Home Học tập Học TOEIC Online – Part 7 Reading Siêu Khó, Làm Sao Để Đúng Nhiều Câu?

Học TOEIC Online – Part 7 Reading Siêu Khó, Làm Sao Để Đúng Nhiều Câu?

by Hoàng Khôi Phạm
Học TOEIC Online - Part 7 Reading Siêu Khó, Làm Sao Để Đúng Nhiều Câu?

Sau khi học xong 6 Part của đề thi TOEIC, chắc hẳn bạn cũng toát mồ hôi, cảm thấy khá rối não, và tự cảm nhận được rằng TOEIC là một điều gì đó không hề đơn giản, nếu học không vững, không chắc, thì sẽ khó mà đạt điểm cao. Đó là 1 nhận định chính xác, nhưng chưa đâu, khi đụng tới Part 7 Reading thì bạn sẽ thấy rằng TOEIC nó còn phức tạp hơn nhiều. Part 7 Reading được đánh giá là phần siêu khó, vậy làm sao để bạn đúng được nhiều câu khi học TOEIC online? Hãy cùng Tự Tin Vào Đời giải đáp băn khoăn ấy trong bài viết này nhé!

TOEIC Part 7 có bao nhiêu câu, chiếm bao nhiêu điểm?

Đề thi TOEIC bao gồm 200 câu hỏi trắc nghiệm, Part 7 Reading sẽ là phần cuối cùng trong phần reading nói riêng, và trong toàn bộ đề thi TOEIC nói chung, từ câu 147 tới câu 200, tức là tổng cộng có 54 câu hỏi. Đây cũng chính là phần có tổng số câu hỏi nhiều nhất trong các Part của đề thi TOEIC, vừa khó, vừa nhiều câu hỏi, nên đương nhiên những ai muốn đạt điểm cao khi thi TOEIC sẽ phải chú trọng ôn luyện nhiều ở phần Part 7 Reading này. Vậy cụ thể hơn, Part 7 nếu làm đúng hết 54 câu thì bạn sẽ được bao nhiêu điểm trong phần này?

Trung bình 1 câu đúng trong đề thi TOEIC sẽ tương đương với 5 điểm, sẽ có chênh lệch đôi chút nhưng không quá nhiều, nên bạn hoàn toàn có thể lấy mốc 5 điểm/câu để ước lượng. Khi nhân cho 54 câu trong Part 7 Reading, thì sẽ ra 270 điểm, chiếm hơn 1/4 điểm số của bài thi TOEIC, một con số khiến nhiều người quan ngại, nhất là khi mở đề thi TOEIC ra, nhìn vào các câu trong Part 7 thì sẽ còn đau đầu hơn. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem vì sao Part 7 chỉ yêu cầu đọc hiểu thôi mà lại được đánh giá là siêu khó?

Reading Part 7 yêu cầu đọc hiểu, vì sao lại siêu khó?

Part 7 sẽ bao gồm 1-2-3 đoạn văn cho từng nội dung, mỗi nội dung sẽ có 2-5 câu hỏi, thường thì đoạn văn càng dài, hoặc càng nhiều đoạn văn thì sẽ tương ứng với càng nhiều câu hỏi trong nội dung đó hơn. Thường từ câu 176 tới 200 sẽ là các phần có nhiều đoạn văn (tương ứng 25 câu cuối trong đề thi TOEIC). Yêu cầu của phần TOEIC Part 7 Reading này cũng khá đơn giản, đó là đọc hiểu, bạn cần đọc các đoạn văn và dựa vào nội dung, dữ kiện của nó để trả lời các câu hỏi. Tóm lại chỉ là đọc – hiểu – trả lời câu hỏi, chứ cũng không có kiểm tra ngữ pháp gì cả, đáng lẽ phải nhẹ đầu, những bạn nào chưa vững ngữ pháp Tiếng Anh có thể vui mừng, hân hoan khi làm Part 7, chứ tại sao nó lại được đánh giá là siêu khó?

  • Thứ 1, đó là vì số lượng câu hỏi quá nhiều, tận 54 câu nên mọi người sẽ có tâm lý bị choáng ngợp, bị ngán, thay vì chia nhỏ chỉ tầm 20-30 câu như các Part khác thì sẽ dễ thở hơn.
  • Thứ 2, đó là vì các đoạn văn trong Part 7 đều sẽ khá dài, nhất là các nội dung có tới 2-3 đoạn văn, khiến thí sinh làm bài sẽ dễ bị rối, không biết nên đọc kỹ phần nào, lướt phần nào, đáp án mà mình cần tìm đang nằm ở đâu.
  • Thứ 3, đó là vì các câu trong Part 7 Reading sẽ thường xuyên được Paraphrase (biến tấu lại theo cách viết khác, nhưng vẫn giữ đúng ngữ nghĩa), chứ không đơn giản sẽ lấy nguyên xi nội dung trong các đoạn văn để đưa vào câu hỏi/câu trả lời đâu.
  • Thứ 4, vì là phần đọc hiểu nên đương nhiên bạn phải nắm vững, thuộc rất nhiều từ vựng, thì mới có thể hiểu được các đoạn văn dài ngoằng, phức tạp trong phần Part 7 này, những ai có vốn từ chưa đa dạng, chưa tự tin vào từ vựng của bản thân thì sẽ dễ bị ngộp trong phần này.

Các dạng đoạn văn phổ biến trong Part 7 TOEIC

Sau khi tìm hiểu về yêu cầu & độ khó của TOEIC Reading Part 7, thì bạn có thể thấy đuối, thấy choáng, thấy khó khăn, phức tạp, nhưng càng lo lắng sẽ càng không giải quyết được gì, thay vào đó, bạn cần bắt tay vào quá trình học, ôn luyện. Trước tiên, chúng ta sẽ lần lượt điểm qua từng dạng đoạn văn phổ biến trong Part 7 TOEIC để làm quen trước với các dạng nội dung trong phần này:

  • Thư tay (letter), thư điện tử (email): Đều là dạng đoạn văn về thư tín, dù là thư tay hay thư điện tử thì cũng đều tương tự nhau, sẽ có ai gửi đến ai, lý do viết thư, diễn đạt chi tiết, yêu cầu người nhận phản hồi/làm điều gì,…
  • Chuỗi tin nhắn (text message chain): Y như các tin nhắn chat bình thường, thường giữa 2-3 người, và sẽ có các câu hỏi liên quan tới câu chat của từng người, nhiệm vụ của bạn là xác định đúng rằng câu hỏi đang hỏi về ai, rồi tìm các tin nhắn của người đó để đọc lại.
  • Dạng thông báo (announcement/notice): Có thể là thông báo nội bộ ở nơi làm việc, trong văn phòng, toà nhà,… thường là các thông báo ngắn, thông tin cũng đơn giản như là mục đích thông báo, đối tượng áp dụng, thời gian áp dụng, nội dung chi tiết của thông báo.
  • Văn bản hướng dẫn (instructions): Tương tự như dạng thông báo, nhưng thiên về hướng dẫn người đọc cần làm gì, làm các bước nào, cần lưu ý gì.
  • Dạng quảng cáo (advertisement): Quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ, khuyến mãi, thường sẽ có phần giới thiệu về công ty/đơn vị đăng quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm/dịch vụ, chi tiết về các ưu đãi, khuyến mãi, thời hạn áp dụng, đối tượng áp dụng, yêu cầu người đọc phải làm gì để nhận được ưu đãi.
  • Bài báo (article): Có thể là doanh nghiệp mua bài báo để PR thương hiệu, hoặc các bài báo về tin tức, thường sẽ hỏi về nội dung chi tiết được đề cập trong đó, xem thông tin nào đúng, thông tin nào không đúng.
  • Bài đánh giá (review): Thường sẽ khá ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, rằng họ đã sử dụng dịch vụ/sản phẩm nào, vào ngày nào, khen hay chê sẽ nói thẳng và kèm theo lý do mà họ khen/chê.
  • Dạng danh sách/thực đơn/hoá đơn (list/menu/bill): Hỏi các thông tin được đề cập trong đó, thường cũng sẽ ngắn gọn, không quá nhiều chữ, và được xuống dòng dễ nhìn.

>> Tự học TOEIC online – Part 5 Reading luyện giải đề & giải thích đáp án

Ôn luyện TOEIC Part 7 theo các loại câu hỏi thường gặp

Sau khi tìm hiểu về các dạng đoạn văn, thì bạn sẽ thấy rằng có khá nhiều dạng với hình thức, mục đích và độ dài khác nhau, và đương nhiên bạn cần phải đọc hiểu được toàn bộ các dạng đó, mấu chốt nằm ở chỗ bạn cần cố gắng ôn luyện, trau dồi vốn từ vựng, càng đa dạng vốn từ thì bạn sẽ càng thuận lợi hơn trong việc nắm nội dung. Để tăng khả năng làm bài TOEIC Part 7 Reading được điểm cao, thì đương nhiên bạn cũng cần ôn luyện các loại câu hỏi thường gặp trong phần này:

+ Câu hỏi chủ đề/mục đích:

Đây là dạng câu hỏi đơn giản nhất trong Part 7, rằng chủ đề/mục đích của đoạn văn này là gì, thường sẽ là câu hỏi đầu tiên, và câu trả lời của nó cũng thường nằm ở 1-2 câu đầu trong đoạn văn. Các câu hỏi thường gặp là:

  • What is the purpose of the advertisement? (mục đích là gì)
  • What is the e-mail about? (về cái gì)
  • What is being announced? (thông báo cái gì)
  • Why does Jane message her colleagues? (tại sao)

+ Câu hỏi tìm thông tin đúng/sai:

Đây là dạng câu hỏi mất nhiều thời gian để trả lời nhất, vì sẽ có 4 đáp án A, B, C, D, bạn phải dò hết cả 4 để xem đâu là đáp án đúng/sai theo yêu cầu của đề bài, và thường sẽ có cài cắm, biến đổi nội dung một chút trong các đáp án để gài bẫy. Các câu hỏi thường gặp là:

  • What is NOT mentioned about the boots? (không được đề cập -> chọn đáp án Sai)
  • What is NOT included with a stay at the hotel? (không bao gồm -> chọn đáp án Sai)
  • What is NOT indicated about Blissful Horse Stables? (không biểu thị, ám chỉ -> chọn đáp án Sai)
  • What information is included in the press release? (có bao gồm -> chọn đáp án Đúng)
  • What is true about Zealandia Airlines? (điều gì đúng -> chọn đáp án Đúng)
  • What is listed as a requirement for the job? (được liệt kê -> chọn đáp án Đúng)
  • What will the technology department do? (làm gì -> chọn đáp án Đúng)
  • What is Logiens Transport’s role? (có vai trò gì -> chọn đáp án Đúng)

+ Câu hỏi suy luận:

Dựa vào dữ kiện/thông tin trong các đoạn văn, rồi suy luận để tìm ra câu trả lời, đây là dạng đánh đố và khiến bạn dễ bị rối, phải xâu chuỗi tầm 2 câu (hoặc 2 thông tin) với nhau thì mới tìm được đáp án. Các câu hỏi thường gặp là:

  • Where most likely does Mr. Cho work? (làm việc ở đâu)
  • What products does Hibiscus Supply most likely sell? (bán cái gì)
  • What does Mr. Jones indicate in his e-mail? (ám chỉ điều gì)
  • What is suggested about Seonwu Law Firm? (đề xuất/gợi ý cái gì)
  • What can be concluded about Mr. Kang? (kết luận cái gì)

+ Câu hỏi tìm từ đồng nghĩa:

Đòi hỏi phải biết nghĩa của từ vựng để tìm từ đồng nghĩa, đúng với ngữ cảnh nhất. Chỉ có 1 dạng câu hỏi thường gặp là:

  • The word “……..” in paragraph 1, line 2, is closest in meaning to (gần nghĩa nhất)

+ Câu hỏi về hàm ý câu nói:

Đòi hỏi phải vừa biết từ vựng, vừa hiểu được ngữ cảnh để suy ra hàm ý câu nói, rằng người đó nói câu đó ra để làm gì, muốn ám chỉ điều gì, thường sẽ là nghĩa bóng, nghĩa hàm ý. Chỉ có 1 dạng câu hỏi thường gặp là:

  • What does Mr. Herman mean when he writes, “………”? (hàm ý/nghĩa là gì)

+ Điền câu vào chỗ phù hợp:

Cho 1 câu, yêu cầu điền nó vào chỗ phù hợp nhất trong các chỗ đã được đánh số (1), (2), (3), (4) trong đoạn văn, đòi hỏi phải đọc hiểu và tìm được sự liên quan giữa câu đó với câu liền trước/liền sau, để chọn được chỗ phù hợp nhất. Chỉ có 1 dạng câu hỏi thường gặp là:

  • In which of the positions marked [1], [2], [3], and [4] does the following sentence best belong? “…………”

Phải làm sao để đúng nhiều câu trong TOEIC Part 7?

Để đúng nhiều câu trong TOEIC Part 7 Reading, bên cạnh việc phải chăm chỉ học & ôn luyện, thì bạn cũng cần nắm được các lưu ý quan trọng khi làm bài, hay thường gọi là các kỹ năng làm bài như sau:

  • Đọc câu hỏi trước, đọc đoạn văn sau, tránh việc lao vào đọc đoạn văn trước trong khi mình chưa biết đề thi muốn hỏi gì, vì như thế thì lát nữa khi đọc câu hỏi xong lại phải mất thời gian đọc lại đoạn văn thêm lần nữa, vừa lãng phí thời gian, vừa dễ khiến mình bị rối.
  • Thứ tự câu hỏi là thứ tự nội dung xuất hiện trong đoạn văn, tức là câu hỏi 1 thường sẽ ở đoạn đầu, câu 2 ở đoạn phía sau đó, câu 3 ở đoạn phía sau đó nữa,… câu cuối sẽ ở phần cuối/đoạn văn cuối, hầu như sẽ không có trường hợp xáo trộn thứ tự lung tung nên bạn cứ yên tâm làm bài (trừ dạng câu hỏi suy luận).
  •  Skimming trước, rồi tìm từ khoá trong câu hỏi để scanning, skiming là phương pháp đọc nhanh để hiểu tổng quan nội dung đoạn văn, còn scanning là đọc lướt để tìm xem từ khoá xuất hiện ở đâu, rồi đọc kỹ phần đó để tìm ra đáp án.
  • Chú ý các phần paraphase, để tăng độ khó cho Part 7 thì trong đề thi TOEIC sẽ thường paraphase (viết lại theo cách khác), nhiệm vụ của bạn là phải sáng suốt, nắm được từ vựng, ngữ cảnh để nhận ra các đoạn đã được paraphase.
  • Quan trọng nhất là từ vựng, đương nhiên để làm tốt được phần TOEIC Reading Part 7 với các đoạn văn dài, chi chít chữ, và có cả các câu hỏi suy luận, tìm từ đồng nghĩa, hàm ý câu nói,… thì đương nhiên bạn phải chịu khó học từ vựng, có từ vựng thì mới làm tốt được, chứ không có từ vựng thì sẽ không làm bài được.

Bài viết này đã giúp bạn nắm được rất nhiều thông tin quan trọng để học tốt & làm tốt bài thi TOEIC Reading Part 7, bao gồm các dạng đoạn văn phổ biến, các loại câu hỏi thường gặp và làm sao để đúng nhiều câu trong Part 7? Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!

>> Luyện giải đề nhiều có giúp thi TOEIC điểm cao hơn không?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích