Home Học tậpHọc hành, thi cử Bí Quyết Học Và Ôn Thi Hiệu Quả

Bí Quyết Học Và Ôn Thi Hiệu Quả

by Hoàng Khôi Phạm
Bí Quyết Học Và Ôn Thi Hiệu Quả

Mùa thi học kỳ lúc nào cũng khiến sinh viên mất ăn, mất ngủ và tốn nhiều chi phí cho việc ra quán học bài. Anh cũng vậy, hồi xưa mỗi lần đến mùa thi là bỏ hết mọi thứ để tập trung ôn thi hiệu quả.

Mấy ngày gần đây, có nhiều bé inbox anh hỏi đủ thứ chuyện luôn: môn này học phần nào, có cần học thuộc lòng không, em không có gì trong đầu thì thi như thế nào, bí quyết học thi được điểm cao, nên học theo nhóm hay không, nên học ở đâu, cách phân bổ thời gian học bài, trước ngày thi có nên thức khuya học hay không,… Nay sẵn tiện anh chia sẻ luôn cho các em nhé.

>> Bắt đầu học kỳ mới như thế nào để đạt kết quả cao vào cuối kỳ?

1. Cách học tốt một môn bất kỳ để sau này dễ dàng ôn thi hiệu quả

Việc học là một quá trình, càng chăm chỉ trong quá trình học thì sau này mới có thể ôn thi hiệu quả. Vậy thì các em cần lưu ý gì trong quá trình học?

1.1. Học trên trường

  • Tập trung 100% để nghe giảng: không nói chuyện, không làm việc riêng, không ngủ, không học bài môn khác, không làm bài tập (môn này) trong lúc giáo viên đang giảng bài và dĩ nhiên là hạn chế đi học trễ, về sớm hoặc cúp học nhé. Sách giáo trình lúc nào cũng dày cộm, giáo viên luôn giảng những ý chính, quan trọng, giúp mình hiểu bài thay vì phải tự ngồi đọc sách, vì thế, để tiết kiệm thời gian ôn bài ở nhà, tụi em hãy học cách hiểu và nhớ bài ngay tại lớp.
  • Chép bài đầy đủ nhưng ngắn gọn, đủ để hiểu, chép ý mình chưa biết thôi để sau này ôn lại nhanh chóng thì mới ôn thi hiệu quả được (nên có nhiều màu mực để chia bố cục rõ ràng, nhìn vô biết chỗ nào quan trọng, chỗ nào là phần mở rộng thêm)
  • Chỗ nào không hiểu hỏi giáo viên ngay: Thật ra hỏi bạn cũng được, nhưng có khi nó hiểu sai, hiểu chưa cặn kẽ và khả năng giảng giải cũng không tốt bằng giáo viên. Giáo viên cũng rất cưng những SV hay hỏi bài nên càng hỏi nhiều giáo viên càng vui đó, nhưng các em tránh cách nói như là mình không hiểu gì hết, mà hãy nói là em hiểu như vậy đúng không ạ, em hiểu phần a nhưng phần b em chưa hiểu.
  • Mạnh dạn phát biểu: Sai thì được sửa, quá lời luôn, im im mà đi thi bị sai là khóc chục dòng sông, còn lỡ đúng thì được mấy bạn khác ngưỡng mộ. Nhưng dĩ nhiên nên hạn chế việc phát biểu sai bằng cách tập trung nghe giảng.

1.2. Học ở nhà

  • Chia thời gian biểu: Liệt kê tất cả buổi rảnh trong tuần, phân chia buổi nào học môn gì, với ai (nếu có), ởđâu (nên chọn nơi học thoải mái nhất với mình), trong bao lâu và thực hiện đúng như vậy. Tốt nhất là giả sử sáng thứ 2 học môn A thì nên xếp lịch ôn môn A vào tối chủ nhật (xem sơ bài hôm sau) và tối thứ 2 (xem lại bài đã học). Một mộn học tầm 1-2 tiếng là được (nên phân chia dài ngắn theo độ khó hoặc số lượng bài tập môn đó)
  • Tài liệu học: Ưu tiên slide, tập do mình chép bài, sau đó đến sách giáo trình. Một số môn đặc biệt nên ghi âm lại bài giảng của thầy cô để nghe lại trước khi đi ngủ (mấy môn như quản trị học ấy), sau này cũng dễ dàng nghe lại để ôn thi hiệu quả.

1.3. Làm bài tập nhóm, thuyết trình

  • Chọn đúng nhóm trưởng: là người có cái nhìn bao quát, biết phân chia công việc, giám sát và động viên mọi người.
  • Họp nhóm hiệu quả: chọn thời gian hợp lý, không cần quá lâu, tập trung bàn bạc, chốt ý kiến, tránh việc mất tập trung hoặc im im nhìn nhau (không dám nêu ý kiến) sẽ làm tốn thời gian, ảnh hưởng không tốt đến thời gian tự học ở nhà của mình.
  • Chọn công việc phù hợp với mình nhất (lâu lâu cũng nên thử vai trò mới). Tụi em có thể làm việc được giao ở nhà hoặc lên trường gặp rồi làm chung nhưng nhớ nguyên tắc là tập trung, không nói chuyện nhiều quá.
  • Luôn có deadline: Các em nhớ đưa deadline rõ ràng và hợp lý để tránh bị đuối vào lúc sắp nộp bài hoặc sắp thuyết trình.
  • Tập dợt kỹ lưỡng: Trước khi thuyết trình, bắt buộc phải có 1 buổi tập dợt cho lưu loát, thêm những phần như diễn kịch, hát, múa, video clip, hóa trang này nọ thì giáo viên sẽ thích và cho điểm cao (thêm ít thôi chứ đừng tốn nhiều thời gian quá cho nó, vì quan trọng vẫn là nội dung).

>> 5 yếu tố quan trọng giúp nâng cao kỹ năng thuyết trình

2. Cách ôn thi hiệu quả

Dưới đây là các lưu ý để lựa chọn nội dung ôn thi hiệu quả, vì không nhất thiết môn nào cũng phải học hết từ đầu tới cuối hoặc đọc toàn bộ giáo trình đâu:

2.1. Ôn nội dung nào?

– Các em cần chú ý xem kỹ những phần thầy cô đã dạy hoặc từng nhắc qua trên lớp, có thể mượn vở mấy bạn chăm chỉ để tham khảo, tránh trường hợp bỏ sót những nội dung quan trọng. Đề ngoài tiệm photo mình cũng chỉ ôn những câu liên quan thôi, mấy cái lạ lạ bỏ qua.

Buổi học cuối cùng nhớ đi học đầy đủ, biết đâu thầy cô có dặn sẽ học phần nào, bỏ phần nào, mình cứ theo lời dặn mà học.

2.2. Ôn thi hiệu quả với các kiểu đề thi khác nhau

  • Đối với môn thi tự luận đề đóng: Những phần nào mà giáo viên không kêu bỏ thì các em đều phải xem qua, có nhiều thời gian thì xem kỹ, không thì xem sơ sơ để biết ý mà chém gió vì nếu không biết gì hết thì vô phòng thi chỉ ngồi khóc thôi.

>> Làm sao để học tốt các môn phải học thuộc?

  • Đối với môn thi tự luận đề mở: Đọc hết những gì có trong nội dung ôn và phải đọc cho hiểu, không cần phải thuộc nhưng các em phải highlight ngắn gọn những tiêu đề các phần. Có thể dùng sticker nhỏ dán lòi ra ngoài sách rồi note lại để lật cho mau, không cần note quá chi tiết.
  • Đối với môn thi trắc nghiệm đề mở: Tương tự môn tự luận đề mở nhưng các em cần highlight và note chi tiết hơn, chú ý các nội dung nhỏ nhỏ như số liệu, %, mấy cái mà hay dễ nhầm lẫn với nhau, sau khi note xong cuốn sách sẽ có nhiều màu rất đẹp.
  • Đối với môn thi trắc nghiệm đề đóng: Phải học thuộc lòng và học kỹ các ý trong slide, nếu các em thuộc dạng “siêu nhân” thì học luôn trong sách, chú ý nhớ cho kỹ những ý mà trên lớp giáo viên hay nhắc lại.

>> Cách làm trắc nghiệm hiệu quả từ kinh nghiệm của thủ khoa

  • Đối với môn tính toán: Các em nhớ thuộc và phân biệt kỹ các công thức, tìm sự liên quan giữa các công thức đã học, nếu hiểu tại sao lại có công thức đó luôn thì càng tốt, tránh nhầm lẫn nhé, sai 1 li di 1 dặm luôn. Nhớ đọc kỹ đề, người ta kêu làm gì thì làm cho hết, tránh bị sót, nhớ chú ý đơn vị. Nhớ mang theo máy tính và tính toán cẩn thận.

>> Cách giúp sinh viên học tốt các môn tính toán ở đại học

Nay anh chia sẻ các bí quyết nhỏ ở trên, không biết còn thiếu gì nữa không, nếu còn gì chưa rõ thì tụi em cứ inbox hỏi anh nha!


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích