Home Công việc Đi Làm Vì Điều Gì? Hãy Dựa Vào 4 Điều Này Để Chọn Công Ty!

Đi Làm Vì Điều Gì? Hãy Dựa Vào 4 Điều Này Để Chọn Công Ty!

by Hoàng Khôi Phạm
Đi Làm Vì Điều Gì? Hãy Dựa Vào 4 Điều Này Để Chọn Công Ty!

Đi làm vì điều gì?

Đa số sinh viên thường khá mơ hồ về công việc trong tương lai, đến khi sắp sửa đi thực tập hoặc sắp ra trường thì mới hoang mang không biết đi làm vì điều gì? Nên dựa vào đâu để chọn công ty? Vì chưa từng đi làm ở công ty, chưa tiếp xúc với công việc thực tế nên không ít sinh viên lựa chọn mà chưa cân nhắc kỹ, chỉ suy nghĩ khá đơn giản rằng “mình chưa có kinh nghiệm nên được công ty nhận vào là mừng rồi, không cần phải cân nhắc hay lựa chọn công ty đâu”.

Chính suy nghĩ ngây thơ đó đã làm khó các em ngay bước đầu tiên khi bước vào đời. Nếu không lựa chọn kỹ lưỡng công ty phù hợp với mình thì các em sẽ rất dễ chán nản và khó lòng gắn bó lâu dài. Thử hình dung xem nếu ngay công ty đầu tiên mà mình chỉ mới làm 1-2 tháng đã nghỉ thì sẽ mất động lực như thế nào? Liệu các công ty tiếp theo có “dám” tuyển một sinh viên mới ra trường và nghỉ việc ở công ty đầu tiên chỉ sau vài tháng làm việc?

Chính vì thế, anh viết ra bài này để chia sẻ với các em 4 điều quan trọng mà mình nên dựa vào khi chọn công ty, không chỉ áp dụng với công ty đầu tiên khi mới ra trường, mà đến sau này, bất kể các em định ứng tuyển ở đâu thì cũng nên nhìn lại những điều này trước khi nộp CV. Cùng bắt đầu bằng một câu hỏi nhé: “Đi làm vì điều gì?”

>> Cách giới thiệu bản thân để nhà tuyển dụng ấn tượng và đánh giá cao

1. Đi làm vì lương?

Câu này nghe quen quen, chắc chắn các em đã từng nghe qua. Nhưng có thật là nên dựa vào lương để chọn công ty không? Theo quan điểm của anh thì có. Không phải anh xúi các em nên đi làm vì tiền, chỉ vì tiền. Mà đây là 1 trong những yếu tố mà mình cần cân nhắc khi lựa chọn công ty. Vì nếu mức lương không đáp ứng được các khoản chi tiêu hàng tháng của mình (nhất là với các bạn thuê trọ) thì sẽ rất khó để các em gắn bó lâu dài, rất khó để toàn tâm toàn ý cố gắng hoàn thành thật tốt công việc. Ngoài ra, khi làm việc một thời gian rồi chợt nhận ra bạn bè mình đang làm ở công ty khác với công việc tương tự nhưng mức lương tốt hơn thì mình sẽ cảm thấy tự ti về bản thân và dễ có suy nghĩ muốn chuyển công ty.

Đặc biệt, sau này, khi các em đã đi làm nhiều năm và có nhiều kinh nghiệm, anh tin rằng lương sẽ luôn là một trong những yếu tố đầu tiên mà mình cân nhắc khi lựa chọn công ty. Tất nhiên đi kèm với mức lương cao thì sẽ là thách thức lớn trong công việc, nhưng đó cũng là một động lực để mình cố gắng hoàn thành công việc thật tốt và khám phá được hết những năng lực tiềm ẩn của bản thân.

>> Đừng bao giờ chọn công việc lương thấp

2. Vì muốn phát triển bản thân?

Đối với sinh viên mới ra trường, mọi người thường bảo nhau là muốn đi làm để học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm. Còn sau này khi đã đi làm được vài năm, chúng ta sẽ có nguyện vọng lớn hơn. Đó là muốn phát triển bản thân (điều này rộng hơn, bao gồm luôn cả yếu tố tích luỹ kinh nghiệm).

Càng làm việc lâu năm thì mức lương của chúng ta càng tăng. Vì sao thế? Đó không phải vì chúng ta có “thâm niên”, mà là vì bản thân chúng ta đã phát triển hơn, kiến thức sâu rộng hơn, kỹ năng được rèn luyện tốt hơn, biết cách xử lý mượt mà các vấn đề phát sinh trong công việc mượt mà hơn. Vì thế, hãy chọn cho mình một công ty mà ở đó mình được học hỏi, được rèn luyện kỹ năng và có tiềm năng phát triển trong tương lai (bao gồm cả việc thăng tiến lên các vị trí quản lý nếu như sau này các em đủ tự tin vào kỹ năng lãnh đạo của bản thân). Anh có một gợi ý nhỏ là các em có thể tìm hiểu các nấc thang thăng tiến trong ngành của mình để đặt ra được mục tiêu cụ thể giúp mình phát triển bản thân và không ngừng cố gắng, đồng thời, dựa vào đó khi lựa chọn công ty nhé.

3. Đi làm vì sếp?

“Sếp của em thế nào? Dễ tính hay thường gắt gỏng? Anh ta có thương nhân viên?…” Không phải ngẫu nhiên mà anh Đen đưa những câu này vào lời bài hát đâu. Sếp chính là người có ảnh hưởng rất lớn đến công việc của chúng ta. Sếp và mình có cùng quan điểm thì mới teamwork tốt được. Sếp giỏi thì mới học hỏi được. Sếp tâm lý thì mới biết nhân viên cần gì, đang gặp vấn đề gì để động viên và hỗ trợ được.

Vì thế, trong buổi phỏng vấn, các em hãy quan sát, lắng nghe và đừng quên đặt câu hỏi với người sếp sẽ làm việc trực tiếp với mình trong tương lai nhé. Đây là một điều vô cùng quan trọng khi lựa chọn công ty đấy!

>> Làm thêm giờ dù không được trả lương – Tự nguyện hay phải ghi điểm với sếp?

4. Vì môi trường làm việc?

Môi trường làm việc là một phạm vi rất rộng, nó không ảnh hưởng trực tiếp nhưng sẽ gián tiếp tác động đến kết quả công việc của các em. Đó chính là cơ sở vật chất, quy trình làm việc, cách đồng nghiệp giao tiếp, quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau.

Một môi trường làm việc phù hợp sẽ tạo động lực để các em làm việc hiệu quả hơn, kiểu như mỗi ngày đi làm là một ngày vui ấy. Chính vì thế, khi đến công ty phỏng vấn, các em cũng nên tranh thủ quan sát xem cơ sở vật chất ở công ty thế nào, các nhân viên ở đó giao tiếp với nhau ra sao,… để quyết định xem mình có phù hợp với công ty đó không.

Vậy là để trả lời cho câu hỏi “Đi làm vì điều gì?” thì các em chỉ cần dựa vào 4 yếu tố trên. Nếu công ty nào đáp ứng đủ 4 điều đó thì sẽ là nơi làm việc lý tưởng của các em. Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với các em nha!

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích