Vui, buồn, mừng, giận… là những cảm xúc bình thường mà tất cả chúng ta đều đang trải qua mỗi ngày. Chẳng ai có thể dõng dạc nói tôi là một người cực kỳ lạnh lùng, không có cảm xúc. Bạn được quyền có cảm xúc và tự hào vì mình là một con người biết vui, biết buồn, nhưng điều quan trọng là đừng để cảm xúc ảnh hưởng tới công việc. Vì như thế sẽ tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến kết quả làm việc, đến đồng nghiệp xung quanh và dẫn tới những cái kết không ai mong muốn…
>> 8 tips giúp bạn thành công và thăng tiến trong công việc
1. Mất đi sự công bằng khi để cảm xúc ảnh hưởng tới công việc
Nếu bạn quá thân thiết với người nào đó trong công sở và luôn muốn mọi thứ tốt đẹp nhất, thuận lợi nhất trong công việc cho họ. Bạn giúp đỡ họ quá mức, tạo điều kiện quá tốt để họ hoàn thành công việc, trong khi với những người khác thì bạn lại không quan tâm, không hỗ trợ. Đây chính là ví dụ rõ nhất cho việc mất đi sự công bằng khi để cảm xúc ảnh hưởng tới công việc. Điều này sẽ khiến bạn trở thành một người thiên vị trong mắt đồng nghiệp và cả nhân viên cấp dưới (nếu bạn đang làm quản lý). Tất nhiên sự thiếu công bằng này là điều tối kỵ không nên xuất hiện trong công việc, nó sẽ khiến nội bộ công ty bất hoà, mọi người ghen ghét, tị nạnh với nhau, không chịu hỗ trợ nhau để hoàn thành công việc chung của tập thể,…
Thậm chí nếu sự thiếu công bằng này ở mức độ lớn và trong một thời gian dài, thì nhiều khả năng những nhân viên giỏi, những người có thực lực nhưng không được tạo điều kiện thuận lợi trong công việc sẽ rời bỏ công ty, tìm kiếm một môi trường làm việc mới, nơi có sự công bằng hơn trong công việc. Đây chắc hẳn là một cái kết chẳng ai mong muốn đúng không?
2. Trở nên thiếu chuyên nghiệp khi để cảm xúc ảnh hưởng tới công việc
Có thể bạn có chuyên môn cao, năng lực làm việc của bạn rất tốt, nhưng lại có một điểm yếu là để cảm xúc ảnh hưởng tới công việc, thì rất có thể những đồng nghiệp khác sẽ đánh giá bạn là người thiếu chuyên nghiệp đấy. Thử nghĩ mà xem, hôm đó bạn rất vui, tự dưng bạn đồng ý cho khách hàng thanh toán chậm (nhưng quy định công ty là không được) thì bạn có thiếu chuyên nghiệp không? Hoặc hôm nào đó bạn đang rất buồn bực chuyện cá nhân nên không thèm đến công ty, chỉ nhắn cho cấp trên 1 câu xong rồi off luôn, không quan tâm rằng sếp có đồng ý cho bạn nghỉ phép hay không…
Có thể bạn nghĩ rằng đó là những chuyện nhỏ, nghỉ 1 ngày hay khách thanh toán chận 1 tí thì chẳng sao, nhưng trên thực tế, cả đồng nghiệp và cấp trên đều đang đánh giá bạn là một người thiếu chuyên nghiệp. Sau này, đến kỳ đánh giá để tăng lương, thăng chức, thì nhiều khi bạn sẽ không được tăng lương, mà cũng chẳng được thăng tiến, chỉ vì mình thiếu chuyên nghiệp, để cảm xúc ảnh hưởng đến công việc. Đó chắc chắn là cái kết mà bạn không hề mong muốn.
>> Hãy chuyên nghiệp mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh
3. Bị xa lánh khi để cảm xúc ảnh hưởng tới công việc
Đây chắc hẳn là một cái kết dễ thấy dành cho những ai thường xuyên để cảm xúc ảnh hưởng tới công việc. Lúc vui thì rất vui, rất thoải mái, rất nhiệt tình trong công việc, nhưng lúc buồn thì nổi cơn thịnh nộ, gắt gỏng, lớn tiếng, làm ầm lên trong công sở… thì ai mà dám tiếp xúc gần, có khi mọi người còn xa lánh bạn, tránh mặt bạn hơn cả F0 luôn ấy. Đó là vì chẳng ai muốn làm việc chung, muốn tiếp xúc nhiều trong công việc với một người để cảm xúc ảnh hưởng tới công việc. Có thể ngoài mặt mọi người vẫn bình thường với bạn, nhưng thật ra trong lòng đều nghĩ rằng phải làm sao để tránh xa bạn càng xa càng tốt.
Đó là chỉ trong trường hợp nội bộ công ty thôi. Tệ hơn, nếu bạn là người phải thường xuyên làm việc với khách hàng, với đối tác mà lại để cảm xúc ảnh hưởng tới công việc thì khách hàng, đối tác sẽ nghĩ thế nào về công ty? Họ sẽ không đánh giá xấu bạn, cũng chẳng xa lánh bạn, nhưng họ sẽ làm điều đó với công ty của bạn. Nếu điều này đến tai cấp trên, thì nhiều khả năng bạn sẽ bị sa thải. Một cái kết thật buồn…
>> 10 cách giúp bạn trở thành người chuyên nghiệp
4. Kết quả công việc kém khi bị cảm xúc cá nhân chi phối
Ở cấp độ nhân viên, bạn có thể lười làm việc, không có tinh thần làm việc nếu hôm đó bạn không vui, hoặc bạn có thể tuỳ tiện giảm giá cho khách hàng sai quy định công ty khi bạn đang phấn khởi tinh thần. Ở cấp độ quản lý, bạn sẽ gắt gỏng, quát nạt cấp dưới, gây khó dễ với họ trong công việc nếu hôm đó bạn thấy khó chịu, hoặc bạn có thể tuỳ tiện cho nhân viên về sớm dù chưa hoàn thành công việc nếu hôm đó bạn vui.
Ngoài ra, một người bị cảm xúc cá nhân chi phối cũng sẽ thường xuyên nóng nảy, gây nên những mâu thuẫn không đáng có trong công sở, khiến mọi người bất hoà, không phối hợp với nhau trong công việc. Ủa, như vậy sẽ cực kỳ ảnh hưởng không tốt đến kết quả công việc, không chỉ của bạn, mà còn của mọi người nữa. Nếu điều này kéo dài, kết quả công việc kém suốt nhiều kỳ liên tiếp, thì liệu bạn có còn ngồi ở vị trí đó được không, hay là sẽ bị sa thải? Đừng để cái kết không mong muốn ấy xảy ra với chính mình.
>> 5 kiểu người cực kỳ đáng sợ trong công sở
Trên đây chắc hẳn đều là những cái kết mà không ai mong muốn. Chính vì thế, trong mọi tình huống, bạn không nên để cảm xúc ảnh hưởng tới công việc. Điều đó sẽ giúp bạn trở thành một người chuyên nghiệp trong mắt mọi người và luôn hoàn thành tốt công việc của mình. Tất nhiên đây sẽ là tiền đề để bạn trở thành một nhân viên giỏi, một ứng cử viên sáng giá để được thăng tiến trong tương lai.
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.