Home Học tậpHọc hành, thi cử Muốn Học Giỏi, Hãy Ngừng Ngay 9 Điều Này

Muốn Học Giỏi, Hãy Ngừng Ngay 9 Điều Này

by Hoàng Khôi Phạm
Muốn Học Giỏi, Hãy Ngừng Ngay Những Điều Này

Nhiều bạn hỏi anh làm sao để học giỏi? Làm sao để có động lực học tập? Rồi tự ti với kết quả học của mình quá thì phải làm sao? Nếu anh chỉ nói rằng các em phải cố gắng lên, chăm chỉ lên thì lại quá chung chung, ai chẳng biết muốn học giỏi thì phải chăm chỉ. Vậy để giúp các em một cách cụ thể hơn, anh sẽ liệt kê những điều các em nên ngừng ngay nếu muốn học giỏi:

1. Ngừng suy nghĩ tiêu cực nếu muốn học giỏi

Không có chặng đường nào trải đầy hoa hồng, dù cho có gặp những khó khăn như giáo viên khó, bài tập khó,… thì các em cũng đừng nản chí và đừng bao giờ có suy nghĩ tiêu cực kiểu như “chắc mình không làm được đâu, bài tập khó và nhiều quá”, “chắc giáo viên chấm điểm khó lắm, cố mấy cũng vậy thôi”, “mình sẽ không học giỏi được”… Một khi có suy nghĩ như thế thì các em đã đánh mất 90% cơ hội đạt được mục tiêu của mình.

Hãy nhìn lại bạn bè xung quanh, giáo viên khó thì đâu phải mình mình gặp, bài tập khó đâu phải mình mình phải làm. Không có gì là không thể nếu như các em biết cố gắng, suy nghĩ tích cực, thoải mái tâm lý và cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu.

>> Tư duy tích cực – Động lực học tốt cho sinh viên

2. Ngừng tự ti về năng lực của mình

Bản chất mỗi người không có ai hoàn toàn tệ cả, mỗi người đều có một thế mạnh riêng. Đặc biệt, khi các em cố gắng phấn đấu thì năng lực của mình sẽ tương đương với các bạn khác. Vì thế, hãy ngừng ngay việc tự ti về bản thân, cho rằng mình học dở, mình tiếp thu chậm, trí nhớ kém,… Đừng so sánh bản thân mình với một người quá hoàn hảo vì điều đó sẽ lại càng khiến các em tự ti hơn. Đừng cố gắng trở thành một phiên bản của người khác, hãy cố gắng hết sức để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của mình.

3. Ngừng đổ lỗi cho hoàn cảnh

Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, hoàn cảnh cũng có tác động đến kết quả học tập của mỗi người nhưng chỉ là phần nhỏ thôi. Các em đừng cho rằng bạn kia học giỏi vì nhà giàu, có điều kiện cho đi học thêm với giáo viên giỏi, rồi bạn ấy chỉ cần học thôi, không cần làm việc nhà giống mình,… Thực tế đã chứng minh nhiều tấm gương nghèo hiếu học đấy, họ đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, cố gắng học tập với hy vọng rằng học giỏi sẽ có được tương lai tốt đẹp hơn. Chính vì thế, các em cũng cần có suy nghĩ như thế để tiếp tục phấn đấu, chứ đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh.

4. Ngừng giấu dốt nếu muốn học giỏi

Lên đại học rồi, biết bao đắng cay sóng gió suốt 12 năm đèn sách cũng đã trải qua hết rồi. Còn gì phải ngại để mà sợ bị chửi là “ngu” nữa, có gì không biết, không hiểu thì các em phải hỏi tụi bạn liền, tụi nó chỉ lại cho. Trên đời không gì nhọ hơn vào phòng thi đứa bạn làm bài trơn tru, ra về hớn hở, còn mình thì tạch vì không biết mà không chịu hỏi sớm để nó chỉ cho trước khi thi.

Còn nếu thấy tụi bạn trong nhóm cũng như mình thôi, có khi nó còn ngu ngơ hơn thì tụi em cứ hỏi giáo viên, không ai la mắng sinh viên ham học hỏi và biết lắng nghe bao giờ. Tạo được thiện cảm với giáo viên cũng là một điều rất tốt đấy. Còn nếu các em vẫn còn một từ ngại to đùng trên mặt thì âm thầm hỏi chị Gu Gồ nhé, chị ấy cũng uyên thâm lắm, không phải dạng vừa đâu.

5. Ngừng mong rằng sẽ may mắn, trúng tủ khi đi thi

Không ít sinh viên cứ đến lúc làm bài kiểm tra hoặc làm bài thi là lại hy vọng thần may mắn sẽ mỉm cười, hy vọng sẽ trúng tủ chứ đừng ra phần mình chưa học. Với tâm lý như thế thì các em chỉ may mắm được 1-2 lần thôi, còn đa phần vẫn bị tủ đè. Ngoài ra, học là quá trình tích luỹ kiến thức chuyên môn để củng cố cho công việc sau này, đồng thời, nhiều môn học còn liên quan tới nhau, nếu các em chỉ học tủ thì sẽ bị hổng kiến thức, dẫn tới việc không học được các môn nâng cao, rồi sau này đi làm cũng sẽ rất khó để có được công việc như ý.

>> Làm gì để giảm bớt áp lực học hành, thi cử?

6. Ngừng học môn này, bỏ môn kia

Song hành với việc học tủ, thì có một “phương pháp” học khác cũng được không ít sinh viên áp dụng, đó chính là học môn này, bỏ môn kia. Có thể là do môn đó quá khó, giáo viên môn đó quá dễ hoặc đơn giản là đó không phải môn liên quan đến chuyên ngành nên các em tự ý bỏ, với lý do là muốn tập trung thời gian cho các môn quan trọng hơn. Thế nhưng điều đó vô tình làm giảm khả năng học tập của các em, bộ não hoạt động kém hiệu quả hơn vì suốt ngày chỉ tập trung vào các môn tính toán (ví dụ các em chỉ thích học các môn tính toán). Chưa kể việc này cũng tạo nên tâm lý lười nhác, khiến các em dễ dàng bỏ cuộc khi gặp các môn học khó. Đồng thời, điểm trung bình khi ra trường của các em sẽ khá tệ nếu học môn này, bỏ môn kia đấy.

7. Ngừng mua quá nhiều tài liệu nhưng không đọc hết

Anh biết các em thường có suy nghĩ là mua càng nhiều tài liệu thì càng an tâm, đặc biệt là khi gần tới kỳ thi, thấy bạn bè có tài liệu gì hay ho thì cũng tìm mua cho bằng được nhưng lại chẳng bao giờ đọc hết. Hãy ngừng ngay điều này. Thay vào đó, các em cần chọn lọc tài liệu, chỉ mua những tài liệu mình thật sự cần và khi đã mua thì phải cố gắng đọc hết.

8. Ngừng học nhồi, học vẹt nếu muốn học giỏi

Nhiều sinh viên có quyết tâm phải lấy lại kiến thức nền tảng, phải cố gắng làm lại từ đầu để cải thiện kết quả học tập, nhưng lại không đạt được như mong đợi chỉ vì các em quá vội vàng, nhồi nhét quá nhiều kiến thức trong thời gian ngắn và cũng không ít bạn quyết định học vẹt để cho nhanh. Nhưng cuối cùng, các kiến thức đó đều bị các em quên sạch chỉ sau 1-2 tuần chỉ vì các em không hiểu rõ bản chất của chúng, không hiểu được sự liên kết giữa các kiến thức ấy với nhau. Vì thế, để làm lại từ đầu thì các em đừng bao giờ chọn cách học nhồi, học vẹt nhé.

9. Ngừng học mà không ôn tập

Có một bí quyết rất quan trọng để học giỏi của chính anh, đó chính là vừa học vừa ôn tập. Nếu môn đó có bài tập thì cần tự giác giải ngay sau buổi học mà không cần giáo viên nhắc nhở. Còn nếu đó là môn lý thuyết thì mình cũng tự giác ôn lại bài sau mỗi buổi học và cố gắng liên kết kiến thức giữa các buổi học với nhau. Tránh việc để gần thi mới cuống cuồng ôn tập, sẽ rất mất thời gian và khó lòng hiểu rõ được các kiến thức mà mình đã học.

Ngoài ra, có một ví dụ cụ thể hơn về việc học Tiếng Anh, đó là nếu các em cố gắng mỗi ngày học 10 từ vựng mới, thì sau 1 tuần các em cần ôn lại ngay 70 từ đã học được để xem từ nào mình nhớ, từ nào mình quên để mà học lại. Chứ tránh việc mải mê học từ mới xong sau 1-2 tháng lại chẳng nhớ được bao nhiêu.

>> Bí quyết học và ôn thi hiệu quả

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp,… thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe


?? Like page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
? Vào group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
? Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích