Thông thường, sinh viên sẽ chọn nguyện vọng, chọn chuyên ngành mình muốn ứng tuyển ngay từ trước khi thi đại học, hoặc sau khi kết thúc năm học đầu tiên của chương trình đại học. Dù chọn chuyên ngành vào thời điểm nào thì lúc đó vẫn còn khá sớm, nhiều khả năng các em vẫn chưa có được góc nhìn cụ thể về công việc sau này, và có thể ra quyết định chưa chính xác. Có một bạn sinh viên chia sẻ cụ thể về trường hợp của mình với Tự Tin Vào Đời, rằng mình đã bất cẩn khi chọn nguyện vọng, khiến càng học càng thấy đuối, vậy phải làm sao đây?
>> Chọn chuyên ngành có khó không, sinh viên cần lưu ý gì?
Trường hợp bất cẩn khi chọn nguyện vọng, càng học càng đuối
Em chào anh. Em là sinh viên năm nhất. Khi còn là học sinh, Ngữ Văn là thế mạnh của em và em dự định sẽ học tiếp ngành Văn học. Ngôi trường em đăng ký vào cho phép thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng và em đã đặt đủ cả 4. Tuy nhiên, trong đó, 3 nguyện vọng là em có ý định học. Ngành còn lại thì em đặt bừa, đó là ngành Ngôn ngữ Pháp. Sau đó, em cũng đã tìm và xoá nguyện vọng đó nhưng do bản thân bất cẩn mà thông tin ban đầu (lúc chưa sửa) đã được lưu lại và tất nhiên có cả ngành Ngôn ngữ Pháp. Nguyện vọng 1 của em là Văn học, 2 là Ngôn ngữ Pháp Và em đã đậu nguyện vọng 2.
Nhưng đây chỉ là phương thức xét tuyển bên ngoài, em vẫn có thể xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT QG, nhưng lúc đó em đã suy nghĩ thế này: “Giờ mình lỡ đậu Ngôn ngữ Pháp rồi, việc mình đậu ngành này cũng là do cuộc đời đưa đẩy. Phải chăng đây là cái duyên? Trước giờ mình chỉ quanh quẩn với Văn học, hay là mình bước ra khỏi vùng an toàn để chọn Ngôn ngữ Pháp?” Và cuối cùng em đã chọn Ngôn ngữ Pháp. Thú thật với anh là từ trước đến nay, ngoại ngữ của em không tốt mà khi lên đại học em lại chọn 1 ngành ngọai ngữ thì nó khiến em rất mệt, càng học càng đuối. Trước khi học, em cũng đã nghĩ nó sẽ rất cực nhưng em không ngờ nó áp lực đến thế.
Em từng nghĩ đến bảo lưu, chuyển ngành, thi lại vào ngành khác,… nhưng cuối cùng em đã gần xong 2 học kì năm nhất. Điểm HK1 của em Nghe 6.5, Viết 8, Đọc hiểu 6.5, Nói 8. So với mặt bằng chung thì điểm này không cao và nó khiến em tự ti. Em mới biết điểm giữa kì môn Nghe HK2 là 6. Thấp nhất lớp. Em rất sợ rớt môn, không chỉ riêng Nghe mà còn các kĩ năng khác. Em cảm thấy rất tự ti, nản vô cùng. Em bị áp lực đồng trang lứa. Em ngại tiếp xúc với giáo viên vì em thấy trình độ mình như vậy thật sự là không nên nói chuyện với họ. Điểm trung bình HK1 của em là 7.53 và em cũng rất tự ti với những mối quan hệ thân thiết xung quanh mình vì cho rằng bản thân không xứng với họ, họ được học bổng, xếp loại giỏi còn mình thì không. Và em cũng sợ điểm số cản trở việc làm của em sau này.
Em thừa nhận rằng bản thân không hoàn toàn tập trung học ngoại ngữ này. Em biết ngọn lửa để học ngành này không lớn nhưng em cũng không biết làm sao để thổi và giữ lửa. Và đó là vấn đề của em. Nó khá dài. Em cảm ơn anh đã đọc đến đây. Khi em viết như vậy thì thật sự là tâm trạng em nó đã ổn hơn. Nhưng em biết nó vẫn sẽ tái diễn và em mong rằng sẽ sớm nhận được nhận lời chia sẻ từ anh. Em cảm ơn anh rất nhiều ạ.
>> Sinh viên bị rớt chuyên ngành, trượt nguyện vọng thì phải làm sao?
Củng cố động lực để theo đuổi chuyên ngành đã chọn
Chào em, anh hiểu trường hợp của em, và anh biết rằng khi lỡ chọn sai nguyện vọng, phải theo học những môn chuyên ngành không phải thế mạnh của mình, thậm chí mình không có hứng thú với nó, đó sẽ là một cảm giác cực kỳ tồi tệ, càng học càng thấy mệt mỏi, chán nản, càng thấy đuối. Mình lỡ sai từ bước đầu tiên rồi, vì chuyên ngành mà em chọn theo học nó sẽ gắn bó với mình rất dài, sau này ra trường đi làm mình sẽ phải gắn bó với công việc ấy, trong ngành ấy suốt mấy chục năm, nên nhất định phải chọn đúng ngành mà mình thích, mình có thể gắn bó.
Nếu như lúc đầu em cho rằng do số phận đưa đẩy, biết đâu mình cũng có duyên và hợp với ngành Ngôn ngữ Pháp, thì có bao giờ em thử khơi nguồn xem ngành này có những điểm thú vị gì, sau này ra trường đi làm cơ hội việc làm thế nào, mức lương hấp dẫn ra sao chưa? Hãy thử tìm hiểu kỹ những thông tin đó xem, biết đâu chúng sẽ chính là chất xúc tác, giúp tạo nguồn cảm hứng, củng cố động lực để em tiếp tục theo đuổi chuyên ngành này. Mà khi đã có động lực, có hứng thú thì khả năng cao rằng nó sẽ giúp em học tốt hơn, tiếp thu kiến thức dễ hơn, và có khả năng gắn bó lâu dài khi đi làm sau này. Nếu mọi việc diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp như thế, thì đúng là em có duyên với ngành này đấy.
Làm sao để giải quyết chuyện càng học càng đuối?
Khi đã tìm ra được cảm hứng với ngành Ngôn ngữ Pháp, hoặc ít ra cũng thấy nó có gì đó thú vị, mình muốn khám phá và theo đuổi, thì em đã thành công bước đầu trong việc thoát khỏi tâm trạng chán nản, tiêu cực, mệt mỏi, áp lực mà mình đang phải cố gắng chịu đựng suốt bao lâu nay. Tất nhiên, cảm xúc, tâm trạng tốt hơn thì mình có thể thoải mái hơn trong việc tiếp thu kiến thức, nhưng nó vẫn chưa đủ để giúp em hoàn toàn thoát khỏi chuyện càng học càng đuối.
Để học tốt hơn, em cần phải trải qua một quá trình cố gắng, nỗ lực, kiên trì thay đổi bản thân, tiếp thu kiến thức một cách từ từ, mình càng học thì sẽ càng nắm vững thêm nhiều kiến thức, sau một thời gian nhìn lại thì mới có thể tự tin vào lượng kiến thức chuyên ngành và khả năng tiếp thu của bản thân, chứ không thể nào ép mình phải đùng một cái giỏi lên, học tốt hơn ngay lập tức, nếu mọi chuyện đơn giản như thế thì chắc ai cũng tốt nghiệp loại giỏi rồi. Song song đó, em cũng cần phải đảm bảo mình luôn chăm chỉ, và tìm ra phương pháp học phù hợp với bản thân, với ngành ngôn ngữ mà em đang theo đuổi, có thể là học bằng sơ đồ tư duy mind map, học bằng flash card, học bằng các app trên điện thoại, học nhóm cùng bạn bè,… miễn sao em thấy thích và thấy phương pháp ấy có hiệu quả với mình.
>> Kết quả học tập thấp nhất lớp thì phải làm sao?
Đuối quá, không thể ráng học thêm nữa thì phải làm sao?
Ở trên là phương án giải quyết trong trường hợp tích cực, tức là em tự tìm được cảm hứng với ngành Ngôn ngữ Pháp. Còn nếu cố gắng mãi vẫn chẳng có được động lực, càng học càng thấy đuối, không thể ráng học thêm nữa thì phải làm sao? Lúc này, thật sự em có ráng học tới khi tốt nghiệp thì cũng không phải giải pháp hay, vì từ giờ tới đó sẽ càng khiến tâm trạng mình tệ hơn, tiêu cực hơn, kết quả học tập cũng ở mức khá tệ, rồi ra trường đi làm cũng không theo ngành được, lại phải đi làm trái ngành, thì xem như mình cố gắng học cũng uổng phí.
Lúc này, em có thể tham khảo phương án xin chuyển ngành học, tức là xin được chuyển sang học ngành khác trong cùng trường của mình, vì như em nói thì trong trường cũng có một số ngành khác mà em thích, muốn theo đuổi và mình cũng có năng khiếu để theo học. Cụ thể hơn về việc chuyển ngành, các quy định và thủ tục, em có thể tham khảo thêm tại đây. Khi đó, nếu ngành mà em chuyển sang có một số môn mà em đã học ở ngành hiện tại, thì em sẽ được quyền miễn, giữ nguyên điểm số và không cần học lại các môn đó, nếu sắp xếp ổn thoả thì em vẫn có thể ra trường đúng hạn.
Bài viết này đã giúp em giải đáp băn khoăn về chuyện bất cẩn khi chọn nguyện vọng, càng học càng đuối thì phải làm sao? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.