Sau khi tìm hiểu sinh viên đại học bị rớt môn nhiều có sao không, thì rất nhiều bạn, đặc biệt là tân sinh viên năm 1 khi nhìn lại kết quả học tập & mức độ nắm vững kiến thức của mình thì cảm thấy khá hoang mang, quan ngại, lo rằng trong lần thi cuối kỳ sắp tới sẽ làm bài không tốt, bị điểm kém rồi rớt môn. Nhiều bạn tự hỏi rằng liệu điểm học phần bao nhiêu thì bị rớt môn ở đại học? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!
Điểm học phần được tính như thế nào?
Trước khi giải đáp rằng điểm học phần bao nhiêu thì bị rớt môn, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem điểm học phần ở đại học được tính như thế nào? Thông thường, điểm học phần sẽ bao gồm 2 thành phần chính, đó là điểm quá trình và điểm thi cuối kỳ, với trọng số nghiêng về điểm cuối kỳ nhiều hơn, chẳng hạn như chia tỷ lệ 3-7, 4-6 hoặc 5-5 cho 2 thành phần này trong công thức tính điểm học phần, cụ thể sẽ do từng giảng viên quyết định và thông báo trước cho sinh viên trong buổi học đầu tiên.
Chẳng hạn nếu quy định rằng điểm quá trình chiếm 40%, điểm thi cuối kỳ chiếm 60%, thì điểm học phần = điểm quá trình x 40% + điểm thi cuối kỳ x 60% , còn điểm quá trình cũng thường bao gồm nhiều thành phần nhỏ khác, chẳng hạn như điểm chuyên cần, tiểu luận, thuyết trình nhóm, kiểm tra giữa kỳ,… với cách tính và trọng số khác nhau dựa theo quy định của từng giảng viên, việc sinh viên cần làm là lắng nghe kỹ và note lại cách tính điểm học phần của từng môn, để tới cuối kỳ mình có thể tự nhẩm, tự tính toán cho bản thân sao cho tăng khả năng đạt điểm tốt, hạn chế tối đa trường hợp điểm kém tới mức bị rớt môn.
Điểm học phần bao nhiêu thì bị rớt môn ở đại học?
Quay trở lại với câu hỏi được đặt ra ở đầu bài viết, rằng điểm học phần bao nhiêu thì bị rớt môn ở đại học, sinh viên có thể tự suy ra sau khi tìm hiểu rằng bao nhiêu điểm thì qua môn, nhưng để nhanh chóng và thuận tiện hơn cho các em thì Tự Tin Vào Đời sẽ giải đáp ngay sau đây. Thông thường, ở đại học, sinh viên đạt điểm F sẽ bị rớt môn, còn từ điểm D trở lên thì sẽ qua môn, vậy cụ thể thì điểm D là bao nhiêu điểm? Nếu xét trên thang 10, thì điểm D sẽ từ 4.0-5.4, theo thang 4 thì điểm D sẽ là 2.0. Tức là ở đại học, nếu sinh viên dưới 4.0 trên thang điểm 10 hoặc dưới 2.0 trên thang điểm 4 thì sẽ bị rớt môn.
Đó là trường hợp phổ biến, tuy nhiên, cũng có một số trường sẽ không tính theo điểm chữ, và cũng không tính theo thang 4, mà chỉ xét riêng kết quả học tập trên thang điểm 10, thì sẽ quy định rằng sinh viên từ 5.0 trở xuống sẽ bị rớt môn, tức là nếu điểm học phần lỡ đạt 4.8 hay 4.9 thì cũng đều bị rớt, không có ngoại lệ. Tóm lại, điểm học phần bao nhiêu thì bị rớt môn ở đại học sẽ thuộc 1 trong các trường hợp sau:
- Thang điểm chữ: Điểm F là rớt môn, điểm D trở lên là qua môn;
- Thang điểm 4: Dưới 2.0 là rớt môn, từ 2.0 trở lên là qua môn;
- Thang điểm 10: Dưới 4.0 hoặc dưới 5.0 là rớt môn, từ 4.0 hoặc từ 5.0 trở lên là qua môn (tuỳ từng trường).
Để biết câu trả lời chính xác nhất, sinh viên nên tham khảo quy định của trường mà mình đang theo học.
Sinh viên lỡ bị rớt môn thì phải làm sao?
Nhắc tới rớt môn là nhiều sinh viên tự dưng cảm thấy ám ảnh, hoang mang, lo sợ, và đương nhiên chẳng ai muốn viễn cảnh tồi tệ ấy xảy ra với mình, nhưng ai biết được, lỡ bị rớt môn thì các em phải làm sao để đối diện, và có được học lại hay thi lại để gỡ điểm không? Về chuyện rớt môn ở đại học, thì đó là điều cũng khá phổ biến, nhiều bạn còn nói đùa rằng không rớt môn thì không phải sinh viên, tức là khi lỡ bị rớt môn thì các em không nên quá bi quan, tiêu cực, tự ti về năng lực, mà hãy đơn giản chấp nhận sự thật, đối mặt với nó, rút kinh nghiệm và học hành nghiêm túc hơn, chăm chỉ hơn, cố gắng hạn chế tối đa trường hợp tương tự trong tương lai.
Khi bị rớt môn, sinh viên sẽ được tính là chưa đạt/chưa hoàn thành học phần đó, được tạm thời xếp vào trường hợp nợ môn. Khi còn nợ môn thì sẽ chưa được xét tốt nghiệp, thường thì sinh viên phải học lại để trả nợ môn, tức là học lại từ đầu toàn bộ các buổi học, làm lại toàn bộ bài kiểm tra, bài thi để tính điểm học phần lại từ đầu, đương nhiên sinh viên cũng cần đóng lại tiền học phí cho học phần đó. Có thể 1 số trường đại học sẽ cho phép sinh viên thi lại, không nhất thiết phải học lại, nhưng đó là trường hợp khá hiếm, để chắn ăn nhất thì các em hãy liên hệ phòng đào tạo của trường mình đang học để có câu trả lời chính xác nhất.
Điểm rớt môn có lưu trong học bạ không?
Sau khi học lại/thi lại học phần mình bị rớt và trộm vía kéo được điểm lên, đủ để qua môn, thì nhiều bạn sinh viên cũng lăn tăng rằng liệu điểm rớt môn lúc trước có bị lưu lại trong học bạ không, hoặc có phần ghi chú nào cho thấy rằng các em đã từng bị rớt bao nhiêu môn, rớt các học phần nào không? Câu trả lời là không, sinh viên hãy yên tâm rằng khi bị rớt môn và đã học lại đủ điểm qua môn, thì sẽ không để lại dấu vết nào trong học bạ, phần học bạ chỉ ghi điểm của lần mà các em đã học lại/thi lại và đã qua môn thôi, và cũng không ghi chú rằng sinh viên đã từng bị rớt bao nhiêu môn.
Tuy nhiên, có 1 lưu ý quan trọng rằng nếu sinh viên bị rớt môn phải học lại quá nhiều, vượt quá 5% tổng số tín chỉ của chương trình học thì sẽ bị hạ bằng đại học xuống 1 bậc, áp dụng cho những bạn đạt xếp loại giỏi & xuất sắc. Tức là nếu đạt mục tiêu tốt nghiệp từ loại giỏi trở lên thì sinh viên cần học hành đàng hoàng, nghiêm túc, không được để mình bị rớt môn quá nhiều, quá mức cho phép theo quy định nêu trên. Ngoài ra, ở đại học, nếu sinh viên để kết quả học tập sa sút, khiến điểm trung bình học kỳ hoặc điểm trung bình tích luỹ rớt xuống dưới ngưỡng cho phép, thì sẽ bị cảnh cáo học tập, nếu vượt quá số lần cảnh cáo tốt đa của trường, thì sinh viên sẽ bị đình chỉ học, huỷ toàn bộ kết quả học tập, hay nói nặng hơn là bị đuổi học. Vì thế, các em cần lưu ý tập trung học chăm chỉ, đừng lơ là chuyện học tập, đừng để bị rớt môn nhiều và đừng để kết quả điểm số bị thấp quá.
Bài viết này đã giúp sinh viên giải đáp băn khoăn rằng điểm học phần bao nhiêu thì bị rớt môn ở đại học? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với các em!
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.