Home Học tậpHọc hành, thi cử Những Lý Do Khiến Sinh Viên Đại Học Tốt Nghiệp Ra Trường Trễ

Những Lý Do Khiến Sinh Viên Đại Học Tốt Nghiệp Ra Trường Trễ

by Hoàng Khôi Phạm
Những Lý Do Khiến Sinh Viên Đại Học Tốt Nghiệp Ra Trường Trễ

Bất kỳ sinh viên nào cũng mong muốn mình sẽ có kết quả học tập tốt và ra trường đúng hạn. Tuy nhiên, đâu ai đoán trước được tương lai, một số sinh viên đại học đã phải ngậm ngùi tốt nghiệp ra trường trễ hơn những bạn đồng trang lứa 1-2 học kỳ, hoặc thậm chí trễ hẳn 2-3 năm, vì nhiều lý do khác nhau:

>> Tốt nghiệp ra trường trễ có sao không, có bất lợi gì khi xin việc?

1. Tốt nghiệp ra trường trễ vì lý do rớt môn

Rớt môn là trường hợp điểm trung bình môn học của sinh viên ở mức không đạt, khi đó, một số trường sẽ cho phép sinh viên thi lại để kéo điểm lên, nhưng đa số trường đại học hiện nay sẽ yêu cầu sinh viên phải học lại từ đầu môn học mà mình đã rớt, nếu không thì sẽ bị tính là nợ môn, nợ tín chỉ, và nếu còn đang nợ môn, chưa trả nợ môn xong thì sẽ không được xét tốt nghiệp. Vì bản chất việc học lại sẽ giúp sinh viên nắm vững kiến thức hơn, nhất là những môn chuyên ngành quan trọng, ảnh hưởng nhiều tới công việc sau này, chứ không phải chỉ nằm ở câu chuyện điểm số.

Nếu chỉ rớt 1-2 môn, thì sinh viên có thể sắp xếp học lại chung với khoá sau để trả nợ môn. Tuy nhiên, nếu thiếu tập trung, khiến mình bị rớt môn quá nhiều, thì sinh viên đại học toàn toàn có thể phải đối mặt với rủi ro tốt nghiệp ra trường trễ, khi phải dành thời gian học lại quá nhiều. Vậy để tránh rơi vào trường hợp tốt nghiệp ra trường trễ vì lý do này, thì sinh viên cần phải cố gắng, tập trung học tập để đạt kết quả tốt và nắm vững kiến thức, tránh để mình bị rớt môn.

2. Tốt nghiệp ra trường trễ vì lý do đổi chuyên ngành

Một trong những lý do khá phổ biến khiến sinh viên tốt nghiệp ra trường trễ chính là thay đổi chuyên ngành, tức là ban đầu các em đăng ký ngành A, nhưng học giữa chừng thấy không hợp, nên chuyển sang học ngành B lại từ đầu. Điều này sẽ khiến sinh viên tốt nghiệp ra trường trễ 1-2 năm, thậm chí có một số trường hợp đến năm 3 mới bắt đầu đổi ngành, rồi phải học lại từ đầu, khiến mình phải ra trường trễ tới 3 năm so với những bạn đồng trang lứa. Chính vì thế, ngay từ đầu, sinh viên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn chuyên ngành, xem mình có thật sự thích ngành đó không, sau này ra trường đi làm có muốn gắn bó lâu dài với công việc đó không, để tránh trường hợp lãng phí thời gian học giữa chừng lại đổi ngành.

>> Không thích ngành đang học – Có nên học lại ngành khác?

3. Sinh viên gap year 1 năm nên phải ra trường trễ

Gap year là trường hợp sinh viên quyết định tạm dừng việc học một thời gian (thường là 1 năm), đây cũng là một trong những lý do phổ biến khiến sinh viên tốt nghiệp ra trường trễ. Nguyên nhân có thể vì các em cảm thấy việc học tập quá căng thẳng, muốn nghỉ ngơi một thời gian, hoặc đang cảm thấy mơ hồ về tương lai, chưa có định hướng công việc rõ ràng nên quyết định tạm thời gap year để nhìn lại bản thân, định hướng lại xem mình thật sự muốn gì, thích làm gì sau này.  Hoặc cũng có một số bạn muốn gap year 1 năm để tranh thủ thời gian trau dồi thêm ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho bản thân. Đây là một quyết định khá táo bạo và thường sẽ bị gia đình phản đối, chính vì thế, nếu có ý định gap year thì các em nên chuẩn bị trước tinh thần và một số luận điểm để có thể thuyết phục phụ huynh.

4. Ra trường trễ vì lý do tài chính, hoàn cảnh gia đình

Một số sinh viên vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc tài chính gia đình đột ngột bị suy giảm, có quá nhiều khoản chi tiêu nhưng thu nhập gia đình lại không đủ để trang trải, nên đành phải tạm thời bảo lưu kết quả học tập, đến khi sắp xếp được học phí thì mới đi học tiếp. Đây là một lý do cực kỳ đáng tiếc khiến các em phải tốt nghiệp ra trường trễ. Tuy nhiên, vẫn có giải pháp giúp sinh viên có thể duy trì việc học, bằng cách apply các học bổng khuyến học cho sinh viên nghèo vượt khó, hầu như các trường đại học đều thường xuyên có những suất học bổng này cho những bạn chứng minh được rằng gia đình mình đang gặp khó khăn tài chính và mình vẫn rất đam mê học tập, không muốn phải tạm dừng ước mơ học tập.

5. Bảo lưu kết quả học tập vì lý do sức khoẻ nên ra trường trễ

Đây thật sự là một lý do đáng tiếc khiến sinh viên phải tốt nghiệp ra trường trễ, và đó cũng là yếu tố khách quan mà các em khó lòng kiểm soát được. Sức khoẻ của mỗi người khác nhau, đa số sinh viên sẽ khoẻ mạnh, nhưng cũng có một số bạn cơ địa vốn dĩ đã khá yếu, thường xuyên mắc bệnh vặt, sức đề kháng suy giảm, rồi có khi phải nhập viện một thời gian dài nên đành phải bảo lưu kết quả học tập. Trong trường hợp bất đắc dĩ này, thì tất nhiên các em cần ưu tiên sức khoẻ hơn, hãy cố gắng nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, chăm tập thể dục thể thao, sau khi đã khoẻ lại rồi thì mình sẽ tiếp tục việc học cũng chưa muộn.

Trên đây là 5 lý do phổ biến nhất khiến sinh viên đại học phải tốt nghiệp ra trường trễ. Trên thực tế, vẫn còn nhiều lý do khác, mỗi người mỗi hoàn cảnh, nên cũng sẽ có những lý do riêng khiến mình phải đối mặt với rủi ro ra trường trễ. Ra trường trễ là một bất lợi, vì mình sẽ có xuất phát điểm khi đi làm chậm hơn những bạn đồng trang lứa, nhưng đó chỉ mới là điểm bắt đầu, sau này ai thành công hơn ai còn phụ thuộc vào sự cố gắng, nỗ lực của mỗi người trong chặng đường phía trước. Chính vì thế, dù ra trường trễ vì bất kỳ lý do nào thì sinh viên cũng đừng nản chí, hãy cố gắng nỗ lực 200% để chạy nước rút và bứt phá bản thân để có thể theo kịp những bạn khác và gặt hái được những thành công của riêng mình!

>> Sinh viên được quyền bảo lưu kết quả học tập trong trường hợp nào?

Hỏi đáp nhanh

À, nếu các em có những băn khoăn, trăn trở về chuyện học hành, thi cử, định hướng nghề nghiệp hay lo lắng không tìm được việc làm thì đừng ngại hỏi anh tại đây nhe.


+ Like Page Tự Tin Vào Đời để không bỏ lỡ các bài viết mới về kinh nghiệm học tập, ứng tuyển, làm việc và những lời khuyên hữu ích để sinh viên tự tin bước vào đời.
+ Vào Group Tự Tin Vào Đời để được sửa CV, hỏi đáp nhanh về học hành, thi cử, công việc,…
?Follow Instagram Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng hình ảnh
? Follow Tiktok Tự Tin Vào Đời để xem các chia sẻ và hỏi đáp nhanh dưới dạng video ngắn
? Subscribe Youtube Hoàng Khôi Phạm để xem các video chia sẻ và hỏi đáp nhanh theo nhiều chủ đề hữu ích
+ Tác giả: Hoàng Khôi Phạm – Profile tác giả tại đây.

Có thể bạn sẽ thích