Đa số trường đại học sẽ cho sinh viên chọn chuyên ngành ngay từ khi nộp nguyện vọng tuyển sinh đại học, tức là mặc dù cùng một trường, nhưng với các ngành học khác nhau, sẽ có mức điểm chuẩn đầu vào khác nhau. Khi đủ điểm trúng tuyển, sinh viên sẽ được vào thẳng ngành học luôn, không cần phải xét chuyên ngành thêm nữa. Tuy nhiên, cũng có một số trường đại học tuyển sinh đầu vào đại trà, chưa phân chia ngành cụ thể, để sinh viên học tới năm 2 mới bắt đầu cân nhắc, lựa chọn ngành học, xét chuyên ngành. Khi đó, đa số sinh viên sẽ thắc mắc rằng xét chuyên ngành ở đại học có khó không, dựa trên mức điểm nào? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp trong bài viết này nhé!
>> Xét chuyên ngành ở đại học là gì, dễ hay khó?
Sinh viên xét chuyên ngành vào tháng mấy?
Tuỳ theo từng trường đại học sẽ có quy định về thời gian xét chuyên ngành khác nhau, và sẽ được công bố rõ trên các trang thông tin của trường, thường sẽ rơi vào cuối học kỳ 2, hoặc cuối học kỳ 3 của chương trình học. Tức là sau khi sinh viên đã hoàn thành tối thiểu 2 học kỳ đầu tiên, đã hoàn thành xong khoảng 8-12 môn học, đã trải qua đủ thời gian để cảm nhận, trải nghiệm, cân nhắc và có thể đưa ra lựa chọn chuyên ngành tương đối chính xác cho bản thân, thay vì phải chọn ngay từ trước khi thi đại học, khi các em vẫn còn chưa có nhiều khái niệm và hình dung gì về các ngành học.
Nếu xét chuyên ngành sau khi kết thúc học kỳ 2, thì khoảng thời gian đó sẽ rơi vào tầm tháng 5, tháng 6, còn nếu xét chuyên ngành sau khi kết thúc học kỳ 3 ở đại học, thì nó sẽ rơi vào khoảng tháng 12 hàng năm, để sinh viên kịp thời biết kết quả và đủ thời gian chuẩn bị cho học kỳ mới, học kỳ đầu tiên của chuyên ngành mà mình sẽ theo đuổi.
Xét chuyên ngành ở đại học có khó không?
Sau khi tìm hiểu sinh viên xét chuyên ngành vào tháng mấy, chúng ta sẽ cùng giải đáp xem xét chuyên ngành ở đại học có khó không? Bản chất việc xét chuyên ngành sẽ dựa trên mức điểm chuẩn, tức là từng ngành học sẽ có mức điểm chuẩn đầu vào riêng, chênh lệch dựa trên số lượng tuyển sinh, độ hot của ngành, theo số lượng sinh viên đặt nguyện vọng để xét chuyên ngành đó. Tức là sẽ xảy ra trường hợp 2 sinh viên có cùng số điểm xét chuyên ngành, nhưng có thể người này đậu, người kia trượt nếu chẳng may điểm chuẩn chuyên ngành mà bạn đó đăng ký cao hơn điểm thực tế của bạn.
Đồng thời, khi có nhiều sinh viên cùng lựa chọn 1 chuyên ngành, số lượng sinh viên chọn ngành đó càng nhiều thì tỷ lệ chọi càng kinh khủng, khả năng trúng tuyển càng ít lại, cuộc cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, khó hơn gấp bội. Tóm lại, xét chuyên ngành là một trong những thử thách khó khăn ở đại học mà sinh viên cần phải trải qua, nếu như trường mình theo học có tổ chức xét chuyên ngành, chứ không chọn sẵn ngành sau khi thi đại học.
>> Cách tính điểm trung bình tích luỹ ở đại học theo tín chỉ
Xét chuyên ngành ở đại học dựa trên mức điểm nào?
Để vượt qua thử thách xét chuyên ngành, sinh viên cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng để tự chuẩn bị trước, tự tăng lợi thế cạnh tranh cho mình. Một trong những điều quan trọng mà sinh viên cần biết rõ chính là xét chuyên ngành ở đại học dựa trên mức điểm nào, để mình còn biết mà cố gắng mang về con điểm cao nhất trong khả năng của bản thân.
Như đã tìm hiểu ở phần trước, đợt xét chuyên ngành thường được diễn ra sau khi sinh viên hoàn thành 2-3 học kỳ đầu tiên ở đại học, vì thế, xét chuyên ngành sẽ dựa trên điểm trung bình tích luỹ của sinh viên trong suốt khoảng thời gian ấy, tức là các em đã hoàn thành được bao nhiêu môn, bao nhiêu tín chỉ, dù điểm cao hay thấp, đậu hay rớt môn, thì đều sẽ lấy để tính vào điểm trung bình tích luỹ và xét chuyên ngành. Vì thế, tân sinh viên khi bước chân vào đại học, nếu chưa được chia chuyên ngành, thì các em hã chuẩn bị tâm lý, cố gắng tập trung, nghiêm túc học hành để mang về kết quả điểm số tốt nhất, giúp tăng lợi thế cạnh tranh khi đến đợt xét chuyên ngành sau này. Ngoài ra, sinh viên cũng cần lưu ý rằng xét chuyên ngành sẽ không liên quan gì tới kết quả thi tốt nghiệp cấp 3, hay điểm thi đại học, mà chỉ phụ thuộc vào điểm trung bình tích luỹ các môn học mà mình đã hoàn thành trong 2-3 học kỳ đầu tiên thôi.
Sau bao lâu sẽ có kết quả xét chuyên ngành?
Sau khi đã chuẩn bị cho mình một kết quả học tập tốt, điểm trung bình tích luỹ ở mức ổn, dự đoán đủ khả năng trúng tuyển vào đúng chuyên ngành mình thích, thì sinh viên chỉ cần ung dung nộp nguyện vọng cho nhà trường rồi chờ kết quả thôi. Nhưng phải chờ bao nhiêu ngày, sau bao lâu sẽ có kết quả xét chuyên ngành? Chuyện xử lý kết quả xét chuyên ngành nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào nguồn lực và quy trình của riêng từng trường, tức là sẽ khó lòng đưa ra số ngày chính xác. Thay vào đó, chúng ta có thể ước lượng một khoảng thời gian để tham khảo, thường sẽ trong vòng 2-3 tuần từ khi hết hạn nộp hồ sơ xét chuyên ngành. Chẳng hạn như deadline nộp hồ sơ vào đầu tháng 5, thì tới tầm cuối tháng 5 sẽ có kết quả, còn nếu nộp hồ sơ vào cuối tháng 12, thì tới tầm giữa tháng 1 năm sau sẽ có kết quả xét chuyên ngành, kết quả này sẽ bao gồm toàn bộ từ nguyện vọng 1 tới nguyện vọng cuối cùng. Còn nếu bị trượt tất cả nguyện vọng, thì sinh viên có thể tham gia đợt xét chuyên ngành bổ sung, diễn ra ngay sau đó, tuy nhiên, lúc này chỉ còn rất ít chuyên ngành để các em lựa chọn, đó là những ngành mà ít sinh viên đăng ký, chưa tuyển sinh đủ số lượng như dự kiến.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp được băn khoăn rằng xét chuyên ngành ở đại học dựa trên mức điểm nào, sau bao lâu sẽ có kết quả? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
>> Học song ngành là gì, có khó không, sinh viên cần điều kiện gì?
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.