Home Công việc Cách Nêu Bật Điểm Mạnh Của Bản Thân Khi Phỏng Vấn Xin Việc

Cách Nêu Bật Điểm Mạnh Của Bản Thân Khi Phỏng Vấn Xin Việc

by Hoàng Khôi Phạm
Cách Nêu Bật Điểm Mạnh Của Bản Thân Khi Phỏng Vấn Xin Việc

Để tăng cơ hội trúng tuyển khi xin việc, ứng viên phải có sự chuẩn bị một chiếc CV kỹ lưỡng sao cho nêu bật được điểm mạnh của bản thân. Đồng thời, trong buổi phỏng vấn, bạn cũng cần khéo léo lồng ghép những điểm mạnh của mình trong các câu trả lời, sao cho nhà tuyển dụng thấy bạn là ứng viên phù hợp nhất với vị trí mà họ đang tuyển dụng. Dưới đây là những cách nêu bật điểm mạnh của bản thân khi phỏng vấn xin việc mà bạn có thể tham khảo:

>> Làm sao để sinh viên mới ra trường ghi điểm với nhà tuyển dụng?

1. Nêu bật điểm mạnh khi giới thiệu bản thân

Vào đầu buổi phỏng vấn, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu ứng viên giới thiệu bản thân. Đừng nghĩ rằng nhà tuyển dụng đã xem qua CV rồi nên mình chỉ giới thiệu bản thân một cách qua loa nhé, vì đây chính là cơ hội để ứng viên tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp trong mắt nhà tuyển dụng đấy.

Sau khi giới thiệu họ tên, chuyên ngành, nguyện vọng nghề nghiệp, thì bạn cần liệt kê khoảng 2-3 điểm mạnh liên quan đến vị trí ứng tuyển, để nhà tuyển dụng thấy bạn vừa giỏi, vừa phù hợp với vị trí mà họ đang tuyển dụng. Chứ bạn đừng nêu ra những điểm mình rất mạnh, nhưng lại chẳng liên quan gì tới vị trí ứng tuyển nhé, vì nó sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn không phù hợp đấy. Tất nhiên, bạn cũng đừng giới thiệu bản thân quá lan man, dài dòng, đừng tham lam nói quá nhiều về điểm mạnh, mà chỉ nên gói gọn phần giới thiệu bản thân trong 1-2 phút thôi.

2. Lồng ghép điểm mạnh của bản thân trong câu trả lời

Sau khi gây ấn tượng với phần giới thiệu bản thân, bạn cần phải tiếp tục duy trì phong độ ấy trong suốt buổi phỏng vấn. Hãy khéo léo lồng ghép những điểm mạnh của mình trong các câu trả lời phỏng vấn, sao cho vừa trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, vừa giới thiệu được điểm mạnh của mình. Thậm chí ngay cả trong những câu hỏi về điểm yếu, khuyết điểm, thất bại,… thì bạn vẫn có thể lồng ghép những điểm mạnh bằng cách nêu ra những giải pháp mình đã thực hiện để khắc phục điểm yếu, đối mặt và vượt qua thất bại, cách phòng ngừa để không mắc phải thất bại đó trong tương lai.

Tất nhiên, bạn cần phải lồng ghép khéo léo, chứ đừng tham lam đưa vào quá nhiều điểm mạnh, vì chúng sẽ khiến nhà tuyển dụng ngán ngẩm, thậm chí điều ấy cũng có thể khiến bạn trả lời lạc đề rồi bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp. Còn nếu nhà tuyển dụng hỏi thẳng “Điểm mạnh của bạn là gì?”, thì bạn có thể tham khảo cách trả lời ở bên dưới.

>> Trả lời sao cho khéo câu hỏi phỏng vấn: Điểm mạnh của bạn là gì?

3. Đưa ra dẫn chứng cho những điểm mạnh ấy

Dù bạn có nêu bật điểm mạnh của bản thân rất nhiều trong buổi phỏng vấn, thì tất cả sẽ đều chưa có giá trị, chỉ mới là lời nói suông, thiếu tính thuyết phục khi bạn chưa đưa ra được những dẫn chứng cụ thể, để chứng minh với nhà tuyển dụng rằng mình thật sự có những điểm mạnh ấy, mình thật sự giỏi như mình đã “quảng cáo”. Chính vì thế, bạn đừng quên lồng ghép những dẫn chứng, những tình huống trong quá khứ mà bạn đã trải qua, để tăng sự tin cậy với nhà tuyển dụng.

Chẳng hạn như thay vì bạn chỉ nói suông rằng mình làm việc nhóm tốt, thì hãy cụ thể hơn rằng bạn thảo luận nhóm ra sao, phối hợp với team thế nào, từng làm nhóm trưởng chưa, rồi kể lại một lần làm việc nhóm mà bạn đóng góp tích cực, giúp nhóm đạt được thành quả tốt. Điều này sẽ giúp bạn nêu bật điểm mạnh của bản thân hơn một câu trả lời thiếu dẫn chứng.

4. Tự tin thể hiện điểm mạnh về giao tiếp

Dù bạn ứng tuyển bất kỳ vị trí công việc nào, thì giao tiếp vẫn là một trong những kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng. Khi đi làm, mỗi ngày bạn sẽ phải giao tiếp với đồng nghiệp, đôi lúc cũng sẽ phải làm việc liên phòng ban, tức là giao tiếp với phòng ban khác. Rồi nếu công việc phải thường xuyên giao tiếp với khách hàng, đối tác, thì kỹ năng giao tiếp lại càng được chú trọng hơn. Thay vì nói suông với nhà tuyển dụng rằng mình giao tiếp tốt, thì hãy thể hiện điều đó qua sự tự tin, lưu loát và khéo léo khi trả lời phỏng vấn. Chính điều đó sẽ thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn có kỹ năng giao tiếp tốt. Còn nếu bạn nói mình có kỹ năng giao tiếp tốt, nhưng lại bị run khi trả lời phỏng vấn, nói chuyện lắp bắp, vấp váp, trả lời lan man, không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, thì làm sao nhà tuyển dụng tin rằng bạn giao tiếp tốt được?

Trên đây là những cách giúp ứng viên nêu bật điểm mạnh của bản thân khi phỏng vấn xin việc. Hy vọng chúng sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn thể thiện tốt trong buổi phỏng vấn và sớm tìm được một công ty phù hợp với nguyện vọng của mình.

>> 5 lỗi giao tiếp khi phỏng vấn khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích