Nếu muốn gia tăng cơ hội được gọi đi phỏng vấn, thì bạn cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư cho mình một chiếc CV xịn xò. Để làm được điều đó, thì bạn cần phải tìm hiểu cách viết CV sao cho chuyên nghiệp, nêu bật những điểm mạnh của bản thân và tránh những lỗi sai thường gặp khi viết CV. Tất nhiên, bạn phải có nhiều điểm mạnh thì mới nêu vào trong CV được, nhưng vẫn có một số ứng viên vô tư nói quá về bản thân, hoặc ghi vào những điểm mạnh mà mình không có. Vậy khai gian, thiếu trung thực trong CV xin việc có sao không?
>> Gian dối khi phỏng vấn và những hậu quả khôn lường
Vì sao nhiều người khai gian trong CV xin việc?
Khi quyết định khai gian trong CV xin việc thì ai cũng tự có cho mình một số lý do để lấp liếm, trấn an bản thân rằng “không sao đâu, mình chỉ ghi thêm cái này cái kia một chút thôi”. Lý do chủ yếu dẫn tới hành vi thiếu trung thực ấy chính là vì muốn CV của mình trở nên nổi bật hơn, phù hợp hơn với vị trí ứng tuyển. Bên cạnh đó, một số ứng viên chưa tốt nghiệp đại học hoặc có điểm trung bình chưa tốt cũng quyết định “úm ba la” để phần học vấn của mình trở nên ấn tượng hơn. Ngoài ra, cũng có một số người đã quen với việc “đổi trắng thay đen”, cho rằng việc thiếu trung thực trong CV xin việc cũng chẳng làm hại tới ai, chẳng ảnh hưởng tới ai, nên cứ khai gian vô tội vạ.
Mọi người thường khai gian điều gì trong CV xin việc?
Có rất nhiều chỗ trong CV xin việc mà ứng viên có thể khai gian. Dưới đây là một số điều mà nhà tuyển dụng thường bắt gặp:
- Khai gian thông tin cá nhân: Một số người có mục đích xấu khi vào công ty làm việc nên đã làm giả thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ, để sau này có chuyện gì thì công ty cũng khó lòng truy cứu.
- Thiếu trung thực ở phần học vấn: Một số ứng viên chưa tốt nghiệp đại học nhưng lại ghi đại một trường nào đó, vì công việc yêu cầu phải tốt nghiệp đại học. Hoặc ứng viên có xếp loại tốt nghiệp chỉ ở mức trung bình, nhưng lại ghi là khá hoặc thậm chí là giỏi luôn, vì muốn CV của mình nổi bật hơn.
- Thiếu trung thực ở phần ngoại ngữ: Một số công việc đặc thù yêu cầu ngoại ngữ, chẳng hạn như IELTS 7.0, dù chưa thi nhưng một số ứng viên nghĩ rằng trình độ của mình cũng tương đương nên ghi đại vào CV luôn.
- Thiếu trung thực ở phần kinh nghiệm làm việc: Chẳng hạn như công việc yêu cầu 3 năm kinh nghiệm, ứng viên mới có 2 năm kinh nghiệm thôi, nhưng đã đôn thẳng lên thành 3 năm.
- Thiếu trung thực ở phần kỹ năng mềm: Một số ứng viên thiếu trung thực trong phần kỹ năng mềm, liệt kê những kỹ năng mà mình chưa thành thạo lắm, để CV xin việc của mình nổi bật hơn.
- Thiếu trung thực ở người tham khảo: Một số ứng viên quyết định chơi lớn, khai gian luôn phần người tham khảo, tức là thay vì đưa thông tin của quản lý cũ, thì lại để thông tin của bạn bè, người thân vào, khi công ty gọi đến thì mặc định sẽ khen ngợi, nói tốt về mình một cách bất chấp.
>> Nên liệt kê những kỹ năng mềm nào trong CV ứng tuyển?
Thiếu trung thực là vi phạm chuẩn mực đạo đức
Chưa bàn tới chuyện thiếu trung thực trong CV xin việc, thật ra, khi xét ở chuẩn mực đạo đức, thì thiếu trung thực cũng là một hành vi sai trái, không được ủng hộ rồi. Nó sẽ phản ánh rằng bạn là một người gian dối, vi phạm chuẩn mực đạo đức cơ bản mà mình đã được dạy dỗ từ nhỏ trong gia đình và trường lớp rồi. Bạn có cảm thấy áy náy mỗi khi mình nói dối hay có hành vi thiếu trung thực không? Cho dù khai gian trong CV có vẻ không gây hại tới ai, nhưng đó cũng là điều không tốt, người ta sẽ dựa vào đó để phán xét, đánh giá không tốt về bạn. Bên cạnh đó, thiếu trung thực trong CV xin việc cũng sẽ mang lại nhiều tác hại khôn lường cho chính bản thân bạn, cụ thể hơn trong phần tiếp theo.
Thiếu trung thực trong CV xin việc có sao không?
Sau khi đã bàn về khía cạnh đạo đức, thì chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về những tác hại khác khi thiếu trung thực trong CV xin việc. Tác hại đầu tiên là xác suất rất cao rằng bạn bị nhà tuyển dụng phát hiện rằng mình thiếu trung thực trong CV, vì họ đã là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, sẽ biết cách hỏi xoáy trong buổi phỏng vấn để kiểm tra lại những gì được ghi trong CV, bạn không dễ dàng qua mặt nhà tuyển dụng đâu.
Thứ hai, sau khi bị phát hiện, thì chắc chắn bạn sẽ bị mất điểm nặng nề trong mắt nhà tuyển dụng và khả năng cao rằng sẽ bị trượt phỏng vấn luôn, vì chẳng ai muốn tuyển một người gian dối vào công ty làm việc cả. Cuối cùng, nếu bạn may mắn vượt qua vòng phỏng vấn, thì khi được nhận vào làm việc cũng sẽ loay hoay, không hoàn thành tốt công việc, vì mình đã nói quá về bản thân, phóng đại năng lực bản thân, đang mặc một chiếc áo quá rộng so với khả năng của mình. Kết quả là bạn sẽ bị đánh giá thấp, bị “lòi đuôi chuột” và bị đánh rớt sau giai đoạn thử việc.
Nói chung là lành ít dữ nhiều, hành vi khai gian, thiếu trung thực trong buổi phỏng vấn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, chính vì thế, bạn nên giữ tinh thần trung thực, có gì nói đó, còn cái nào mình chưa tốt thì cố gắng trau dồi, rèn luyện thêm nhé. Bài viết này đã giúp bạn giải đáp thắc mắc rằng thiếu trung thực trong CV xin việc có sao không, hy vọng rằng thông tin này sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn hoàn thành tốt CV của mình nhé!
>> Hậu quả khôn lường khi làm việc kiểu đối phó
Hỏi đáp nhanh
À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.
—
?? Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.