu ý kiến, thảo luận, phản biện, thì sẽ tổng hợp được giải pháp tốt nhất;
  • Giúp mọi người thống nhất quan điểm, hiểu ý nhau và làm việc một cách đồng bộ, logic, tránh trường hợp im im mỗi người hiểu theo một kiểu, rồi làm việc một cách lung tung, bất nhất, khiến công việc bị rối tung, đình trệ, mang về kết quả không tốt;
  • Giúp cấp trên cảm thấy được tôn trọng, nhân viên bên dưới nghiêm túc tham gia, lắng nghe và phát biểu ý kiến, chứ không ngồi im mặc kệ mình đang đưa ra vấn đề, đang cần mọi người thảo luận;
  • Giúp nhân viên cấp dưới có cơ hội toả sáng, ghi điểm, tạo ấn tượng tốt trong mắt đồng nghiệp và cấp trên, nhất là với những ai tự tin phát biểu ý kiến, thảo luận, và đa số đều là những quan điểm hay, chính xác, có tầm nhìn xa trông rộng, thể hiện rõ chuyên môn và năng lực tốt.

Vì sao bạn ngại phát biểu trong cuộc họp?

Phát biểu trong cuộc họp là một điều tốt, mang lại nhiều lợi ích tích cực, và là điều quan trọng mà bạn cần lưu tâm khi đi làm, nhất là khi mình được hiện diện trong những cuộc họp quan trọng, thì mình càng phải tập trung và tự tin phát biểu, nêu lên quan điểm, đóng góp để xây dựng nội dung cuộc họp, chứ không được ngồi im ru, vì như thế có thể khiến cấp trên đánh giá không tốt về mình và cũng khiến bạn trở nên mờ nhạt, không có gì nổi trội trong mắt mọi người. Dẫu đã hiểu rõ điều đó, và thật tâm bạn cũng muốn mình sẽ tự tin phát biểu, nhưng vẫn ngại ngùng, rụt rè, không dám mở miệng, vì sao lại như thế, vì sao bạn lại ngại phát biểu trong cuộc họp?

Đa số chúng ta sẽ ngại ngùng, không tự tin phát biểu trong cuộc họp vì không biết nên nói gì, sợ rằng mình nói bậy bạ sẽ khiến mọi người đánh giá thấp, chê cười, làm mất thời gian của mọi người, rồi tự dưng ai cũng đang hiểu đúng vấn đề mà mình lại phát biểu lạc quẻ, thì có thể mọi người sẽ cho rằng bạn đang không tập trung, lo ra, không bám theo nội dung cuộc họp. Tự dưng nghĩ tới những điều đó thôi là bạn im ru luôn, không mở miệng ra được luôn, thôi thà cứ im im, khi nào ai hỏi tới thì mình phát biểu, nêu ý kiến sau, chứ sẽ không chủ động. Song song đó, cũng có một số trường hợp có ý kiến hay, hiểu đúng vấn đề, nhưng kỹ năng giao tiếp & trình bày chưa tốt, bị run khi nói trước nhiều người, và cách trình bày lủng củng, khiến đối phương bị rối, khó hiểu, nên cũng ngại không dám tự tin phát biểu trong cuộc họp. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp cho rằng phát biểu nhiều sẽ bị đánh giá là chơi nổi, ra vẻ, sợ bị đồng nghiệp ganh ghét, nên thôi cứ im im làm người bình thường, không muốn làm ngôi sao sáng.

>> Vì sao phải họp, đi làm mà công ty họp nhiều quá thì phải làm sao?

Làm sao để tự tin phát biểu ý kiến trong cuộc họp?

Đối với trường hợp thứ 3 mà chúng ta đã phân tích trong phần trên, thì bạn cần phải thay đổi quan điểm, vì bạn đang có góc nhìn tiêu cực, chưa chính xác về chuyện phát biểu ý kiến trong cuộc họp. Bản chất chuyện phát biểu ý kiến chỉ là mình đang trao đổi, thảo luận công việc, chứ không phải rằng mình đang chơi nổi, ra vẻ, nên sẽ không có ai ganh ghét gì, hoặc nếu có thì họ mới là người sai, chứ bạn không có gì sai khi phát biểu trong cuộc họp. Còn với 2 trường hợp đầu tiên, rằng bạn không biết nên phát biểu gì, hoặc quan ngại rằng cách giao tiếp và trình bày của mình chưa tốt, thì bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau tìm cách khắc phục.

Bạn cần có sự chuẩn bị trước cuộc họp, rằng đó là buổi thảo luận về công việc gì, nội dung nào, hãy tìm hiểu sơ bộ trước để nắm được mạch nội dung, các kiến thức liên quan. Trong trường hợp đó là cuộc họp đột xuất khi bạn chưa biết sẽ họp gì, thì vào đầu buổi, khi người chủ trì chia sẻ về nội dung, bạn hãy lắng nghe kỹ để nắm bắt vấn đề, rồi tự xâu chuỗi, lọc xem mình đang nắm được các thông tin và kiến thức nào liên quan tới nội dung ấy. Tiếp theo, bạn cần xác định được mục đích cuối cùng của cuộc họp là muốn giải quyết vấn đề gì, muốn tìm giải pháp cho công việc nào, hãy luôn ghi nhớ và xoay quanh mục tiêu ấy. Tiếp theo, bạn có thể im lặng chờ 1-2 người phát biểu, nêu ý kiến trước, để xem cách trình bày và luận điểm của họ ra sao, so sánh với quan điểm của mình, nếu có những điểm khác biệt muốn phản biện, hoặc 1-2 ý muốn đóng góp xây dựng thêm, thì lúc sau bạn cứ mạnh dạn nêu ra, vì ít nhất mình cũng đã được quan sát người khác trình bày rồi, mình cứ theo hướng đó mà phát biểu, sẽ không sợ bị lạc quẻ, lạc đề, và cũng bớt đi sự lo lắng liên quan tới cách giao tiếp, vì bạn đâu phải người đứng lên phát biểu đầu tiên. Có thể bạn giao tiếp cũng chưa xuất sắc lắm, nhưng quan trọng là bạn dám nói, dám trình bày quan điểm của mình, thì đó cũng là nền tảng bước đầu để bạn xây dựng sự tự tin phát biểu trong cuộc họp.

Lắng nghe, phân tích kỹ lưỡng trước khi phát biểu

Sau khi tìm hiểu một số giải pháp giúp bạn tự tin hơn khi phát biểu ý kiến trong cuộc họp, thì còn một điều quan trọng bạn cần lưu ý chính là hãy lắng nghe, phân tích kỹ lưỡng trước khi phát biểu. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng bạn đã hiểu đúng vấn đề, nắm được mạch thảo luận của những thành viên khác, hiểu rõ quan điểm của người khác, và cộng với chuyện phân tích kỹ lưỡng cũng sẽ giúp nội dung mà bạn dự định phát biểu sẽ chuẩn xác hơn, giúp bạn tự tin hơn vào những điều mình chuẩn bị trình bày, từ đó, bạn sẽ không còn ngại ngùng, rụt rè nữa, vì mình đang sắp phát biểu một điều mình rất tâm đắc, rất tin tưởng, càng nghĩ tới lại càng tự tin hơn.

Ngược lại, nếu bạn không tập trung lắng nghe, cũng chẳng phân tích gì, mà dự định sẽ phát biểu đại, nghĩ gì nói đó, thì sẽ khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ phát biểu tào lao, đâm bang, bị mọi người chê bai, rồi lại càng khiến tâm lý bạn ngại ngùng hơn trong những cuộc họp tiếp theo, bạn nên lưu ý tránh để trường hợp ấy xảy ra với mình.

Bài viết này đã giúp bạn giải đáp băn khoăn rằng làm sao để tự tin phát biểu ý kiến trong cuộc họp? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> 46 từ vựng Tiếng Anh thường dùng trong cuộc họp

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Related posts

Bạn Có Chấp Nhận Mức Lương Thấp Hơn Để Học Hỏi & Phát Triển Không?

Quy Định Công Ty Ngày Càng Khắt Khe Thì Phải Làm Sao?

Mức Lương Ở Công Ty Cũ Là Bao Nhiêu? – Có Nên Trả Lời Không?